(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, với việc đưa bộ môn Robotics; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, ChatGPT, Chatbot AI... vào hoạt động giảng dạy, học tập đang dần trở nên phổ biến. Qua việc ứng dụng công nghệ số đã góp phần tạo ra được môi trường học tập hiện đại, đáp ứng xu hướng giáo dục 4.0 và trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho học sinh trong kỷ nguyên số.

Giúp học sinh làm quen với lập trình, điều khiển Robot trong kỷ nguyên số

Thời gian gần đây, với việc đưa bộ môn Robotics; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, ChatGPT, Chatbot AI... vào hoạt động giảng dạy, học tập đang dần trở nên phổ biến. Qua việc ứng dụng công nghệ số đã góp phần tạo ra được môi trường học tập hiện đại, đáp ứng xu hướng giáo dục 4.0 và trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho học sinh trong kỷ nguyên số.

Giúp học sinh làm quen với lập trình, điều khiển Robot trong kỷ nguyên số

Học sinh Trường TH, THCS & THPT Đông Bắc Ga trong Chương trình “Hội sách mùa xuân năm 2025 và Hướng nghiệp trong kỷ nguyên AI”.

Nhằm giúp học sinh làm quen với Robot, đầu tháng 3/2025, Trường TH, THCS & THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) và Trường phổ thông Triệu Sơn (Triệu Sơn) đã phối hợp với nhóm giảng viên khoa Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về AI, về ngành kỹ thuật Robot, đồng thời tổ chức cuộc thi STEM Robotics; tổ chức chương trình “Hướng nghiệp trong kỷ nguyên AI” với sự tham gia của hơn 1.000 học sinh.

Cô giáo Lê Thị Bích, Hiệu trưởng Trường TH, THCS & THPT Đông Bắc Ga cho biết: "Trước xu thế không thể đi ngược trong kỷ nguyên số, chúng tôi đã triển khai chương trình làm quen với Robot và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động giảng dạy tại nhà trường từ khá sớm. Để giáo viên có đủ kiến thức, kỹ năng giảng dạy, bên cạnh việc mời các chuyên gia về trường để chia sẻ, nhà trường cũng đã cử giáo viên đi học tập với các chuyên gia đến từ Nhận Bản, đồng thời phối hợp với đối tác Nhật Bản để mua máy móc, trang thiết bị, giáo trình... Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa bộ môn Robot vào giảng dạy trong các câu lạc bộ của trường trong thời gian tới”.

Em Nguyễn Thành Long, học sinh lớp 8, Trường TH, THCS & THPT Đông Bắc Ga cho biết: "Em cảm thấy rất hứng thú khi được tiếp cận với công nghệ AI và Robot sớm... giúp em hiểu biết hơn về công nghệ, tăng khả năng tư duy, sáng tạo, đồng thời, giúp em định hướng sớm được ngành nghề mà mình yêu thích và muốn làm trong tương lai”.

Với tinh thần “học mà chơi, chơi mà học” ngay từ bậc tiểu học, các bạn học sinh Trường TH, THCS & THPT FPT Thanh Hóa đã được làm quen với việc tự lắp ráp Robot và lập trình trên máy tính. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đã làm chủ được thao tác lắp ráp, điều khiển robot, lập trình... Nhờ tham gia vào các giờ học này, nhiều học sinh đã có thêm niềm đam mê, hứng thú trong học tập, giúp các em tiếp cận sớm với kiến thức khoa học và toán học một cách mới mẻ và dễ hiểu, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Thầy giáo Khương Thế Bộ, giáo viên môn Công nghệ 4.0, Trường TH, THCS & THPT FPT Thanh Hóa cho biết: “Ngay từ bậc tiểu học, học sinh tại FPT sẽ được làm quen với Robot, ngôn ngữ lập trình để khi lên các bậc cao hơn các con sẽ có tư duy lập trình tốt”.

Hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI đã và đang ứng dụng phổ biến trong giảng dạy, trong đó, các môn học được ứng dụng nhiều nhất là tiếng Anh, Toán học, Công nghệ và Robotics... Ngoài ra, một số phương pháp học tập dựa trên nền tảng công nghệ số cũng được các giáo viên ứng dụng hiệu quả, như mô hình: “Lớp học trải nghiệm”, học sinh có thể trải nghiệm lập trình sớm, ứng dụng IoT, AI trong bài học, thực hành và thi trên phần mềm, 3D hóa nội dung bài học... Thầy cô giáo cũng sẽ có những chia sẻ xoay quanh các chủ đề bài học, các lĩnh vực liên quan tới công nghệ giúp học sinh hiểu bài học và hứng thú hơn. Bên cạnh đó, học sinh cũng sẽ thường xuyên được thực hành trên máy tính, làm bài tập sử dụng các thiết bị công nghệ, tham gia các cuộc thi về IT... Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh trực quan, video mô phỏng cũng giúp cho bài giảng của giáo viên sinh động hơn, học sinh hứng thú và có động lực học tập tốt hơn. Với cách làm này, giáo dục số đang giúp học sinh tiếp cận nguồn học liệu phong phú, đa dạng thông qua các thiết bị điện tử.

Cô giáo Vũ Thị Ánh Nguyệt, giáo viên Trường TH, THCS & THPT FPT Thanh Hóa cho biết: “Các thầy cô đang nỗ lực hết mình để chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy. Ví dụ như các thầy cô sẽ tạo video bài giảng bằng AI, các trò chơi...; trong các tiết kiểm tra, nhà trường đã mua các phần mềm chấm điểm bằng công nghệ AI, giáo viên không phải chấm tay như trước mà sau khi học sinh làm bài xong thì giáo viên chấm ngay trên phần mềm, rất tiện ích, nhanh chóng, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của nhà trường”.

Trong thời đại ngày nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, Robot... đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống, việc các nhà trường đưa vào giảng dạy các môn học về Robot và công nghệ AI từ sớm giúp học sinh hứng thú, tò mò tìm hiểu, khám phá, từ đó hình thành định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]