Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
Từ chỉ đạo “nóng” của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án cụm công nghiệp (CCN), các ngành, các địa phương đang tích cực vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, thủ tục đầu tư, đặc biệt là chỉ tiêu sử dụng đất. Sự quyết liệt này bước đầu đã có tác dụng gỡ khó, đưa một số CCN bước vào giai đoạn triển khai.
Chủ đầu tư chuẩn bị phương tiện, máy móc triển khai CCN phía Đông Bắc TP Thanh Hóa.
Tháng 3/2024, Công ty TNHH Thanh Hưng Group đã tiến hành khởi công Dự án CCN Ngọc Vũ tại xã Thiệu Ngọc (Thiệu Hóa). Với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, CCN này đặt mục tiêu sẽ thu hút đầu tư các nhà máy trong lĩnh vực giày da, may mặc, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến nông sản, thức ăn chăn nuôi... Khi CCN này đi vào hoạt động, sẽ cùng với CCN Vạn Hà, CCN Hậu Hiền và CCN số 2 Vạn Hà đáp ứng nhu cầu hạ tầng “sạch” cho các dự án công nghiệp đang có xu thế dịch chuyển ra vùng lân cận TP Thanh Hóa; đồng thời tăng thu cho ngân sách và góp phần tạo động lực phát triển cho huyện Thiệu Hóa.
Tọa lạc tại vị trí rất thuận lợi cho hoạt động giao thương - phường Long Anh (TP Thanh Hóa), CCN phía Đông Bắc TP Thanh Hóa mới được khởi công vào tháng 5 năm nay cũng đang được kỳ vọng trở thành địa chỉ hấp dẫn, tạo ra không gian kinh tế mới để thu hút các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại. Theo chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật này là Tổng Công ty CP Hợp Lực, việc quy hoạch các ngành nghề trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ như sản xuất linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp, phụ tùng điện - điện tử, sản xuất thiết bị cơ khí, linh kiện điện thoại... rất thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối với các đối tác sẵn có. Vì vậy, Tổng Công ty CP Hợp Lực đang hướng tới kêu gọi các dự án sử dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, năng lượng sạch, quản lý số thông minh, hệ thống xử lý nước thải thân thiện với môi trường nhằm bảo đảm tiêu chuẩn xanh, hiện đại và thân thiện.
Thông tin từ Sở Công Thương, từ đầu năm 2024 đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và địa phương, hoạt động đầu tư phát triển CCN đã bắt đầu có tín hiệu tích cực hơn. Trong năm 2024, Thanh Hóa đã tiến hành khởi công được 3 CCN, đồng thời thành lập thêm được CCN Thuần Lộc (Hậu Lộc). Các địa phương cũng đã tiến hành cập nhật các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch phát triển CCN; dành và điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho các CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập và hỗ trợ thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai.
Việc xác định giá đất cụ thể làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cũng được tích cực triển khai. Đến nay, các CCN đã được cấp GCNQSDĐ và đang đầu tư xây dựng hạ tầng như các CCN: Thái Thắng (Hoằng Hóa); Thượng Ninh (Như Xuân); CCN số 1 thị trấn Quán Lào (Yên Định); CCN Điền Trung (Bá Thước); giai đoạn 1 của các CCN: Hòa Lộc, Bắc Hoằng Hóa, Làng nghề Tiến Lộc. Một số CCN đã xác định được giá thuê đất, đang xin cấp GCNQSDĐ như các CCN: Xuân Lai, Đông Văn, Hòa Lộc, Tượng Lĩnh. Một số CCN đang xác định giá thuê đất để làm cơ sở cấp GCNQSDĐ như CCN phía Đông Bắc TP Thanh Hóa, các CCN: Vĩnh Minh, Thọ Nguyên, Cẩm Sơn, Tư Sy.
Theo “Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 CCN, với tổng diện tích hơn 5.267ha. Việc đầu tư hạ tầng các CCN “ì ạch” đã từng “nóng” nghị trường tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra tháng 12/2023.
Theo Sở Công Thương, tính đến hết tháng 9 năm nay, trong số 44 CCN đang thực hiện đầu tư với tổng diện tích 1.557,62ha, có 2 CCN đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng, đã thu hút được dự án thứ cấp đầu tư; 3 CCN đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào CCN; 20 CCN đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh cho thuê đất giao đất; đã được cấp hoặc đang làm thủ tục cấp GCNQSDĐ; 10 CCN đã được thuê đất, đang đầu tư toàn bộ hạ tầng CCN hoặc đang xin giấy phép xây dựng để đầu tư hạ tầng...
Được biết, theo Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 2/2/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh, ngoài chỉ đạo các giải pháp khắc phục trên tinh thần “5 - 5 - 3” (chủ đầu tư trình thủ tục gửi xin ý kiến cấp huyện giải quyết trong vòng 5 ngày; các thủ tục, vướng mắc gửi cấp sở, ngành cần giải quyết trong vòng 5 ngày và sở, ngành gửi xin ý kiến UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ trả lời, giải quyết trong vòng 3 ngày làm việc), tỉnh Thanh Hóa nêu rõ sẽ kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
{name} - {time}
-
2025-01-22 10:13:00
Hiệp định CPTPP: “Đòn bẩy” giúp nâng cao giá trị xuất khẩu hàng Việt
-
2025-01-22 10:10:00
EVN ứng trực 24/24h, đảm bảo cung ứng điện dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
2024-09-27 07:00:00
Bản tin Tài chính 27/9: Vàng nhẫn tiếp đà tăng giá
Giá xăng dầu trong nước tăng mạnh, RON95-III lên ngưỡng 20.520 đồng
Hàng chục nghìn hồ sơ đất đai bị “ngâm” - “tâm điểm” chất vấn và hóa giải bức xúc (Bài cuối): Làm “đến nơi đến chốn” để quy định đi đúng quỹ đạo
Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tạo nền móng vững chắc để Công ty Điện lực Thanh Hóa thực hiện chuyển đổi số toàn diện
UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể
Bản tin Tài chính 26/9: Giá vàng nhẫn lập kỷ lục mới; Đồng USD tăng sát mốc 101
Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn sơ kết công tác xây dựng Đảng 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024
Hiệu quả từ những khu vườn mẫu
Hơn 394ha nuôi thuỷ sản truyền thống và 525m3 lồng bè bị thiệt hại do mưa lũ
Chăn nuôi an toàn sinh học vẫn gặp nhiều khó khăn