Gắn kết cộng đồng thông qua trò chơi dân gian
Việc tổ chức các trò chơi dân gian không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, mà còn là “sợi dây” gắn kết cộng đồng. Bởi vậy, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức các trò chơi dân gian vào dịp lễ, tết, hay các sự kiện quan trọng.
Du khách thích thú với trò chơi “bịt mắt bắt vịt” tại Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”.
Trung tuần tháng 11/2023, nhiều người dự Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, ngoài việc được tìm hiểu, khám phá cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp tại bản Mạ, thị trấn Thường Xuân, du khách còn có cơ hội được hòa mình vào những trò chơi dân gian thú vị, vui nhộn và đầy màu sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Điển hình như lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức vào sáng 11/11. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân, du khách thập phương đã háo hức có mặt ở hai bên bờ sông Chu để cổ vũ cho 19 đội thi đến từ các xã, thị trấn trong huyện Thường Xuân và các đội khách mời đến từ huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) và huyện Quảng Xương, với gần 265 vận động viên tham gia. Các đội tranh tài ở cự ly 1.000m tính thời gian để chọn ra 4 đội xuất sắc nhất vào thi đấu vòng chung kết. Trong không khí sôi động, tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả, các đội tham gia dự thi đều cố gắng hết mình để chèo lái con thuyền về đích một cách sớm nhất.
Cùng với giải đua thuyền truyền thống, tại sân vận động bản Mạ không khí cũng không kém phần nhộn nhịp. Tại đây tiếng cồng chiêng, tiếng sạp, khua luống hòa với tiếng cười, những tràng pháo tay cổ vũ các trò chơi truyền thống đã mang đến cho bản làng một hòa âm vui tươi, phấn khởi.
Là người trực tiếp tham gia trò chơi bịt mắt bắt vịt, anh Lê Văn Bình ở thị trấn Thường Xuân cho biết: Được tham gia trò chơi tôi rất hào hứng. Ban đầu, nghĩ trò chơi này khá đơn giản nhưng được trải nghiệm rồi mới thấy để bắt được những chú vịt không dễ chút nào, nếu chỉ một mình thì khó có thể bắt được. Mà quan trọng nhất là phải chú ý lắng nghe và làm theo sự chỉ dẫn của khán giả xung quanh. Qua trải nghiệm trò chơi, tôi nhận thấy sự gắn kết cộng đồng có vai trò rất quan trọng để làm nên chiến thắng.
Xung quanh khu vực tổ chức trò chơi ném còn có rất đông đồng bào các dân tộc và du khách hào hứng tham gia. Trò chơi không giới hạn người chơi, cũng không phân biệt độ tuổi vì thế có rất đông du khách thích thú đến thử sức. Chị Phạm Thị Mai, du khách đến từ huyện Ngọc Lặc chia sẻ: Chúng tôi rất thích thú khi tham gia ném còn. Đây là trò chơi mang nhiều ý nghĩa nhân văn thể hiện khát vọng, niềm tin yêu cuộc sống và tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng nhau lao động sản xuất, xây dựng bản làng no ấm. Trò chơi này cũng rèn luyện tinh thần thể thao, sự tinh tế, khéo léo khi tung, khi bắt và cũng góp phần tăng tính đoàn kết, giao lưu giữa người dân và du khách đến tham dự.
Nói về việc tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian tại Liên hoan văn nghệ dân gian- Phiên chợ vùng cao và Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: Trò chơi dân gian ra đời và gắn liền với quá trình sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, chúng tôi chú trọng đến việc tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, bịt mắt bắt vịt, nhảy sạp... nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thúc đẩy việc phát triển hoạt động thể thao, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Đây còn là dịp để tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc, là giao lưu với bà con nước bạn Lào ở những địa phương cùng chung biên giới.
Những năm gần đây, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn chú trọng đến việc giữ gìn, phát huy, tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp đầu năm mới hoặc các dịp lễ hội truyền thống của địa phương. Nói về vấn đề này, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương cho biết: Từ bao đời nay, các trò chơi dân gian truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức và là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân. Việc tổ chức các trò chơi dân gian còn góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Chính vì vậy, trong các dịp tổ chức lễ hội và Tết Nguyên đán huyện đều chú trọng tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia.
Thời gian tới, huyện sẽ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của trò chơi dân gian đối với đời sống; đưa nhiều trò chơi dân gian vào lễ hội để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân; khuyến khích các khu, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tổ chức các trò chơi dân gian để thu hút khách du lịch; tích cực đưa các trò chơi dân gian vào trường học để lớp trẻ hiểu và tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của địa phương...
Việc tổ chức các trò chơi dân gian từ xưa đến nay đã trở thành nét đẹp văn hóa của nhiều địa phương trong tỉnh. Bởi nó không chỉ mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, giúp người dân rèn luyện thể thao mà còn tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Do đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của các trò chơi dân gian truyền thống.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2023-12-24 14:34:00
Đẩy mạnh việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống
Thành Mỹ quan tâm gìn giữ văn hóa Mường
[Podcast] Truyện ngắn: Giấc mơ mùa giáng sinh
Triển lãm mỹ thuật “Non nước xứ Thanh”
[E-Magazine] – Khúc du ca của mùa
[Podcast] - Tản văn: Thương nhiều màu nắng cuối năm
Nguồn gốc, ý nghĩa của Noel - lễ lớn nhất trong năm của người theo đạo Công giáo
Bí kíp du lịch Phú Quốc: Nơi nào vừa ăn ngon, vừa ngắm hoàng hôn cực chất
Hương đất, hương tình Yên Cát
Rộn ràng không khí Giáng sinh tại Nhà thờ Chính tòa Thanh Hóa