“Góc khuất” của xuất khẩu lao động
Giàu lên nhờ xuất ngoại, song ít ai biết đằng sau những ngôi nhà cao tầng từ nguồn tiền đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn có những góc khuất, những câu chuyện buồn mà nhiều gia đình đang phải hứng chịu.
Nhiều gia đình ở xã Đông Minh (Đông Sơn) có con em đi XKLĐ xây được nhà cao tầng, mua xe..., làm thay đổi rõ rệt bộ mặt làng quê.
20 tuổi, chị H. ở xã Đông Minh (Đông Sơn) bước lên xe hoa về nhà chồng. 1 năm sau chị hạ sinh cô con gái đầu lòng. Khi con 2 tuổi, anh T. - chồng chị H. bàn bạc với gia đình và quyết định đi XKLĐ với mong muốn “đổi đời”. 2 năm đầu sang thị trường Hàn Quốc làm việc, anh T. thường xuyên liên lạc về cho vợ con. Tiền công hằng tháng anh cũng gửi về đều đặn, chỉ dành lại một khoản nhỏ chi tiêu. Từ năm thứ 3 trở đi, những cuộc gọi điện thoại cũng như số tiền gửi về cho vợ con cứ thưa dần rồi gần như dừng hẳn. Đến khi hết hạn hợp đồng lao động phải về nước, anh cũng không về. Chị H. nhiều lần chủ động gọi điện cho chồng nói ý định sang Hàn Quốc làm ăn cho “có vợ, có chồng”, nhưng anh không đồng ý. Nghi ngờ chồng có bồ nên chị H. ở nhà cặp kè với người khác. Chuyện vỡ lở, đến tai chồng, tháng 5 vừa qua anh trở về quê làm thủ tục ly hôn, nhận nuôi con, song lại gửi con ở nhà cho bố mẹ quay lại Hàn Quốc làm ăn.
Cũng sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS, hết hạn hợp đồng không về nước, anh M. ở xã Đông Anh (Đông Sơn) trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp. Do có tay nghề, kinh nghiệm lại chịu khó nên M. được chủ mới rất quý. Tuy nhiên, làm mới được một thời gian ngắn thì anh bị đau ruột thừa, phải mổ gấp. Vừa bình phục, trở lại làm việc thì anh bị tai nạn lao động, máy cuốn cán đứt mấy ngón tay. Là lao động bất hợp pháp nên mọi chi phí điều trị ở bệnh viện anh đều phải chi trả. Số tiền kiếm được cũng tiêu tan. Ra viện lần này do sức khỏe, thương tật nên chủ sử dụng lao động chỉ giao cho anh việc nhẹ và không cho làm tăng ca nên nguồn thu giảm sút đáng kể, bất đắc dĩ anh phải bỏ việc, gửi đơn xin việc làm ở các công ty khác nhưng họ đều không nhận. Không có việc làm, chán nản anh thường xuyên uống rượu giải sầu, trở thành con ma men không tiền, không việc làm. Gia đình phải gửi tiền sang để anh làm thủ tục về nước. Từ một người nhanh nhẹn, hoạt bát, trở về nhà anh M. cứ lầm lũi, ngại ra ngoài giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, họ hàng.
Do không có việc làm, việc làm không ổn định, thu nhập thấp và thấy những gia đình có con em đi XKLĐ đều trở nên khá giả, vợ chồng anh Q., chị L., ở xã An Nông (Triệu Sơn) đành để 2 đứa con nhỏ ở quê nhà cho ông bà nội chăm sóc để đi XKLĐ thị trường Nhật Bản. Từ khi con trai và con dâu đi XKLĐ, điều kiện gia đình bà T. khấm khá hơn. Tuy chưa xây được nhà cao tầng nhưng cũng mua được 1 mảnh đất cạnh nhà. Từ khi các con xuất ngoại, bà T. luôn đầu tắt mặt tối. Hằng ngày vừa phải chăm lo chu toàn cho 2 đứa cháu, vừa chăm lo cho mẹ chồng đã ngoài 90 tuổi, tai điếc, mắt mờ, chân chậm. Chồng bà làm thợ xây đi theo công trình nay đây mai đó, 3-4 tháng mới ghé về thăm nhà vài bữa rồi lại đi. Bởi thường xuyên thiếu ngủ nên mắt bà T. lúc nào cũng thâm quầng, người gầy đen, trông già nua hẳn so với những người cùng độ tuổi. 2 cháu nhỏ do thiếu vắng bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ nên chịu thiệt thòi so với chúng bạn và “biết thân, biết phận” tự lo cho mình, chị em chăm sóc lẫn nhau.
Với gia đình ông Đ., ở xã Đông Minh (Đông Sơn) có 2 con đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc. Từ nguồn tiền các con gửi về, gia đình ông xây được nhà cao tầng với tiện nghi đầy đủ. Ngoài ra, gia đình ông còn “tậu” thêm 2 mảnh đất mặt đường. Có cuộc sống dư giả mà nhiều người mong ước, song ông bà lại không vui chút nào bởi cả 2 người con cứ mải mê làm ăn, không chịu lấy vợ. Trong khi tuổi ông bà ngày càng cao, chỉ mong có cháu để bế bồng.
Học xong cấp 3, em T. ở phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) không thi vào các trường cao đẳng, đại học mà đăng ký đi XKLĐ thị trường Nhật Bản theo diện vừa học vừa làm. “Chân ướt chân ráo” sang nước sở tại được 2 tháng, T. gặp tình yêu “sét đánh” với Q. quê ở huyện Triệu Sơn. 2 người nhanh chóng dọn về ở với nhau, Q. mang bầu, sinh con. Khi bé được 3 tháng tuổi, Q. gửi về quê cho bố mẹ nuôi. Sợ xóm làng dị nghị, mẹ Q. phải nói dối là con nuôi. Về T. và Q. do tuổi còn trẻ, chưa cưới xin nên không có sự ràng buộc. T. không chịu được sự quản lý của Q. nên 2 người thường xuyên xung đột, cãi vã. Đến lúc Q. mang bầu đứa thứ 2 thì T. bỏ bẵng, chuyển đi ở nơi khác. Gia đình Q. biết chuyện, thương con, đành vay mượn tiền gửi sang để Q. trở về nước sinh con. Không muốn mang tiếng, xấu hổ với bà con làng xóm, bố mẹ Q. đành “muối mặt” xuống thành phố gặp nhà trai, xin ông bà nhận cháu, nhận con dâu bằng việc làm một cái lễ gặp mặt họ hàng hai bên. Đến nay, con đầu của cặp “vợ chồng” trẻ đã 4 tuổi, con thứ 2 gần 3 tuổi nhưng T. vẫn chưa về nước. Q. ở nhà “bố mẹ chồng” do tuổi còn trẻ, suốt ngày bận bịu với 2 con, không có thời gian chăm lo cho gia đình, chăm sóc bản thân, trở nên tiều tụy và không được lòng “nhà chồng”, đành dắt díu 2 con về nhà bố mẹ đẻ nương nhờ, đợi T. về Việt Nam làm thủ tục ly hôn...
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đưa được gần 6.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ năm trước. Từ XKLĐ, diện mạo nhiều làng quê trở nên đổi mới, nhiều gia đình thoát nghèo, khá giả... Ngoài mang lại những chuyển biến tích cực về kinh tế, XKLĐ cũng đang gây ra nhiều hệ lụy khi người lao động không tuân thủ các quy định của pháp luật ở lại cư trú bất hợp pháp dễ tiềm ẩn những rủi ro trong quá trình lao động để rồi “tiền mất, tật mang”, nhiều người vì xa gia đình dễ bị cám dỗ dẫn đến hôn nhân đổ vỡ hoặc không vượt qua được khó khăn trong cuộc sống dễ bỏ cuộc mang theo một khoản nợ trở về nước, tạo gánh nặng cho gia đình. Vì vậy, mỗi người lao động trước khi đi XKLĐ cần phải nghiên cứu các quy định của pháp luật về điều kiện để được đi làm việc ở nước ngoài, các hình thức làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mình khi làm việc ở nước ngoài để tránh thiệt thòi cho bản thân. Và, khi xác định đi XKLĐ là xa gia đình, phải chịu nhiều hy sinh thì mới có hạnh phúc, do đó rất cần người lao động có bản lĩnh để vượt qua những trắc trở, chông gai trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Mai Phương
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:10:00
Mức sinh của Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm
-
2024-12-12 07:44:00
Từ ngày 1/1/2025, đăng ký xe toàn trình đối với xe nhập khẩu
-
2024-06-27 15:07:00
[Infographics] - Các trường hợp phong toả/ đóng tài khoản thanh toán
Những con đường mang theo sự no ấm
Chảy mãi mạch nguồn Nậm Má, Nậm Xăm (Kỳ 3): Nghĩa tình nơi biên giới
Tiếp tục tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh
Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em
Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi): Bổ sung thêm 2 loại Giải mới
Các đội hình tiếp sức mùa thi sẵn sàng đồng hành, tiếp sức cho thí sinh
Chuyện về người có uy tín ở bản Mông nơi biên giới
Ước mong cây cầu vượt sông Mã
Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường” năm 2024