Tin liên quan
Đọc nhiều
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Không chỉ là huyền thoại!
“Nếu chỉ tính mỗi chuyến đi về 4.000 cây số thì chặng đường con tàu của tôi cộng lại đã vượt quá một lần đi vòng quanh địa cầu - một chu vi đầy hy sinh, chết chóc. Lịch sử con tàu trên đường Hồ Chí Minh giữa đại dương đã ghi dấu ấn 63 năm. Cát bụi và sóng biển có thể phủ kín, có thể phủ lấp quá khứ nhưng lịch sử hào hùng của đất nước, những hy sinh của bao liệt sĩ vẫn là những ngôi sao lấp lánh... Tôi ngồi nhớ và ghi lại để mong rằng các thế hệ sau này sẽ đọc và hiểu về một thời hào hùng của quân chủng hải quân. Hy vọng, đây sẽ là năng lượng, là ngọn lửa ấm cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”. Đó là chia sẻ của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hồ Đắc Thạnh khi ông ra mắt cuốn hồi ký “Nhớ và ghi lại”.
Các chiến sĩ hải quân năm xưa tham gia trên những chuyến tàu Không số thắp hương cho các đồng đội tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Có lẽ cho đến thời điểm này, không một quốc gia nào trên thế giới có thể làm nên một con đường đi biển huyền thoại như Việt Nam với những chuyến tàu “Không số”.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật”, một “kỳ tích” của dân tộc ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng về chiến tranh Nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 1961, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam, nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ngày càng lớn, trong khi các tuyến vận tải trên bộ đang gặp rất nhiều khó khăn, ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam. Tính riêng trong 4 năm đầu hoạt động trên biển, các con tàu "Không số” của ta đã tổ chức thành công gần 90 chuyến, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam bộ.
Nghi ngờ miền Bắc sử dụng đường biển để tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam ngoài con đường tiếp tế trên bộ dọc theo dãy Trường Sơn, từ năm 1962 - 1964, Mỹ và chế độ tay sai Sài Gòn đã tổ chức chụp ảnh khoảng 10 vạn tàu thuyền các loại đang hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Nam Trung bộ, Nam bộ và Vịnh Thái Lan để phục vụ cho việc theo dõi nhận dạng, giám sát, phát hiện tàu thuyền khả nghi. Tuy nhiên, chúng vẫn không hiểu vì sao và bằng cách nào mà từ năm 1962 đến tháng 2/1965, những con tàu nhỏ bé từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa có thể vượt biển, thoát qua sự kiểm soát, ngăn chặn gắt gao của Mỹ, ngụy để chi viện một khối lượng lớn vũ khí cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ.
Sau sự kiện Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2/1965) thì tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển của ta không còn giữ được bí mật. Địch đã nắm được chính xác ý đồ, phương thức, phương tiện vận chuyển của chúng ta và lập tức đẩy mạnh đánh phá miền Bắc đồng thời triển khai nhiều lực lượng, phương tiện quyết ngăn chặn con đường chi viện trên biển của ta.
Nhiều tờ báo ở Mỹ thời ấy đã khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào” (theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 21, Lưu Trung tâm Thông tin - TTXVN).
Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, Bộ Tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu và đề xuất phương thức vận chuyển mới là đi xa bờ, xác định vị trí tàu bằng thiên văn (còn gọi là đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn). Để thực hiện, Đoàn 125 cải dạng 4 tàu (42, 68, 69, 100) từ dạng tàu vận tải sang dạng tàu đánh cá để phù hợp với phương thức vận tải mới. Có tàu phải đi qua đảo Hải Nam - Trung Quốc để đánh lạc hướng đối phương, hay đi vòng ra hải phận quốc tế, cũng có tàu phải vòng ra phía Ma Cao, sang Philippines... rồi bất ngờ đột nhập vào các bến bãi ở Nam bộ và Nam Trung bộ.
Trung tá Vũ Trung Tính, hiện đang ở tổ dân phố Hạnh Phúc, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn), ngay từ khi nhập ngũ vào quân chủng hải quân tháng 2/1964, ông đã gắn bó với hải trình của Đoàn 125 – Đoàn tàu Không số. Từ tháng 6/1964, ông được điều về tàu 42 với cương vị là hàng hải số 1, rồi sau đó được điều sang một số tàu trong Đoàn 125 như: tàu 280, tàu 156, tàu 154, tàu 525. Trong 7 năm liên tục từ tháng 4/1964 đến tháng 3/1971, ông đã cùng đồng đội vận chuyển 18 chuyến hàng vào các bến miền Nam an toàn, góp phần rất quan trọng tăng cường sức chiến đấu cho quân dân miền Nam đánh thắng kẻ thù. Vì thế, 2 năm liền (1966-1967) ông đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Đoàn 125, được báo cáo thành tích điển hình tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) và được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Ông chính là thuyền trưởng thực hiện nhiều chuyến đi trên hai con tàu anh hùng: tàu 42 và tàu 154.
Theo Trung tá Vũ Trung Tính: Điều làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển đầu tiên phải nói đó là sự tuyệt đối bí mật. Ngay trong đoàn tàu với nhau, đi không ai biết, về không ai hay, luôn trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; sẵn sàng xả thân chiến đấu, hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thứ hai là chúng ta với phương tiện thô sơ đã phải đương đầu với hải quân Sài Gòn và hải quân Mỹ hiện đại. Thứ ba là kinh nghiệm đi biển của bộ đội Việt Nam. Kỳ tích ấy đã khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn hết sức ngạc nhiên. Chúng đã phải thốt lên: “Việt cộng đã chở vũ khí vào Nam bằng đường biển là mạo hiểm, cuồng tín, không sao hiểu nổi” (Tập san quốc phòng Ngụy, số 18, tr. 22. Tài liệu lưu tại Thư viện Quân đội).
Nhắc về điều này, Trung tá Vũ Trung Tính cho biết: "Cảm xúc không thể tả được của chúng tôi khi thành công ở chuyến đi tái mở đường. Không chỉ tàu cập bến an toàn mà hơn hết là con đường vận chuyển vũ khí trên biển đã được nối lại bằng một hướng đi mới, cách đi mới sau sự kiện Vũng Rô".
Mặc dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn đưa ra nhiều phương án, nhiều biện pháp và giả thiết hòng xóa sổ tuyến chi viện bằng đường biển của ta nhưng đều thất bại. Nhiều nhà chiến lược quân sự sừng sỏ của Mỹ vẫn không thể giải thích nổi vì nguyên cớ gì, bằng chiến thuật, bằng kỹ thuật gì, bằng sự màu nhiệm nào mà những con tàu bé nhỏ của đối phương có thể vượt qua bão tố, biển cả, vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của một hạm đội hùng mạnh với kỹ thuật tối tân, trang bị hiện đại, gần như rào kín trên biển, để tới được các bến bờ miền Nam. Vì thế mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho rằng: “Đường Hồ Chí Minh trên biển” là một hiện tượng kỳ lạ, vượt qua cả sự tưởng tượng thông thường.
Hiện tượng kỳ lạ ấy đã làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hàng chục nghìn lượt cán bộ của Đảng, của quân đội, chuyên gia quân sự vào miền Nam; từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong thời khắc quan trọng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã thần tốc vận chuyển gần 9.000 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đạn pháo; đưa đón gần 17.500 lượt cán bộ, chiến sĩ vượt 66.000 hải lý để kịp tham gia chiến đấu, hiệp đồng tác chiến với cánh quân đường bộ, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đối với cá nhân Trung tá Vũ Trung Tính: “Hơn 30 năm sống đời quân ngũ, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng 7 năm làm nhiệm vụ tại Đoàn tàu Không số thuộc Đoàn 125, với việc tổ chức và thực hiện 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam trót lọt là khoảng thời gian đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi”, ông Tính kể.
63 năm trôi qua kể từ ngày mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, đã có biết bao chiến sĩ hy sinh anh dũng. Những người trực tiếp đi trên những con tàu năm xưa nay phần lớn đã trên 70 tuổi. Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa trước đây có 102 hội viên trực tiếp đi trên những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa vào Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay chỉ còn 5 người.
Thời gian có thể xóa mờ đi nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện nhưng với những chiến sĩ hải quân đã từng lênh đênh trên sóng, vượt gió, băng băng qua mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, ngụy đi những chuyến tàu chở đầy vũ khí và hàng hóa ngày đêm ra khơi để chi viện cho miền Nam ruột thịt thì sẽ chẳng bao giờ quên.
Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-10-19 13:00:00
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 1): Hoa trong bão, lũ
“Bóng hồng” sau siêu bão (Bài 2): Những chuyến đi nghĩa tình
Những người phụ nữ tôi kính trọng
Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Quan Sơn
Lớn lên từ những mảnh vườn
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thương hiệu “cánh chim đầu đàn” của giáo dục tỉnh Thanh Hóa
Dấu chân người khổng lồ trên đất Thanh
Văn hóa làng và làng văn hóa trên vùng đất Trung Chính
Mùa linh cảm: Viết ra để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”
Khát vọng từ mùa thu cách mạng