(Baothanhhoa.vn) - Ngày 18-10-2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/TT-BYT quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2017. Theo đó, tất cả người dân đều có quyền được hưởng và được bảo đảm có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đây được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm chi phí của người dân, tuy nhiên khi triển khai thực ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vướng mắc trong thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản

Ngày 18-10-2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 39/TT-BYT quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2017. Theo đó, tất cả người dân đều có quyền được hưởng và được bảo đảm có thể tiếp cận được 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đây được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, giảm chi phí của người dân, tuy nhiên khi triển khai thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Nhân viên Trạm Y tế xã Đồng Lợi tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.

Gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe” do ngân sách Nhà nước chi trả. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả gồm các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh (KCB) và danh mục thuốc sử dụng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y (gọi chung là tuyến xã). Còn gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe gồm các dịch vụ áp dụng tại trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là trung tâm y tế huyện) và các trạm y tế xã, phường, thị trấn để chăm sóc sức khỏe ban đầu... Thế nhưng đến thời điểm này nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được với gói y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả.

Theo ông Bùi Văn Dục, xã Đồng Lợi (Triệu Sơn), những năm gần đây, ông thường xuyên phải đi khám bệnh BHYT, trong đó nhiều lần phải nằm viện điều trị. Lần này ông bị rối loạn tiền đình, chóng mặt, buồn nôn, đi lại mất thăng bằng đến trạm y tế xã điều trị nhưng vẫn phải chi trả tiền thuốc tiêm cải thiện tuần hoàn não, do BHYT không chi trả nên rất tốn kém. Ông Dục cho rằng, sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế giúp giảm bớt gánh nặng cho người bệnh, đặc biệt với những người lớn tuổi, có thu nhập thấp nên ông mong muốn các ngành chức năng sớm triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại các trạm y tế để người dân đỡ khó khăn, tốn kém khi phải chuyển lên tuyến trên điều trị.

Theo báo cáo của ngành y tế, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 87% dân số tham gia BHYT, thế nhưng hiện nay mới có 23 trạm y tế xã đủ điều kiện để triển khai thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản.

Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn cũng chỉ ra thực trạng, nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã được điều trị, dùng các loại thuốc tại các bệnh viện hạng I, II. Đến khi về trạm y tế thì lại không có các loại thuốc đó, rất khó khăn cho việc điều trị. Nguyên nhân là do theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả tại tuyến y tế cơ sở chỉ bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật KCB và 241 loại thuốc, quá ít so với nhu cầu của người dân, dẫn đến việc các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc KCB BHYT.

Hay như tại Trạm Y tế xã Luận Thành (Thường Xuân), trung bình mỗi ngày có khoảng 15 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ Xuân Thắng, Trưởng Trạm Y tế xã Luận Thành, hiện nay có những loại thuốc cơ bản nhưng khi cần lại không có vì không thuộc danh mục thuốc bảo hiểm cấp như thuốc điều trị tiền liệt tuyến, u xơ tử cung... Do vậy, buộc trạm y tế phải làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên để bệnh nhân khám và lấy thuốc điều trị. Chưa kể, quy định về mức chi trả BHYT cho bệnh nhân ngoại trú ở trạm y tế xã quá thấp cũng ảnh hưởng đến chất lượng KCB BHYT tại trạm y tế và không khuyến khích được người dân có thẻ BHYT KCB tại tuyến cơ sở.

Trao đổi với ông Lê Hữu Uyển, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế được biết: Hiện nay, chất lượng khám chữa tại y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân; tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người dân chưa mặn mà với y tế cơ sở. Chính sách thông tuyến làm giảm số lượng người bệnh đến trạm y tế. Với quy định thông tuyến và điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh có thẻ BHYT thường lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã. Một số chính sách làm ảnh hưởng đến KCB tại tuyến xã là, thực hiện tự chủ tài chính thúc đẩy các bệnh viện tăng thu dung người bệnh, không phụ thuộc bệnh đó có thể điều trị tại tuyến nào, cùng với việc không có quy định nhằm hạn chế KCB thông thường tại các bệnh viện tuyến trên. Quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế chưa tạo được sự tin tưởng của người dân. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được trích theo quy định hiện hành khó đáp ứng được việc quản lý các bệnh mạn tính tại cơ sở. Mặc dù tỷ lệ đăng ký KCB BHYT ban đầu ở các trạm y tế khá cao nhưng quyền lợi còn hạn chế. Chi phí trung bình cho một đơn thuốc thấp, với tỷ lệ đáp ứng thuốc chỉ đạt dưới 40% theo Thông tư 39 của Bộ Y tế về cung cấp gói dịch vụ y tế tại trạm y tế xã. Tại các trạm y tế có một số loại thuốc bị thiếu, nguyên do những thuốc theo Thông tư 39 không nằm trong danh mục thuốc trúng thầu hoặc do các cán bộ lên kế hoạch dự trù thuốc không nắm được các loại thuốc mới. Việc quản lý bệnh không lây nhiễm đã được thực hiện, bắt đầu bằng quản lý bệnh cao huyết áp, nhưng số lượng bệnh nhân nhận thuốc cao huyết áp, đái tháo đường định kỳ còn thấp. Ngoài ra, tại các trạm y tế còn vướng về chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, khiến cho một số trạm chưa phát huy được hết khả năng của mình.

Vấn đề này ngành y tế đang tháo gỡ thông qua đào tạo áp dụng mô hình bác sĩ gia đình vào trạm y tế (hiện có 523 bác sĩ đang được đào tạo) và từ 1-12-2018 sẽ bỏ quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú như hiện nay, thay vào đó cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí cho BHYT dựa trên chi phí thực tế do ứng dụng dịch vụ kỹ thuật mới, thuốc mới, chức năng nhiệm vụ mới... kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao...; tiếp tục chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg để bảo đảm các trạm y tế đủ năng lực cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản cho người có thẻ BHYT. Các bệnh viện tuyến huyện hướng dẫn và chủ động chuyển người bệnh về trạm y tế để quản lý, điều trị các bệnh mạn tính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế gần nhất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian của người bệnh, vì 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe có thể giải quyết từ tuyến y tế cơ sở - “người gác cửa” của hệ thống y tế.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]