Giữ vững đà tăng trưởng công nghiệp
Những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực trong công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và nỗ lực khắc phục khó khăn, linh hoạt tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp Thanh Hóa vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Sản lượng sản phẩm may mặc tăng 7,6% trong 5 tháng đầu năm (trong ảnh: Kiểm định chất lượng sản phẩm tại Tổng Công ty may Tiên Sơn).
Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam do Tập đoàn Weixing làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, chuyên sản xuất phụ kiện quần áo như dây khóa kéo, cúc nhựa, cúc kim loại... Sau 2 năm khởi công, tháng 3/2024, nhà máy đã hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động. Ông Wang Wo, Tổng Giám đốc Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam, cho biết: "Ngay sau khi khánh thành nhà máy, chúng tôi đã có nhiều khách hàng đến tham quan và ký kết nhiều đơn hàng. Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, xây dựng uy tín, thương hiệu để kết nối thêm khách hàng. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, chúng tôi dự kiến sẽ có sản lượng doanh thu đạt hơn 56 triệu đô la Mỹ, tạo việc làm cho hơn 500 lao động. Khi đi vào hoạt động ổn định, chúng tôi sẽ tăng công suất, giải quyết việc làm khoảng 1.000 lao động, doanh thu dự kiến khoảng 100 triệu USD/năm”.
Ngoài các sản phẩm công nghiệp mới gia nhập thị trường, những tháng đầu năm 2024 cũng đã chứng kiến sự hồi phục và tăng trưởng vững chắc của nhiều ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp truyền thống, như: Các sản phẩm lọc hóa dầu, điện sản xuất, thuốc lá, quần áo may sẵn các loại, giày, dép thể thao, bia...
Là lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất của ngành dệt may Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn. Trong đó sản lượng của ngành dệt tăng 16%; may mặc tăng 7,6%. Có được kết quả trên là nhờ các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, linh hoạt tìm kiếm thị trường. Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng tới hết quý 2/2024 và đang tăng tốc sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mới, tạo đà cho tăng trưởng cả năm 2024.
Cùng với may mặc, ngành lọc hóa dầu cũng tăng trưởng ấn tượng, điển hình, như: Các sản phẩm như xăng động cơ tăng 24,3%; dầu nhiên liệu tăng 135,5%; sáp parafin tăng gần 89%... là động lực quan trọng đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 5,11% so với tháng trước, tăng 10,89% so với tháng cùng kỳ.
Theo Sở Công Thương, tăng trưởng đều đặn của các ngành công nghiệp chủ lực là động lực để chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng 15,57% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ và đạt 38,9% kế hoạch năm. Những tín hiệu tích cực trên dự báo mục tiêu đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,9% trở lên trong năm 2024 là có cơ sở.
Cũng theo Sở Công Thương, để phấn đấu cao nhất thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp, sở sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì hoạt động ổn định và phát huy tối đa công suất; tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Cùng với đó, đơn vị sẽ chú trọng các giải pháp, triển khai các chính sách khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư, thức ăn chăn nuôi, phân bón phục vụ nông nghiệp; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới có thị trường tiêu thụ tốt, bền vững; triển khai các chương trình khuyến công nhằm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất và tham gia các chuỗi giá trị để hình thành chuỗi cung ứng, bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, các dự báo cho thấy thị trường hàng hóa quốc tế trong thời gian tới sẽ có tăng trưởng nhưng chưa mạnh. Tình hình xung đột chính trị, lạm phát kinh tế vẫn sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và linh hoạt các phương thức bán hàng, nhằm nâng cao doanh số, giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bài và ảnh: Bách Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:12:00
Chú trọng khai thác thị trường xuất khẩu
-
2024-12-11 16:34:00
Từ chăn kiến đến doanh thu trăm triệu
-
2024-06-18 14:12:00
Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Tích tụ, tập trung đất ở các hợp tác xã nông nghiệp
Tập huấn phát triển chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm
Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thành viên, lãnh đạo các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý
Cập nhật tiến độ đường dây 500kV mạch 3 đến ngày 17/6
Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2024
Bản tin Tài chính ngày 18/6: USD tăng nhẹ, giá vàng quay đầu “lao dốc”
Kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển ngành năng lượng - Câu chuyện của doanh nghiệp Thanh Hóa tiên phong mở đường
Xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác thủy hải sản bất hợp pháp
Nhiều khách sạn của Sun Group được vinh danh bởi Travel + Leisure Luxury Awards