(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được mọi người dân, kể cả những ai vốn chưa có cảm tình với Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng để làm cho họ tự nguyện đi theo sự nghiệp cách mạng và những người đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng thì càng hăng hái hơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở đâu, bất cứ cương vị nào, trong công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện, đồng thời giáo dục cán bộ, đảng viên làm dân vận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước qua công tác dân vận (Bài 1): Lắng nghe để thấu hiểu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được mọi người dân, kể cả những ai vốn chưa có cảm tình với Đảng Cộng sản và chính quyền cách mạng để làm cho họ tự nguyện đi theo sự nghiệp cách mạng và những người đã tích cực đi theo sự nghiệp cách mạng thì càng hăng hái hơn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở đâu, bất cứ cương vị nào, trong công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện, đồng thời giáo dục cán bộ, đảng viên làm dân vận là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Xây dựng hình ảnh phụ nữ Thanh Hóa thời đại mới yêu nước qua công tác dân vận (Bài 1): Lắng nghe để thấu hiểuPhụ nữ phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, lan tỏa hành động đẹp trong Nhân dân.

“Khéo” trong cách nói, “khéo” trong việc làm

Thấm nhuần lời dạy của Bác, từ nhiều nhiệm kỳ đại hội đại biểu phụ nữ cho đến nay, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh luôn thống nhất quan điểm: Cán bộ hội phải là người biết lắng nghe hội viên, phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân bằng thái độ tôn trọng, cầu thị và chia sẻ nhằm tạo sự tin tưởng đối với hội viên, phụ nữ. Nghĩa là phải nhất quán “Nghe hội viên nói, nói hội viên hiểu, làm hội viên tin”. Chỉ khi có được sự tin tưởng, hội viên, phụ nữ mới sẵn sàng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình, mạnh dạn “hiến kế” để triển khai có hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ.

Từng có thâm niên 28 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thành Sơn, xã Thành Long (Thạch Thành), chị Phạm Thị Hiển đã vận dụng phương pháp “dân vận khéo” của riêng mình bởi chị sở hữu một “kho” kiến thức dân vận 28 năm. Luôn gần gũi, sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, vận động giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật giúp vốn làm ăn, xây mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, tặng học bổng cho con hội viên vượt khó học giỏi... Những việc chị Hiển làm đã giúp gắn kết tình cảm hội viên, chi hội xây dựng quỹ hội luôn cao nhất toàn xã...

Chị Hiển chia sẻ: “Lúc đầu chị em chưa hiểu, có nhiều chị vận động rất khó vì có suy nghĩ vào hội mất thời gian. Không thể bắt buộc chị em tham gia sinh hoạt nên những lúc gặp nhau, đến thăm từng nhà, tôi nhẹ nhàng động viên để chị em hiểu và tự nguyện đăng ký vào hội. Phương pháp dân vận “mưa dầm thấm sâu” tuy có khó khăn, vất vả nhưng mang lại hiệu quả thực sự”.

Phụ nữ miền núi khởi nghiệp, nghe có vẻ khó nhưng không phải vì vậy mà phụ nữ ở vùng miền núi thiếu cơ hội làm ăn, khó phát triển kinh tế gia đình. Muốn hội viên, phụ nữ miền núi làm kinh tế, khởi nghiệp thành công trước tiên phải chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phải làm theo kiểu “cầm tay chỉ việc” vì chị em nơi đây ít có điều kiện học hỏi, tiếp cận tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Lúc này đây, vai trò của phụ nữ làm dân vận thực sự cần thiết.

Chị Vi Thị Khăm, Chi hội trưởng thôn Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) cho biết: “Muốn chị em tin tưởng làm theo, mình phải làm trước, làm được. Năm 2016, tôi tham gia tổ hợp tác (THT) nuôi lợn nái đen bản địa sinh sản và được hỗ trợ 2 con lợn nái đen để phát triển nhân đàn. Thời điểm đầu không phải mọi thứ đã hanh thông, nhiều phụ nữ chưa thực sự tin rằng mô hình có hiệu quả. Chúng tôi phải đến nhà các thành viên trong THT, động viên chị em cách chăm sóc, ráo riết tuyên truyền: Muốn thoát nghèo, phải nỗ lực vượt khó, tin tưởng vào việc mình đang làm. Với suy nghĩ đó, từ 2 con nái ban đầu, sau 3 năm gia đình tôi đã phát triển lên 17 con lợn thịt và lợn giống. Đến nay, số lượng lợn thịt và lợn giống tăng hàng năm, gia đình tôi còn cung cấp giống cho các hộ trong thôn. Nhiều hộ đã nuôi lợn nái đen và có thu nhập khá”.

“Dân vận khéo” được hiểu là: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nghĩa là: Óc phải suy nghĩ, tìm tòi, hiểu biết về lý luận và thực tiễn; mắt trông, là thấy rõ yêu cầu nhiệm vụ theo chức trách và thực tiễn cách mạng để thực hành cho đúng, trúng; tai nghe, là lắng nghe ý kiến phản biện để kịp thời xử lý những thông tin từ quần chúng, biết loại trừ những thông tin thiếu chân thực, không khách quan; chân đi là luôn về cơ sở, về với hội viên nhưng không làm phiền hội viên và cơ sở mà đi sâu vào tìm hiểu thực tiễn, thấu hiểu, cảm thông với những khó khăn của hội viên, phụ nữ. Dùng những lời nhẹ nhàng, cụ thể, sâu sắc để vận động hội viên, khuyến khích cơ sở vượt khó vươn lên đạt kết quả và tạo ấn tượng sâu sắc.

Chị Hiển, chị Khăm là hai trong số nhiều cán bộ, hội viên nòng cốt đã biết cách “Dân vận khéo”, lấy chính bản thân, công việc, hiểu biết và tình cảm của mình để “nói khéo”, “làm khéo”, vận động chị em tham gia các phong trào của hội, của địa phương. Qua đó gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo niềm tin, động lực cho hội viên hiểu và làm theo. Việc triển khai các mô hình “Dân vận khéo”, ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của cán bộ, hội viên được nâng lên rõ rệt; trở thành nguồn động lực thúc đẩy chị em tiếp tục phát huy tài năng, sáng tạo. Quan trọng hơn, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân vào các phong trào thi đua xây dựng và phát triển tỉnh.

Hướng về cơ sở - xây dựng mô hình

Bám sát tình hình, đặc điểm của địa phương để “Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ hội viên kịp thời là một trong những nội dung quan trọng khi phụ nữ làm công tác dân vận. Chỉ khi nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của hội viên được giải quyết cũng chính là hiệu quả của công tác “Dân vận khéo” mang lại.

Vợ chồng bà Lương Thị Ngọc, thôn Nghìa, xã Ban Công (Bá Thước) vừa hoàn thành căn nhà mái ấm tình yêu thương của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn huyện hỗ trợ xây mới. Vợ chồng bà Ngọc thuộc hộ nghèo “bền vững” ở địa phương được Hội LHPN xã đề xuất với Hội LHPN huyện Bá Thước đã hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ “Mái ấm tình thương” để xây nhà. Sau thời gian ngắn, cùng với sự giúp đỡ của người thân, hội viên, phụ nữ cơ sở và chính quyền địa phương... gia đình bà Ngọc đã hoàn thành căn nhà trị giá 150 triệu đồng. Từ đây, gia đình bà có thêm động lực để yên tâm sản xuất.

Để nghe được lời nói thật của hội viên, nhất là hội viên nghèo, hội viên vùng dân tộc thiểu số là việc không đơn giản đối với công tác dân vận hiện nay. Phần lớn họ có hoàn cảnh khó khăn, số phận éo le, không may mắn, ít vốn liếng, không có công ăn việc làm hoặc có nhưng không ổn định, thiếu thông tin, trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thậm chí tự ti, mặc cảm nên ít giãi bày những tâm tư, tình cảm của mình với người khác. Do đó, nếu chỉ vận động bằng lời nói không thôi thì không đủ cơ sở thuyết phục mà phải bằng việc làm cụ thể, rõ kết quả, rõ lợi ích hội viên mới tin tưởng làm theo. Đối với hội viên vùng miền núi khó khăn, mô hình “Dân vận khéo” càng phải cụ thể hơn để hội viên được nghe, thấy tận mắt và kiểm chứng mới tin tưởng làm theo. Cách dân vận này nhằm thu hút nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua, như: phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và rèn luyện 4 phẩm chất phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; thực hiện cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh...

Xác định công tác dân vận không chỉ phù hợp đặc trưng của giới và chức năng, nhiệm vụ các cấp hội phụ nữ mà còn là yếu tố tiên quyết góp phần củng cố, xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua ái quốc, chú trọng xây dựng, phát hiện điển hình tiên tiến... Vì thế, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm lan tỏa ý nghĩa sâu rộng của công tác dân vận tới cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh. Ðặc biệt, hội đã chỉ đạo các cơ sở hội lựa chọn đăng ký thực hiện các mô hình thiết thực, cụ thể phù hợp tình hình thực tiễn địa phương, cuộc sống của hội viên, phụ nữ.

Đến nay, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... và chủ yếu gắn với thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong phát triển kinh tế, các cấp hội chú trọng xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề có hiệu quả, các mô hình có sự kiên kết chia sẻ giúp đỡ nhau, như: hỗ trợ khởi nghiệp, trao con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, nâng tổng số lên 340 mô hình. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các cấp hội thành lập, duy trì hoạt động trên 3.900 mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các cấp hội chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự thông qua việc triển khai, nhân rộng các mô hình: “Tổ phụ nữ tự quản về an ninh trật tự”, “Phụ nữ tham gia phòng, chống tội phạm”, cảm hóa được nhiều người lầm lỡ trở về với cuộc sống thường ngày. Các mô hình dân vận trên đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần nâng cao hiểu biết, đồng thuận trong ý thức chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành hoạt động thi đua sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến từng hội viên phụ nữ trong tỉnh. Công tác “Dân vận khéo” sẽ tiếp tục được Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, nhân rộng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Bài và ảnh: Lê Hà

Bài 2: Khơi dậy khát vọng vươn lên và hội nhập.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]