(Baothanhhoa.vn) - Xuân đã về nơi biên ải xa xôi, đào rừng bung nở những cánh hoa rực rỡ, đung đưa trong gió chiều Mường Lát. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo mới rực rỡ sắc màu của một mùa xuân khoáng đạt, tinh khôi, đầy sức sống. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt của đồng bào, tiếng cười, nói trong từng nếp nhà như hứa hẹn và mở ra những điều tốt đẹp trong tương lai.

Xuân biên cương

Xuân đã về nơi biên ải xa xôi, đào rừng bung nở những cánh hoa rực rỡ, đung đưa trong gió chiều Mường Lát. Đất trời vùng cao như được khoác tấm áo mới rực rỡ sắc màu của một mùa xuân khoáng đạt, tinh khôi, đầy sức sống. Niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt của đồng bào, tiếng cười, nói trong từng nếp nhà như hứa hẹn và mở ra những điều tốt đẹp trong tương lai.

Xuân biên cươngCán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu hướng dẫn dân trồng nấm.

Mùa xuân thay áo mới

Chúng tôi vượt một đoạn đường dài hơn 200km, về với những người lính biên cương, nơi tiền đồn cửa ngõ của hai nước Việt - Lào ở phía Tây. Đã là đầu xuân mà cái rét cuối đông vẫn còn bám đuổi, mưa bụi lây rây, gió núi trêu đùa những hạt sương mai khiến con đường vắt qua vùng biên cương tựa như “chạy thẳng vào tim”, thơ mộng và hùng vĩ lạ kỳ. Trên các tuyến đường có dân cư sinh sống tràn sắc đỏ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Đứng trên mảnh đất biên cương, cùng hòa chung vào không khí xuân mới với bà con các dân tộc thiểu số, trong tôi cũng tràn đầy niềm vui, hy vọng về một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.

Mùa xuân này, sự “thay da đổi thịt” hiện diện ở vùng đất dọc tuyến biên giới nơi đây: Điện lưới quốc gia, nước sạch đã và đang vươn tới nhiều gia đình, hệ thống đường giao thông nông thôn dẫn về các thôn, làng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; mạng lưới y tế đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe của người dân; hệ thống chính trị được củng cố; vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương cơ sở phát huy hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể được quan tâm đẩy mạnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được củng cố, giữ vững; các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng...

Tấp nập, sôi động nhất là các phiên chợ xuân, như: chợ phiên Nhi Sơn, chợ phiên thị trấn Mường Lát. Từ khắp các bản làng xa xôi, các mẹ, các chị và những chàng trai, cô gái, chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất, vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng để mua sắm, vui chơi, chuyện trò, gặp mặt đầu xuân. Nhiều phụ nữ gùi trên lưng những đặc sản của bản làng xuống chợ bán và khi về, họ mua những đồ dùng thiết yếu hằng ngày như: bánh kẹo, mắm muối, cá, tôm... của người miền xuôi. Điều này đã cho thấy sự thay đổi trong nhu cầu của người dân. Đã không còn là thời kỳ “tự sản, tự tiêu”; người dân đã biết làm kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm có lợi nhuận cao. Đồng thời, mua về những thứ thật sự chất lượng phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Đối với những gia đình còn nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực chăm lo, quan tâm, hỗ trợ để họ cùng Nhân dân cả nước đón những mùa xuân tươi vui.

Đẹp biết bao mối tình quân - dân

Gặp chúng tôi tại phiên chợ thị trấn Mường Lát, anh Lý Seo Châu, ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung, cho biết: “Nhà mình cách trung tâm huyện gần 10km, đường sá đi lại khó khăn, vất vả nhưng năm nào cũng thế, cứ đầu xuân năm mới là gia đình mình lại xuống chợ chơi. Nhất là năm nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 5 (Quân khu 4), các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật, trao truyền kinh nghiệm để làm ăn... nên xuân này nhà mình vui hơn, no đủ hơn”.

Nghe theo lời cán bộ, chiến sĩ biên phòng, gia đình anh Châu đã từ bỏ phương thức canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu để mở rộng đàn bò và nuôi gà số lượng lớn lấy thịt. Ngoài ra, anh còn trồng rừng kinh tế, cây ăn quả, như: xoài, nhãn...

Cũng như anh Châu, với anh Sùng A Dế, ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung, được đón một cái tết khá đầy đủ trong một năm trải qua rất nhiều khó khăn do dịch bệnh bởi có sự quan tâm của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng. Vì thế, gia đình anh Dế đã không còn cảnh phải “giật gấu, vá vai” chạy ăn từng bữa như trước đây. Anh Dế phấn khởi chia sẻ: “Năm vừa qua, dịch bệnh phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ lớn nhưng gia đình tôi vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi lợn, bò và trồng mít... vì thế kinh tế gia đình ít bị ảnh hưởng. Đây là niềm vui lớn để gia đình chúng tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa”.

Đóng chân trên địa bàn xã biên giới cách trung tâm huyện Mường Lát gần 10km, có 7,347km đường biên, 4 mốc quốc giới (từ 270 đến 273) với 8 bản, 874 hộ, 4.254 nhân khẩu, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán còn lạc hậu, những năm qua, Đồn Biên phòng Tam Chung đã kiên trì “cầm tay, chỉ việc” vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tiêu biểu như hướng dẫn người dân trồng lúa nước; thâm canh mô hình trồng ngô lai, trồng cỏ voi, chăn nuôi bò lai sinh sản, đào ao thả cá... Từ chỗ chỉ cấy lúa 1 vụ/năm, đến nay xã Tam Chung đã có hơn 83,3 ha trồng lúa nước, 45 ha trồng ngô lai hai vụ, 80 ha sắn và 15 ha trồng rau màu các loại. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung còn vận động Nhân dân đăng ký trồng hàng trăm ha rừng; giúp đỡ cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường; dạy xóa mù chữ cho nhiều học viên.

Những lúc gặp thiên tai, địch họa, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng là những người có mặt sớm nhất để giúp dân dựng lại nhà cửa, tu sửa đường giao thông, sân nhà văn hóa bản, trường lớp, cứu người dân khỏi nước cuốn trôi, di dời dân đến nơi an toàn, tu sửa đường ống dẫn nước sinh hoạt để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Bà Lò Thị Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Tam Chung, cho biết: “Có bộ đội biên phòng “cầm tay, chỉ việc”, cuộc sống của người dân đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm”.

Thượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung, tâm sự: “Hạnh phúc lớn nhất đối với người lính biên phòng đó là được góp sức để Nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được chứng kiến từng bản làng biên giới ngày càng thay da đổi thịt và tình cảm quân – dân ngày càng thắm đượm...”.

Rời Tam Chung đến với mảnh đất Quang Chiểu, Mường Chanh, trong không khí đầm ấm, yên vui của những ngày xuân, chúng tôi lại được nghe đồng bào Thái, Mường, Mông... kể chuyện về những việc làm “ưng cái bụng” của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đối với người dân. Từ chuyện bộ đội biên phòng nhận giúp đỡ, bảo trợ học sinh nghèo trên địa bàn tới trường, đến chuyện bộ đội phối hợp với cán bộ, đảng viên trong xã thực hiện mô hình giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Nhiều hộ nghèo trên địa bàn được cấp lợn giống, bò giống và hướng dẫn phát triển kinh tế hộ đã thoát được nghèo.

Ông Lâu Văn Pó, bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, phấn khởi bày tỏ: “Năm nay, bà con đón xuân đầy đủ hơn mọi năm vì đời sống của đồng bào bây giờ đã đổi thay nhiều. Tất cả đều nhờ các cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Họ không chỉ giữ cho bản làng bình yên, mà còn giúp đỡ người dân đổi thay nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Như gia đình tôi được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu hướng dẫn mô hình trồng lúa nước, khép kín từ công đoạn khai hoang ruộng đến lựa chọn con giống, triển khai kỹ thuật gieo cấy đến khi thu hoạch. Hiện tại, tôi đã có thể trồng lúa cho thu hoạch cao và hướng dẫn cho bà con trong vùng cùng trồng. Tôi cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu nhiều lắm...”.

Tại các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới, mỗi độ xuân về đều cắt cử các tổ công tác xuống từng cụm bản phụ trách để chúc tết già làng, trưởng bản, người có uy tín và chung vui cùng bà con. Những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn được kịp thời hỗ trợ gạo, bánh kẹo, nhu yếu phẩm, trẻ em, người già có tấm áo mới vui xuân. Nơi đây, bà con coi những người lính mang quân hàm màu lá cây là anh em, bè bạn, là thầy thuốc, thầy giáo của mình. Các anh luôn là khách quý trong các lễ hội, các buổi văn nghệ thậm chí cả việc hiếu, việc hỷ của các gia đình. Gieo gì gặt nấy. Gieo tình yêu thương sẽ gặt được lòng tin cậy. Mà nói như đồng chí Nguyễn Thế Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quang Chiểu, thì: “Dân tin yêu Ðảng, tin yêu Nhà nước, tin yêu bộ đội biên phòng và yêu biên giới thì bờ cõi biên cương của Tổ quốc sẽ mãi vững bền”. Với niềm tin ấy, Nhân dân sẽ là tai mắt, là điểm tựa của các chiến sĩ biên phòng nơi rừng sâu núi thẳm này. Không phải ngẫu nhiên chúng ta lại có khái niệm “biên giới lòng dân”. Dân yên, biên giới sẽ yên.

Tạm biệt các xã biên giới khi những cành đào đang bung hoa rực rỡ, mùa xuân ấm áp đang về. Từ bước chân tung tăng của lũ trẻ trên con đường lớn đến trường, tới tinh thần vững chãi của những người lính quân hàm xanh..., tất cả như những sợi chỉ vàng dệt lên những mùa xuân đẹp nhất, mùa xuân của ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]