(Baothanhhoa.vn) - Bỏ ra số tiền và tài sản lớn mà cả đời dành dụm để đầu tư vào làm vườn, vài năm sau, vợ chồng lão nông có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự chế thuốc trừ sâu bằng thảo dược, lão nông thu hàng trăm triệu đồng/năm

Bỏ ra số tiền và tài sản lớn mà cả đời dành dụm để đầu tư vào làm vườn, vài năm sau, vợ chồng lão nông có thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.

Tự chế thuốc trừ sâu bằng thảo dược, lão nông thu hàng trăm triệu đồng/năm

Thuốc trừ sâu bằng thảo dược ông Phú tự bào chế.

Khởi nghiệp ở tuổi 60

Phải mất kha khá thời gian chúng tôi mới có thể gặp được ông Lê Khắc Phú, sinh năm 1954, tại xã Đông Minh (Đông Sơn). Không phải vì đường sá xa xôi mà vì lão nông U60 này đã quá bận rộn với công việc làm nông và bốc thuốc. Vừa tất tả đi thả trâu, ông Phú lại lật đật ra thăm vườn cây ăn quả, cây dược liệu. Thấy bóng chúng tôi trên bờ ruộng, ông nói vọng lên: “Mấy năm nay quen với ruộng đồng, ngày không đảo qua vài lần thì không chịu được, chẳng may có chuyện gì mình còn xoay xở kịp”.

Thấy chồng bận rộn chăm sóc vườn cây ăn quả, bà Đinh Thị Lên, vợ ông Phú cũng lặng lẽ đem ít thức ăn cho đàn gà rồi mới vào nói chuyện với khách. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra trong thời gian ngắn nhưng hết sức thú vị. Vợ chồng ông Phú vốn không phải nông dân. Năm 2016, ông về hưu mới chính thức thành nông dân. Nhưng khác với những nông dân bình thường, cách làm nông của ông Phú mới nhìn có lẽ nhiều người sẽ thấy có gì đó “kỳ quái”. Đó là việc ông tự tay bào chế thuốc trừ sâu sinh học từ tỏi, gừng, ớt và một số cây dược liệu khác để tưới, phun cho cây trồng.

Theo lời bà Lên, năm 2013, bà nghỉ hưu, ông Phú chủ động bàn với bà kế hoạch về quê mở trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Như vậy, sẽ có nguồn thực phẩm tươi sạch đảm bảo cho sức khỏe gia đình, đồng thời thỏa mãn niềm đam mê trồng trọt của ông. Ban đầu, bà và các con cật lực phản đối, bởi công việc làm nông vốn vất vả mà ông bà thì đã có tuổi. Tuy nhiên, ông Phú vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Ban ngày đi làm, tối về ông Phú lại miệt mài bên sách vở để tìm hiểu những kiến thức về nông nghiệp. Những ngày nghỉ, ông tranh thủ đi tham quan, học hỏi tại những trang trại lớn ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, ông cũng nghe ngóng, tìm thuê đất sản xuất. Tất cả mọi việc đều được ông lên kế hoạch cụ thể. Địa điểm mà ông chọn là một khu đất tạp tại thôn 5, xã Đông Minh. Ngoài những lần họp tập trung ở xã, ông phải tới từng nhà để vận động người dân cho thầu lại đất. Trước sự nhiệt tình, tha thiết của ông, 5 hộ dân thuộc HTX dịch vụ Đông Minh đã đồng ý cho ông thầu lại 1 ha đất tạp.

Nhìn chồng chạy ngược chạy xuôi, bà Lên không nỡ để chồng vất vả một mình nên cũng miễn cưỡng đồng ý. Nhận được cái gật đầu của vợ, ngay lập tức, toàn bộ số tiền hai vợ chồng tích góp phòng khi về già được mang ra để thuê đất. Ngoài ra, ông bà còn vay mượn thêm ngân hàng, huy động người thân, bạn bè hỗ trợ để lấy tiền san ủi, cải tạo đất trồng cam Vinh, bưởi Diễn, nhãn, chuối. Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, sau khi nghỉ hưu, ông quyết định bán nhà trên thành phố, tiếp tục đầu tư 4 ha đất xung quanh để phát triển thêm mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Có ruộng đất tập trung, ông Phú thỏa sức hiện thực hóa những ý tưởng đã ấp ủ bấy lâu. Ông Phú một mình lặn lội ra tận tỉnh Hưng Yên tìm mua các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương về canh tác. Diện tích trồng cây ăn quả, khu vực chăn nuôi, kho chứa dụng cụ sản xuất được thiết kế bài bản, hợp lý. Tuy vậy, phần đất ông Phú thuê không được như ý muốn. Nắng thì đất chai cằn, khô như móng gà, còn mưa thì sình lầy, nhão nhoét, rất khó canh tác. Để khắc phục, ông đào ao, lắp đặt thêm máy bơm để điều tiết nước tưới tiêu. Hiện, trang trại của ông có khoảng 350 gốc cây ăn quả các loại, như: Bưởi, cam, ổi... vườn cây dược liệu, ruộng trồng lúa, trồng các loại rau quả sạch, như: Bầu, bí..., ao nuôi cá và dãy chuồng gia súc kiên cố với 11 con trâu, lợn và gà. Ông Phú tiết lộ: “Tôi làm mô hình theo kiểu vòng tròn. Đầu tiên đào ao thả cá và thả bèo, khi bèo phát triển vớt lên ủ cùng phân chuồng tạo phân hữu cơ bón vào gốc cam, bưởi. Tôi cũng không phun thuốc diệt cỏ, để cỏ dưới gốc tạo mát cho cây và khi cỏ tốt cắt về làm thức ăn cho trâu, cá...”.

Đặc biệt, trên mỗi cây bưởi ông Phú chỉ để từ 5-10 trái, mỗi trái dùng túi nilon bọc tránh ánh nắng trực tiếp soi vào làm nám, cũng như ngăn không cho sâu hại tấn công vào bên trong quả. Cam, bưởi bị ngập nước cây sẽ thối rễ, khô hạn quá cây cũng kém phát triển, ông dùng máy lên luống cao để thoát nước, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước tự động dưới gốc cây phòng khi khô hạn. “Bỏ ra chi phí lớn để xây dựng và thu nhập chưa được nhiều nhưng tôi xác định hiệu quả của trang trại là ở tương lai. Chắc chắn rằng, với công sức, tiền bạc mình đã bỏ vào thì sẽ mang lại thành công như mong đợi. Có thể xem đây giống như của để dành chúng tôi làm ra, phần cho con cháu” - ông Phú bộc bạch.

Đến sáng chế có một không hai

Điều đặc biệt, ông Phú làm vườn nhưng luôn nói không với thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu các loại. Để bảo vệ cây và tăng năng suất, ông tự mày mò chế thuốc trừ sâu từ cây cỏ trong vườn. Theo lời ông Phú, gia đình ông có nghề bốc thuốc nam gia truyền. Bản thân ông cũng yêu thích việc nghiên cứu cây thuốc và chữa bệnh. Ngày còn làm việc trên thành phố, ông cũng đã chữa bệnh xương khớp cho nhiều người, giúp nhiều mảnh đời thoát khỏi lưỡi hái tử thần bởi bệnh tiểu đường. Bỏ phố về quê, thời tiết thay đổi liên tục khiến cây cối bệnh tật hết đỏ lá lại rầy nâu... người dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc để bảo vệ cây trồng. Thuốc vừa hại cho người trực tiếp phun vừa nguy hiểm đến sức khỏe khi người dân sử dụng. Ngẫm thấy cảnh dân ta làm khổ ta, ông đã tự tay chế thuốc diệt trừ sâu bằng thảo dược mà không hại đến con người.

Lúc đầu người ta thấy ông Phú đi thu gom tỏi, ớt, dược thảo về mò mẫm, ai ra vào cũng đều bảo “rảnh việc”, bỏ ngoài tai những lời rèm pha, khi đủ thời gian ngâm ủ, thuốc ngấm đủ độ, ông đem phun cho vườn nhà mình. Sau một đêm, sâu chết rụng trắng đất. Từ đó mọi người mới bắt đầu tin vào “lão nông gàn dở” này.

Nói về nguyên liệu và cách pha chế ra thứ thuốc trừ sâu đặc biệt này, ông Phú tiết lộ: “Chỉ là những thứ dễ kiếm chứ không cao sang gì, bao gồm: 1 kg tỏi + 1 kg gừng tươi + 1 kg ớt tươi giã nhỏ + một vài loại thảo dược đặc biệt + 5 lít rượu 40 độ ngâm trong 15 ngày đến 2 tháng là có thể mang ra sử dụng. Khi dùng, pha 2 lít dung dịch “thuốc sâu” với 120 lít nước phun đều cho cây. Sau 1 tuần phun lại, sâu sạch hẳn. Ưu điểm của loại thuốc này là đặc trị loại sâu cuốn lá. Thời gian phun thuốc diễn ra vào thời kì cây ra hoa, ra lộc”.

Thuốc sâu dược liệu có vị cay nồng của ớt và gừng, đặc quánh mùi thuốc bắc, không kích thích, không nấm. Ông Phú tâm sự: “Nó là thuốc nên có nhiều công dụng lắm, có lần tôi đang đi phun thuốc thì thấy đau bụng, tôi liền mở nắp bình phun lấy nước thuốc đó xoa vào bụng, một lúc sau bụng dịu hẳn”.

Để chủ động thêm nguồn nguyên liệu bào chế thuốc trừ sâu sinh học và thuốc nam chữa bệnh, dưới tán cây ăn quả ông Phú còn trồng thêm một số cây dược liệu khác như: Hương nhu, xạ can, ngải cứu, xấu hổ...

Ngoài ra, ông Phú còn bón đậu tương xay và ủ cá lấy nước tưới cho cam, bưởi để cây tốt, quả ngọt, hạn chế sâu bệnh. Ông Phú chia sẻ: “Đây được coi là đạm thực vật, không có loại phân bón nào tốt bằng đậu tương và nước ủ cá. Theo tìm hiểu của tôi, đậu tương chứa một hệ vi sinh vật có lợi rất phong phú, cho nên ngoài công dụng cung cấp nguồn dinh dưỡng toàn diện thì nó còn có vai trò như một chất dẫn, chất xúc tác, hỗ trợ, tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây. Ngoài ra, vì là phân bón hữu cơ nên đậu tương hoàn toàn không ảnh hưởng đến đất, thậm chí còn bảo vệ độ phì và hệ đệm sinh học của đất, từ đó giúp cải tạo đất, bảo vệ đất không bị biến tính và giảm chất lượng sau mỗi mùa vụ khai thác”.

Kết quả của cách chăm sóc “lạ”, năm 2018, trang trại của ông Phú thu hái khoảng 6 -7 tấn cam, bưởi. Tổng thu nhập hơn 5 ha trang trại trồng bưởi, cam và chăn nuôi trâu, nuôi cá mỗi năm cũng được từ 500 - 600 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 200 - 300 triệu đồng... Dự kiến, với cách chăm bón này, sản lượng cam dự báo có thể tăng lên gấp đôi sau khoảng 2 năm tới. Chưa kể, vì không dùng hóa chất, trái cây trong vườn nhà ông Phú luôn tươi ngon theo tự nhiên nên giá bán cao hơn nhiều so với giá ngoài thị trường.

Với mô hình trồng cây ăn quả nói không với thuốc trừ sâu hóa học của gia đình, mỗi năm các tổ chức hội lấy trang trại của gia đình ông Phú làm điểm, mở lớp tập huấn, tham quan, người dân trong tỉnh tìm đến học hỏi.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hoàng Duy - 09:46 04/11/19

 Trả lời

Anh chị cho em xin địa chỉ của nhà bác với ạ.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]