(Baothanhhoa.vn) - Sau 29 năm từ ca nhiễm HIV đầu tiên tại huyện Đông Sơn (tháng 11/1995), tính đến ngày 14/12/2024 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh là 9.240 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.685 (4.068 người Thanh Hóa và 617 người tỉnh ngoài), hơn 3.000 người nhiễm HIV đã tử vong. 100% huyện, thị xã, thành phố; 98% (542/558) số xã, phường, thị trấn báo cáo phát hiện người nhiễm HIV.

Góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030

Sau 29 năm từ ca nhiễm HIV đầu tiên tại huyện Đông Sơn (tháng 11/1995), tính đến ngày 14/12/2024 lũy tích người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh là 9.240 người; trong đó số người đang còn sống và quản lý được là 4.685 (4.068 người Thanh Hóa và 617 người tỉnh ngoài), hơn 3.000 người nhiễm HIV đã tử vong. 100% huyện, thị xã, thành phố; 98% (542/558) số xã, phường, thị trấn báo cáo phát hiện người nhiễm HIV.

Góp phần thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030Học sinh Trung Tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Xương tham gia hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội.

Trước thực trạng trên, nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay, các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và tuyên truyền viên đồng đẳng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao được duy trì và triển khai thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, trong các tháng cao điểm như Ngày thế giới phòng chống ma túy (26/6), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), các hoạt động truyền thông được tổ chức sôi nổi, phong phú thu hút được sự quan tâm của người dân tại cộng đồng.

Nội dung truyền thông được lồng ghép phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống các tệ nạn xã hội; tuyên truyền về Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người; về các biện pháp can thiệp giảm hại; giảm kỳ thị phân biệt và đối xử với người nhiễm HIV; truyền thông về K=K (không phát hiện = không lây nhiễm); lợi ích của điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; lợi ích điều trị ARV sớm, điều trị Methadone, điều trị PrEP.

Theo số liệu báo cáo từ Sở Y tế, riêng trong năm 2024 toàn tỉnh đã tổ chức 8.917 lượt truyền thông với gần 4,82 triệu lượt người tham dự. Hoạt động truyền thông chủ yếu được các đơn vị lồng ghép vào hoạt động chuyên môn của đơn vị và thông qua hoạt động tiếp cận can thiệp của các nhóm giáo dục viên đồng đẳng dự án Quỹ toàn cầu và Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.

Hình thức và đối tượng truyền thông đa dạng, phong phú, thu hút được nhiều người nhiễm HIV tham gia vào các hoạt động như: Mít tinh diễu hành quần chúng; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền qua tờ rơi, pa nô, áp phích. Đặc biệt, hàng năm tỉnh đều tổ chức các đợt truyền thông lưu động về tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tháng hành động phòng, chống ma túy; tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS, điều trị viêm gan vi rút C trên người bệnh nhiễm HIV, người bệnh điều trị Methadone.

Một trong những thành công trong công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa là việc xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng rộng khắp. Toàn tỉnh hiện có 170 nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nghiện chích ma túy, 43 y tế thôn bản và 37 nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới được phân bố đều trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ này thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV để tuyên truyền cho đối tượng có hành vi nguy cơ cao về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; cung cấp cho họ phương tiện thực hiện các hành vi an toàn. Đồng thời, vận động họ đến tiếp cận các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS.

Nhờ các hoạt động truyền thông liên tục và sâu rộng, nhận thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS đã có những chuyển biến tích cực. Tình hình dịch HIV tại Thanh Hóa có xu hướng giảm các ca nhiễm HIV mới, giảm các ca HIV tử vong mới. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy qua giám sát trọng điểm báo cáo giảm dần từ 16% năm 2017 xuống 6% vào năm 2023. Đây là một trong những minh chứng rõ nét về hiệu quả của công tác truyền thông và các biện pháp can thiệp giảm hại.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với một số thách thức. Hiện nay, lây truyền HIV đang có diễn biến phức tạp, lây truyền qua quan hệ tình dục gia tăng, đặc biệt ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhưng tiếp cận với nhóm này để tư vấn về dự phòng lây nhiễm HIV đang là trở ngại vì họ không muốn công khai danh tính.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc; triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế; tiếp tục triển khai, đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí phù hợp với nhu cầu của người sử dụng; tăng cường tư vấn, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ để cải thiện khả năng tiếp cận và duy trì điều trị cho những người có hành vi nguy cơ cao.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]