Chiều 21/5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đặc xá với phạm vi sửa đổi 18/36 điều và bổ sung 3 điều mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trình Quốc hội thay đổi điều kiện và đối tượng đặc xá

Chiều 21/5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đặc xá với phạm vi sửa đổi 18/36 điều và bổ sung 3 điều mới.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, hạn chế lớn trong công tác thi hành Luật Đặc xá thời gian qua là số lượng người được đặc xá trong mỗi đợt là khá lớn, chưa thể hiện rõ tính đặc biệt trong việc hưởng ân huệ của người đứng đầu Nhà nước đối với người phạm tội.

Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự án luật chỉ ra rằng, cả tờ trình và nhất là báo cáo tổng kết chưa phân tích cụ thể, rõ ràng hạn chế này xuất phát từ những quy định cụ thể nào của luật hiện hành để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Dự thảo luật sửa đổi lớn về chính sách đặc xá, nhất là việc thay đổi điều kiện và đối tượng đặc xá… nhưng báo cáo đánh giá tác động mới chủ yếu so sánh quy định về đặc xá với quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện mà chưa đánh giá rõ tác động của việc thay đổi các quy định này.

Đi vào các điều kiện được đặc xá (khoản 1 điều 10), báo cáo thẩm tra cho biết so với luật hiện hành có hai điều kiện giữ nguyên và hai điều kiện sửa đổi.

Cụ thể, điều kiện thứ ba tại luật hiện hành là đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân. Dự thảo luật sửa thành: đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân.

Điều kiện thứ tư, luật hiện hành quy định đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch Nước quyết định thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

Dự thảo luật sửa thành: người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác; trừ trường hợp được Chủ tịch Nước xem xét, quyết định đối với khoản tiền phạt bổ sung, án phí; có văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến uỷ ban này cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt. Khoản 1 điều 10 của dự thảo luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại điều 66 của Bộ luật Hình sự.

Nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự thảo luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn thì sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa.

Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn thì sẽ không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian qua.

Vì vậy, ý kiến này cho rằng trong khi Nhà nước ta đang có đồng thời nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù thì để quán triệt đúng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và khắc phục được hạn chế của công tác đặc xá như thời gian qua, dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng chỉ quy định đặc xá đối với các trường hợp tại khoản 2 điều 10 của dự thảo Luật.

Theo đó, về đối tượng chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…

Về điều kiện thì phải đáp ứng các điều kiện: có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án thì nên quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện quy định tại điều 66 của Bộ luật Hình sự.

Về điều kiện đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định chỉ áp dụng điều kiện này với đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định. Dự thảo luật sửa đổi theo hướng đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ: quy định như vậy dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội.

Mặt khác, về bản chất, đặc xá là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người chấp hành án phạt tù, bên cạnh ý nghĩa là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước thì chế định đặc xá còn có mục tiêu khuyến khích người chấp hành án phạt tù cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

Việc đặc xá cũng tạo cơ hội cho họ sau khi được trả tự do có điều kiện lao động để thi hành nghĩa vụ dân sự. Việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Do vậy, đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng quy định này.

Theo Baodautu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]