(Baothanhhoa.vn) - Người xưa quan niệm tháng giêng có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, cũng là thời điểm nông nhàn, nên được xem là tháng để nghỉ ngơi, giải trí, nhằm giải phóng sức lao động sau một năm vất vả. Tuy nhiên cuộc sống ngày càng có nhiều thay đổi đang đặt ra yêu cầu phát triển mới cao hơn, những suy nghĩ cũ chắc chắn không còn phù hợp.

Xuân mới, tinh thần làm việc phải mới hơn

Người xưa quan niệm tháng giêng có nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, cũng là thời điểm nông nhàn, nên được xem là tháng để nghỉ ngơi, giải trí, nhằm giải phóng sức lao động sau một năm vất vả. Tuy nhiên cuộc sống ngày càng có nhiều thay đổi đang đặt ra yêu cầu phát triển mới cao hơn, những suy nghĩ cũ chắc chắn không còn phù hợp.

Xuân mới, tinh thần làm việc phải mới hơn

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Từ ngày 7-2-2022 (tức ngày mùng 7 tháng giêng năm Nhâm Dần) cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động đi làm trở lại. Sau nhiều thay đổi trong cách đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ trong dịp tết, có thể chiếc “đồng hồ” sinh học ở nhiều người chưa thể thích nghi ngay trở lại được, nhưng không còn cách nào khác.

Tình trạng chệch choạc và đối phó trong những ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết xảy ra ở nhiều công sở trong những năm trước. Không ít cán bộ, công chức tìm đủ lý do để đến các đền, phủ lễ bái, tham gia vào các hoạt động lễ hội, du xuân. Có cơ quan qua rằm tháng Giêng mới trở lại lại nhịp làm việc bình thường. Đây là việc làm phản cảm, làm thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên do đầu năm nhiều người thường có suy nghĩ ngại va chạm, nên thường xuê xoa trong xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật làm việc. Thậm chí có những người đứng đầu cơ quan, đơn vị không gương mẫu, nên cán bộ cấp dưới cũng đồng loạt làm theo.

Thực hành tín ngưỡng là quyền của mỗi người. Nhưng thay cho việc tham gia quá mức vào các hoạt động tín ngưỡng đầu xuân làm ảnh hưởng đến nhịp sống công sở, mỗi cán bộ, công chức hãy toàn tâm cho công việc ngay từ ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết. Gần như cơ quan, đơn vị nào cũng còn công việc dang dở từ năm cũ và những công việc mới phát sinh cần phải giải quyết ngay. Những công việc liên quan đến sản xuất càng cần phải được giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Sau nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong năm qua, giờ là lúc chúng ta phải tăng tốc trở lại nhằm đảm bảo nhịp sản xuất bình thường, góp phần giữ đà tăng trưởng chung của tỉnh, phấn đấu để cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11,5% trở lên.

Sau 3 năm triển khai Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ quan đã nghiêm túc thực hiện, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tuân thủ, gây khó khăn cho việc xây dựng văn hóa công sở, làm giảm chất lượng công vụ. Vấn đề này cần được từng cơ quan một khắc phục, chấn chỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nêu gương làm việc, cán bộ các cấp chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương góp phần vào việc xây dựng cơ quan văn hóa, đảm bảo thời gian, hiệu quả công việc được giao.

Tỉnh Thanh Hóa đã bước vào giai đoạn phát triển mới thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV với những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực cũng cần phải siết lại theo hướng rõ người, rõ việc, rõ chất lượng, lấy thời gian, hiệu quả công việc làm thước đo. Mọi sự chậm trễ, bớt xén giờ giấc, hiệu quả thấp trong công việc… đều làm xấu đi hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức, giảm sút uy tín của cơ quan, đơn vị, cản trở sự phát triển chung.

Xuân mới, tinh thần làm việc phải mới hơn

Thay cho việc bớt xén thời gian công sở để phục vụ cho hoạt động tâm linh, mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy đề cao tinh thần tận hiến (Ảnh minh họa của HA)

Thay cho việc bớt xén thời gian, bê trễ công vụ để rồng rắn đến các đền, phủ hoặc tụ tập chúc tụng trong dịp đầu xuân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy đem tinh thần của mùa xuân mới vào công việc ngay từ ngày đầu đi làm trở lại và duy trì mạch làm việc ấy suốt cả năm, vừa góp phần đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa công sở, tạo ra những hiệu quả rõ nét hơn.

Phát biểu tại hội nghị giao ban đánh giá tình hình sản xuất, đời sống, an ninh - trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm sau tết tổ chức ngày 5-2-2022 (tức mùng 5 tháng giêng năm Nhâm Dần), đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu ngay sau tết các cấp, các ngành, các địa phương phải bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu, với quyết tâm cao thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022, không ăn tết kéo dài.

Tại Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh cũng đã nêu rõ ngay sau kỳ nghỉ tết các cơ quan, đơn vị khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc, không để chậm trễ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao dịch của Nhân dân.

Đây là mệnh lệnh hành chính, yêu cầu công vụ nghiêm túc, mỗi cơ quan, mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy thay đổi tư duy, đem tinh thần làm việc của một mùa xuân mới xua đi sự trì trệ, để tháng giêng không còn bị xem là tháng ăn chơi, mọi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức bắt tay làm việc thực sự từ ngày đầu trở lại công sở, không có ngoại lệ nào cả.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]