(Baothanhhoa.vn) - Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian dài, giá vật liệu tăng cao..., các công trình, dự án (DA) giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện DA, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả nguồn vốn đầu tư... Mặc dù Trung ương, tỉnh đã và đang quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhưng đây thực sự là “bài toán khó” tìm được lời giải trong “một sớm một chiều”.

“Gỡ khó”, gấp rút thi công các dự án giao thông trọng điểm

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong thời gian dài, giá vật liệu tăng cao..., các công trình, dự án (DA) giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện DA, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả nguồn vốn đầu tư... Mặc dù Trung ương, tỉnh đã và đang quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp nhưng đây thực sự là “bài toán khó” tìm được lời giải trong “một sớm một chiều”.

“Gỡ khó”, gấp rút thi công các dự án giao thông trọng điểm

Máy móc, thiết bị của Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường - Thịnh - Thi tập kết trên công trường DA tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa nhưng không thể đẩy nhanh tiến độ thi công do khan hiếm vật liệu. Ảnh: H.T

Hiện nay, hàng chục công trình, DA hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang trong giai đoạn thi công gấp rút. Điển hình như DA tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa được khởi công xây dựng vào tháng 12/2021, dự kiến thời gian hoàn thành vào tháng 12/2025. Với tổng chiều dài gần 24km, DA có tổng vốn đầu tư hơn 2.240 tỷ đồng. Theo thiết kế, phần đường được đầu tư xây mới hoàn toàn, dài hơn 23,7km tiêu chuẩn đường cấp ba đồng bằng, bốn làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h. Toàn tuyến có ba cây cầu lớn gồm Lạch Sung, Nam Khê và Lạch Trường. Tuyến đường này do Ban Quản lý (BQL) DA Đầu tư công trình giao thông (ĐTCTGT) Thanh Hóa làm đại diện chủ đầu tư. DA sau khi hoàn thành sẽ kết nối toàn tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tạo điều kiện để Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, trở thành tứ giác kinh tế của khu vực phía Bắc.

Đến nay, đối với phần đường, nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường – Thịnh – Thi (sau đây viết tắt là CT Cường – Thịnh – Thi) đã triển khai 3 mũi thi công. Từ những ngày đầu thi công, DA gặp nhiều khó khăn do tác động lớn bởi đại dịch COVID-19; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm vật liệu xây dựng và giá vật liệu tăng cao dẫn đến tiến độ thi công một số hạng mục của DA còn chậm so với kế hoạch.

Ghi nhận trên công trường thi công DA tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, hàng chục máy móc, thiết bị đã được CT Cường – Thịnh – Thi huy động, tập kết nhưng không thể đẩy nhanh tiến độ thi công do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng. Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Chỉ huy trưởng công trường thi công DA tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, cho biết: “Công ty đảm nhận thi công nền mặt đường DA từ Km0 đến Km7+645 (gói thầu số 5). Đến nay, đơn vị đã hoàn thiện thi công hơn 4,7km đắp nền; hơn 1km đắp cát. Hiện tại, để thi công hoàn thành DA, tổng nhu cầu vật liệu ước khoảng 300.000m3. Riêng đất đắp nền đường dự kiến cần khoảng 180.000m3; cát các loại cần khoảng 20.000m3; cấp phối đá dăm và đá các loại cần khoảng 62.000m3. Trong khi đó, nguồn cung cấp vật liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay rất khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu và giá bán cao”.

Trước thực tế đó, nhà thầu đã chủ động, nỗ lực tìm kiếm, kết nối với các nguồn cung vật liệu xây dựng từ Ninh Bình, Nghệ An, Hà Nam. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết nhu cầu trước mắt. “Đây là thời điểm thời tiết thuận lợi để triển khai xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công các DA xây dựng. Hơn 2 tháng qua, mặc dù nhân lực, máy móc, thiết bị luôn trong trạng thái sẵn sàng “vào việc” nhưng đành “lực bất tòng tâm”, thi công theo kiểu cầm chừng. Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng tăng cao và có thời điểm thiếu hụt so với nhu cầu nhưng chưa có khi nào khan hiếm như thời điểm từ đầu năm đến nay” – ông Kiên chia sẻ.

Thực trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, giá tăng cao không chỉ tác động lớn đến nhà thầu mà cả chủ đầu tư cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đại diện BQL DA ĐTCTGT Thanh Hóa bộc bạch: “Nếu cứ phải kéo dài tình trạng thi công theo kiểu cầm chừng để chờ vật liệu như hiện nay sẽ dẫn đến việc lãng phí nhân lực, máy móc, thiết bị đã huy động, tập kết; chi phí thực hiện DA bị “đội lên” nhiều; tiến độ thực hiện DA không đảm bảo như cam kết... Quan trọng hơn, điều này gây ảnh hưởng lớn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Trên công trường thi công DA tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn, các nhà thầu đang tập trung máy móc, vật liệu, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công trên phạm vi mặt bằng được nhận bàn giao với tinh thần quyết liệt, khí thế lao động hăng say, trách nhiệm. Đây là DA được khởi công tháng 2/2024, theo kế hoạch sau 27 tháng hoàn thành thi công. Đây là một DA lớn, trọng điểm trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. DA gồm 2 tuyến đường, trong đó tuyến số 1 là đường tỉnh 512, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn có chiều dài 10,3km, qua các phường, xã thuộc thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống. Tuyến số 2 là đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến nút giao vào đường cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 3km thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn.

Ông Lê Đình Trang, Giám đốc BQL DA Đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp Thanh Hóa (sau đây gọi là ban khu vực), cho biết: “Trong quá trình thi công, ban khu vực luôn đồng hành, đã và đang tập trung chỉ đạo các nhà thầu triển khai các giải pháp cụ thể khắc phục khó khăn, nhất là giá vật liệu tăng cao, đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thành DA vào cuối năm 2025”. DA đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối liên vùng trong khu vực, hình thành tuyến giao thông đối ngoại kết nối trực tiếp với Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam. DA sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các huyện phía Tây của tỉnh với Khu Kinh tế Nghi Sơn, đảm bảo phục vụ lưu thông vận chuyển hàng hóa, hành khách, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết nối đường cao tốc Bắc - Nam, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân và các tuyến đường khu vực với Cảng Hàng không Thọ Xuân, Cảng biển Nghi Sơn. Đồng thời, tạo giao thông thuận lợi cho các khu công nghiệp dọc tuyến, tăng tính kết nối du lịch ven biển.

“Gỡ khó”, gấp rút thi công các dự án giao thông trọng điểm

Nhà thầu gấp rút thi công DA đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn.

Kết quả, đến nay đã thi công cơ bản hoàn thành 4km đường giao thông; thảm bê tông nhựa hơn 2km; thi công cống thoát nước ngang; thi công 7 cầu trên tuyến. Riêng cầu vượt đường sắt và đường Quốc lộ 47B đã thi công được gần 55% khối lượng... Đến trung tuần tháng 5/2025, các đơn vị thi công DA tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn đạt gần 50% so với tổng khối lượng phải thi công. Hiện nay, các nhà thầu đã và đang triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn do một số vật liệu xây dựng khan hiếm và tăng giá, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành DA so với kế hoạch.

Công ty TNHH Hoàng Tuấn là đơn vị đảm nhận thi công 7km của tuyến số 1, DA đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn. Ông Nguyễn Xuân Hưng, cán bộ phụ trách kỹ thuật công trường chia sẻ: “Trong quá trình thi công, đơn vị gặp một số khó khăn. Nhất là một số vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng cao... Mặc dù triển khai DA trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng công ty đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, chính quyền địa phương, đồng thời linh hoạt triển khai các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo các mục tiêu phấn đấu. Đến nay, đơn vị đã thi công được trên 55% khối lượng phần việc đảm nhiệm trong hợp đồng”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ DA đầu tư hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã quan tâm, chỉ đạo sát sao với nhiều chuyến thăm, làm việc. Sở Xây dựng, BQL DA ĐTCTGT Thanh Hóa, ban khu vực nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nơi có DA đi qua để khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Đối với thực trạng khan hiếm vật liệu, các ban đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các nhà thầu, đơn vị thi công báo cáo các cấp, các ngành trong tỉnh để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo đúng tinh thần “không để nhà thầu cô đơn trên công trường”. Các nhà thầu tập trung cao độ, chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, vật lực, máy móc để sẵn sàng triển khai thi công ngay khi có vật liệu xây dựng, cố gắng không để tiến độ thi công bị gián đoạn, sớm hoàn thiện và đưa công trình vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, góp phần để tỉnh Thanh Hóa vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Khôi Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]