(Baothanhhoa.vn) - Vai trò của nước đối với sự sống cũng thiết yếu như không khí đối với sự tồn tại của con người vậy. Cho nên, dù là nông thôn hay thành thị, ở đâu có con người, ở đó có nhu cầu nước sạch. Tuy nhiên, do tác động của  nhiều yếu tố, khiến cho câu chuyện nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn vẫn đang là câu hỏi mở...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn:

Vẫn còn là câu hỏi mở...

Vẫn còn là câu hỏi mở...

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung góp phần bảo đảm nguồn nước cho người dân huyện Mường Lát.

Vai trò của nước đối với sự sống cũng thiết yếu như không khí đối với sự tồn tại của con người vậy. Cho nên, dù là nông thôn hay thành thị, ở đâu có con người, ở đó có nhu cầu nước sạch. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố, khiến cho câu chuyện nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn vẫn đang là câu hỏi mở...

Định cư ở vùng núi cao, xa xôi và cách trở, nên từ nhiều đời nay, đồng bào Mông (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) đã quá quen với việc sử dụng nguồn nước tự nhiên cho sinh hoạt và sản xuất. Nguồn nước này chủ yếu là từ các dòng suối trên núi cao chảy xuống; hoặc các nguồn nước mặt như ao, hồ, sông ngòi... Nước được người dân dẫn về bằng các đường ống, được chứa trong các bể nhỏ hoặc để cho chảy tràn tự nhiên và thường được dùng trực tiếp để đun nấu, tắm giặt hằng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn nước tự nhiên này cũng có nhiều bất cập. Ví như, nước có thể bị cạn kiệt hay thiếu hụt vào mùa khô hạn; trong khi vào mùa mưa lũ, nước thường bị ô nhiễm do lẫn nhiều bùn đất, tạp chất, rác rưởi... Để khắc phục tình trạng trên, từ các nguồn vốn 134, 135, 253 và Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xã Pù Nhi đã được đầu tư xây dựng hàng chục bể chứa nước tập trung. Nhờ đó, vấn đề nước sinh hoạt cho bà con đã được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, theo thời gian và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà một số công trình cấp nước dạng này đã không phát huy được tác dụng và hiệu quả. Đến nay, cùng với việc triển khai xây dựng nông thôn mới, vấn đề bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân đã được chính quyền địa phương chú trọng hơn. Theo thống kê, hiện tỷ lệ hộ dân đang dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89%. Tuy nhiên, xã vẫn chưa có công trình cấp nước sạch.

Thực trạng trên của xã Pù Nhi cũng là vấn đề chung của huyện Mường Lát. Mặc dù có tới gần 90% dân số đang sử dụng nước hợp vệ sinh; nhưng tỷ lệ nước sạch vẫn rất thấp. Nguyên nhân là việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong dân rất hạn chế, do thu nhập của người dân quá thấp; chưa huy động được vốn doanh nghiệp vào công tác này. Do đó, địa phương chưa có nguồn lực để đầu tư cho các công trình nước sạch. Điều này cũng đồng nghĩa với tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là rất thấp, nếu không nói là chưa có bao nhiêu để thống kê. Trong khi, đây lại là một chỉ tiêu quan trọng của nông thôn mới. Được biết, để từng bước khắc phục tình trạng trên, công trình đường ống cấp nước tạm thời cho thị trấn Mường Lát, có tổng mức đầu tư là hơn 3,475 tỷ đồng, đã được xây dựng và đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao, đưa vào sử dụng.

Rõ ràng là, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, đây cũng là một “chỉ tiêu cứng” nằm trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã và đang được các địa phương dồn sức triển khai thực hiện. Đồng thời, đời sống và dân trí người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, nên nhận thức và nhu cầu của họ về sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật cũng đã được nâng lên. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án ODA, hợp tác công - tư về nước sạch cũng đã được đầu tư trên quy mô lớn ở tỉnh ta vài năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%; tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt QC02 là trên 53%. Để đánh giá sát đúng chất lượng nước, mới đây, trung tâm đã tổ chức tập huấn triển khai Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn năm 2019 tỉnh Thanh Hóa cho 54 cán bộ của 27 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tổ chức 24 lớp tập huấn hướng dẫn điều tra và tổng hợp kết quả bộ chỉ số cho 1.200 cán bộ tuyến xã của 24 huyện. Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai lấy mẫu và xét nghiệm 180 mẫu nước sinh hoạt trên địa bàn các xã nông thôn, để đánh giá chất lượng nước người dân đang sử dụng...

Tuy nhiên, cũng cần khách quan nhìn nhận, việc bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt, vẫn luôn là vấn đề khó hay một câu hỏi mở đối với nhiều địa phương hiện nay. Nguyên nhân cơ bản do kinh phí đầu tư cho các công trình cấp nước sạch là rất lớn, trong khi nguồn lực của nhiều địa phương không thể đáp ứng. Mặt khác, do những hạn chế, khó khăn trong quá trình quản lý, vận hành các công trình cấp nước, đã dẫn đến hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao. Ngoài ra, do truyền thống, thói quen sử dụng nước của người dân khu vực nông thôn từ nhiều đời nay. Hiện trên 95% người dân khu vực nông thôn đang sử dụng nước hợp vệ sinh, trong khi tỷ lệ dùng nước sạch mới chiếm một nửa trong số đó. Nếu nước sạch có các chỉ số an toàn cao hơn và được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng; thì nước hợp vệ sinh được hiểu là nước không màu, không mùi, không vị, không chứa các thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Tuy nhiên, trong thực tế, các nguồn nước tự nhiên gồm cả nước mặt (ao hồ, sông ngòi) và nước ngầm (giếng khơi, giếng khoan...), vốn được người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, hiện đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rất cao. Bởi nhiều nguồn xả thải trong sản xuất công nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trong nông nghiệp, hay tình trạng rác thải sinh hoạt gia tăng... đang là những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước. Trong khi đó, việc sử dụng nguồn nước tự nhiên đã trở thành thói quen của đại đa số người dân nông thôn. Hơn nữa, nguồn nước này có thể khai thác, sử dụng mà không phải trả phí như khi sử dụng nước sạch. Chính thực trạng hay thói quen này, đang và luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]