(Baothanhhoa.vn) - Nước sạch luôn là nhu cầu cấp thiết với người dân vùng biển Hậu Lộc, tuy nhiên thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư đưa nước sạch về nông thôn, nhưng số lượng người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện vẫn đạt rất thấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xung quanh vấn đề sử dụng nước sạch ở huyện Hậu Lộc

Nước sạch luôn là nhu cầu cấp thiết với người dân vùng biển Hậu Lộc, tuy nhiên thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư đưa nước sạch về nông thôn, nhưng số lượng người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện vẫn đạt rất thấp.

Xung quanh vấn đề sử dụng nước sạch ở huyện Hậu Lộc

Mặc dù Nhà máy nước sạch Hậu Lộc đã đầu tư hệ thống cấp nước nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Ảnh: N.A

Về Hậu Lộc vào đúng đợt nắng nóng cao điểm của ngày hè tháng sáu, nhưng chúng tôi nhận thấy hầu như nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn huyện vẫn không tăng. Cô Ngô Thị Hà trú tại thôn Tân Đồng, xã Lộc Tân, cho biết: “Cả thôn tôi giờ chưa có nước sạch. Hầu như nhà nào cũng sử dụng nguồn nước từ giếng khoan, nước mưa và nước lọc. Để đảm bảo tốt hơn cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn rất muốn dùng nước sạch, nhưng chưa có điều kiện lắp đặt”.

“Trước đây nhà tôi thường hay dùng nước mưa, nay đã có nước sạch để ăn uống và sinh hoạt hàng ngày nên rất yên tâm. Song, cuộc sống người dân nông thôn còn khó khăn, nên nhiều khi nước sạch cũng phải dùng tiết kiệm” - bác Nguyễn Trọng Sâm, thôn Bái Hà Xuân, xã Xuân Lộc chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc người dân trên địa bàn huyện ít sử dụng nước sạch trước hết là do nhận thức của người dân về vai trò của nước sạch đối với đời sống, sức khỏe còn hạn chế. Hơn nữa là do cuộc sống của người dân vùng nông thôn còn khó khăn, nhiều hộ có người đi làm ăn xa nên người ở nhà tiêu thụ ít; phần lớn các hộ dân vẫn duy trì thói quen sử dụng nước giếng khoan và nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày... Có điều, các nguồn nước nói trên mới chỉ đạt yêu cầu nước hợp vệ sinh, chưa đạt yêu cầu về nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đồng nghĩa với việc chưa đảm bảo an toàn về chất lượng nguồn nước cũng như vấn đề sức khỏe của cộng đồng.

Hiện trên địa bàn huyện Hậu Lộc đang có 4 đơn vị cung cấp nước sinh hoạt gồm: Nhà máy nước sạch Hậu Lộc cung cấp nước cho thị trấn Hậu Lộc và các xã Thịnh Lộc, Xuân Lộc và Lộc Tân, Lộc Sơn, Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc, Tuy Lộc, Cầu Lộc và Thành Lộc. Nhà máy nước Minh Lộc cung cấp nước cho các xã: Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc, Hoa Lộc, Hòa Lộc, Phú Lộc (hai nhà máy trên đều lấy nước từ sông Lèn). Nhà máy nước Ngư Lộc lấy nước từ kênh De phục vụ cho nhân dân xã Ngư Lộc và Nhà máy nước Tiến Lộc lấy nước giếng khoan phục vụ cho nhân dân xã Tiến Lộc.

Được biết đến nay, Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 TH đã hoàn thành thi công cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước sạch Hậu Lộc, bao gồm các hạng mục chính như: Cải tạo hệ thống cấp nước đầu mối của nhà máy nước cũ, trạm bơm nước thô Cầu Lộc, trạm bơm cấp 1 tại xã Lộc Tân, hồ trữ lắng Lộc Tân (dung tích 60.000m3), hệ thống điện và 2 trạm biến áp, cấp nước sạch được cho 6/11 đơn vị hành chính theo dự án là thị trấn Hậu Lộc, các xã: Thịnh Lộc, Xuân Lộc, Lộc Tân, Lộc Sơn, Mỹ Lộc, ước đạt 120/165 tỷ đồng theo tổng dự án đầu tư. Nếu được sự phối hợp của chính quyền và nhân dân các xã, chủ đầu tư dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2020 theo đúng tiến độ dự án đề ra.

Theo thiết kế, nhà máy có công suất 5.000 m3/ngày đêm, mục tiêu là đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch, mở rộng sản xuất, kinh doanh nước sạch phục vụ nhu cầu cho khoảng 40.000 người dân của thị trấn Hậu Lộc và các xã lân cận gồm: Xã Thịnh Lộc, Xuân Lộc và Lộc Tân, Lộc Sơn, Văn Lộc, Mỹ Lộc, Thuần Lộc, Tuy Lộc, Cầu Lộc và Thành Lộc; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.

Quá trình thi công nâng cấp nhà máy nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Sử dụng nguồn nước thô từ sông Trà Giang không bảo đảm chất lượng; tuyến cấp nước sinh hoạt chạy qua nhiều xã... Công ty CP Xây dựng và Thương mại số 7 TH đã có phương án không lấy nguồn nước từ sông Trà Giang như kế hoạch, mà lấy nước từ sông Lèn, cách vị trí nhà máy đang xây dựng khoảng 8 km. Thực hiện Thông tư 50/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 11-12-2015, quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt, Nhà máy nước sạch Hậu Lộc theo định kỳ thường xuyên gửi mẫu xét nghiệm chất lượng nước, kiểm tra mức độ an toàn lao động, vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh nguồn nước đầu vào để kịp thời ngăn ngừa và loại trừ những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước... Kết quả đều cho thấy các chỉ tiêu phân tích đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đầu tư lắp đặt, xây dựng hệ thống cấp nước sạch chạy qua các xã như: Lộc Tân, Xuân Lộc, Thịnh Lộc, Lộc Sơn đưa vào vận hành sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ dùng nước sạch do nhà máy cung cấp cho các hộ dân trong vùng đạt thấp. Chính vì vậy, mặc dù đầu tư nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp nhà máy nước sạch và đường ống dẫn nước sạch đến các xã, nhưng lượng nước bán đến các hộ dân ít, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của nhà máy. Trên thực tế, việc tiêu thụ của nhà máy mới chỉ đạt gần 1.000m3/ngày đêm/năng lực hiện có là 5.000m3/ngày đêm, lượng khách đạt 2.000 khách/năm; có khoảng 51% số hộ đã đấu nối lắp đặt nước sạch nhưng không sử dụng; khoảng 20% số hộ đấu nối lắp đặt dùng dưới 4m3/tháng... Doanh thu mỗi tháng đạt gần 200 triệu đồng, chưa đủ để bù đắp chi phí.

Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng kể từ khi đi vào hoạt động tới nay, Nhà máy nước sạch Hậu Lộc vẫn chưa đòi hỏi hỗ trợ gì. “Đến thời điểm hiện tại, nhà máy đang gặp khó khăn vì “bí đầu ra”, không tiêu thụ được nước. Nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay, đầu tư mà không có lãi sẽ gây khó khăn cho quá trình sản xuất, kinh doanh của nhà máy, gây thất thoát và lãng phí nguồn nước. Vì vậy, để “giải cứu” nước sạch, cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn của nhà máy, đề nghị với tỉnh và các cấp, các ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để nhà máy vượt qua cơn nguy nan này” – bà Trịnh Thị Hoa, Giám đốc Nhà máy nước sạch Hậu Lộc chia sẻ.

Về phía các địa phương, qua trao đổi với đại diện lãnh đạo các xã mà chúng tôi đã có dịp đến tìm hiểu, đều cho thấy có tín hiệu khả quan về tình hình sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện Hậu Lộc trong thời gian tới. Bà Trần Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết: Xã hiện có 362 hộ với 5.180 nhân khẩu, trong đó có 35% số hộ sử dụng nước sạch. Xã đang phấn đấu xây dựng danh hiệu xã an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy mục tiêu năm 2019 là phải đạt được 55%, đến năm 2020 đạt 65% số hộ sử dụng nước sạch. Vì vậy, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, thông qua các hoạt động tổ chức đoàn thể kêu gọi người dân đăng ký, cam kết sử dụng nước sạch. Xã cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất về hành lang pháp lý để nhà máy nước đấu nối sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu cho người dân.

Trên thực tế ở nhiều địa phương, trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường mới chỉ đánh giá chỉ tiêu nước hợp vệ sinh, còn chỉ tiêu về nước sạch vẫn chưa thể đánh giá. Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì các xã phải đạt chỉ tiêu người dân được sử dụng nước sạch tối thiểu 65%. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nước sạch cốt lõi nhằm đem lại nhu cầu thiết yếu và hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về nước sạch, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch, cũng cần lồng ghép các hình thức tuyên truyền sinh động trên cơ sở khoa học pháp lý. Các cơ quan chức năng cần đưa ra khuyến cáo về sử dụng nguồn nước, trong đó có vai trò, tác dụng của nước sạch đối với đời sống và sức khỏe con người. Sử dụng tiết kiệm, tạo thói quen sử dụng nước sạch cho người dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch ở nông thôn. Và hơn hết, doanh nghiệp cần xác định đầu tư nước sạch là đầu tư cho lâu dài, để từ đó có những giải pháp căn cơ, cùng với nội lực, bản lĩnh vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách để tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng chất lượng của người dân nông thôn. Bởi muốn tiến xa, doanh nghiệp sẽ không phải đi một mình mà còn có sự chung tay giúp sức của toàn xã hội.

Thùy Dương – Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]