(Baothanhhoa.vn) - Cùng với việc đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhiều gia đình cũng đã giáo dục trẻ cách quản lý tài chính từ sớm bắt đầu từ việc dạy con cách chi tiêu tiền. Điều này giúp trẻ nhận biết giá trị của tiền bạc, từ đó biết sử dụng tiền hợp lý.

Giáo dục trẻ quản lý tài chính từ sớm

Cùng với việc đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhiều gia đình cũng đã giáo dục trẻ cách quản lý tài chính từ sớm bắt đầu từ việc dạy con cách chi tiêu tiền. Điều này giúp trẻ nhận biết giá trị của tiền bạc, từ đó biết sử dụng tiền hợp lý.

Giáo dục trẻ quản lý tài chính từ sớmTrẻ sẽ biết chi tiêu, sử dụng tiền hợp lý từ sớm nếu được giáo dục đúng cách.

Chị Việt Anh ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) sẽ thưởng cho con từ 2 - 10 nghìn đồng nếu con được điểm 10 hoặc khi làm được những việc tốt như biết giúp đỡ người khác. Số tiền tích lũy được từ tiền thưởng chị sẽ cho con sử dụng vào mục đích cá nhân như mua đồ chơi yêu thích hoặc mua truyện tranh...

Chị Việt Anh chia sẻ: “Tiền con tích lũy được tôi cho con được tự giữ bằng cách cho vào một chiếc ví và mang theo khi đi mua đồ dùng học tập hoặc đi siêu thị. Đối với những món đồ có giá trị cao hoặc vượt quá số tiền con có, tôi dạy con cách tạm dừng việc chi tiêu để tích lũy thêm. Như vậy, con sẽ không bị bỡ ngỡ khi tiếp xúc với tiền bạc khi lớn lên, biết cách phân bổ chi tiêu hợp lý và tôi cho rằng đây cũng là động lực để con nỗ lực trong học tập cũng như làm được nhiều việc có ích”.

Có con gái đang học THCS, mỗi tháng chị Thu Trang ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) đều cho con 200 nghìn đồng tiền tiêu vặt. Chị Trang giải thích: “Con đã lớn và cũng đã có nhu cầu chi tiêu cá nhân như mua quà tặng sinh nhật bạn hoặc chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hay đơn giản là cùng bạn ăn chút quà vặt mỗi cuối tuần. Tôi cho con số tiền cố định hàng tháng và yêu cầu con chi tiêu không vượt quá số tiền đó. Nhưng nếu dư, con có thể giữ để tích lũy và mua những món đồ con thích. Tất nhiên là khi chi tiêu món tiền lớn, con đều phải xin ý kiến mẹ trước. Tôi nghĩ rằng, giáo dục con là một chặng đường dài. Mỗi giai đoạn phát triển, mỗi vấn đề của con đều cần được giáo dục bằng phương pháp phù hợp, giúp con hiểu biết và tích lũy vốn sống từ những điều nhỏ nhất”.

Liên quan đến việc dạy con tiêu tiền có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng không nên để trẻ tiếp xúc với tiền sớm để giữ cho trẻ sự hồn nhiên, vô tư, tránh cho trẻ phải lo nghĩ sớm. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm khác cho rằng, dạy trẻ biết cách sử dụng tiền một cách phù hợp cũng là một nội dung quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Chị Việt Hoa ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Tôi không thưởng tiền khi con tự dọn dẹp phòng hoặc làm việc vặt trong nhà vì đó là trách nhiệm của con phải chia sẻ công việc với bố mẹ. Tuy nhiên, tôi sẽ cho con giữ tiền mừng tuổi hàng năm để con tự quản lý chi tiêu. Tôi cũng khuyến khích con có thể sử dụng số tiền đó vào các mục đích chính đáng như mua sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí là làm vốn để bắt đầu một mô hình kinh doanh nhỏ. Con gái tôi có năng khiếu vẽ nên từ nhỏ tôi đã cho con học vẽ. Con dùng tiền mừng tuổi của mình để mua họa cụ, mua vật tư về làm đồ handmade rồi đăng bán trên mạng... nhờ đó, con đã có thể tự mình làm ra tiền tiêu vặt khi mới bước vào THPT và tự mình trả tiền các khóa học dạy nấu ăn, học thêm tiếng Trung online"...

Với con trẻ, việc được trao quyền quản lý tài chính cũng khiến các em thấy có trách nhiệm hơn với việc chi tiêu số tiền mà mình có. Em Khánh Linh, 13 tuổi ở phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) mỗi tháng đều được gia đình cho 300 nghìn đồng tiêu vặt. Em dùng số tiền này để ăn sáng và mua đồ dùng học tập phát sinh trong quá trình học...

Khánh Linh chia sẻ: “Con lập ra một kế hoạch chi tiêu gồm những khoản tiêu cố định như tiền ăn sáng và những khoản tiêu phát sinh như mua đồ dùng học tập, quà sinh nhật bạn hay “đãi” bạn thân uống trà sữa nhân những dịp đặc biệt, mua quà cho mẹ nhân các ngày lễ... Số tiền còn lại mỗi tháng con bỏ lợn để dành tích lũy. Con thấy việc được tự quản lý tiền cá nhân giúp mình biết tính toán, chi tiêu hợp lý, thấy mình được bố mẹ tin tưởng nên con cảm thấy rất vui”.

Việc giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý tài chính từ nhỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích khi trẻ lớn lên. Nếu được hướng dẫn cách quản lý, sử dụng tiền hợp lý từ sớm, trẻ sẽ nhận thức được giá trị của đồng tiền, tránh chi tiêu phung phí, tránh bị lừa đảo, lợi dụng về tiền bạc...

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]