(Baothanhhoa.vn) - Tương thân,  tương ái là một trong những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống của con người Việt Nam, thấm sâu trong các gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng xã hội từ thế hệ này đến thế hệ khác, tạo nên một sức mạnh to lớn để Nhân dân ta vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Và giá trị nhân văn ấy lại một lần nữa được nhân lên trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bằng những hành động thiết thực để chung tay cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi đại dịch...

Tinh thần tương thân tương ái: Sức mạnh trong “cuộc chiến” chống COVID-19

Tương thân, tương ái là một trong những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống của con người Việt Nam, thấm sâu trong các gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng xã hội từ thế hệ này đến thế hệ khác, tạo nên một sức mạnh to lớn để Nhân dân ta vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Và giá trị nhân văn ấy lại một lần nữa được nhân lên trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bằng những hành động thiết thực để chung tay cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi đại dịch...

Tinh thần tương thân tương ái: Sức mạnh trong “cuộc chiến” chống COVID-19Đoàn viên, thanh niên xã Quảng Bình (Quảng Xương) tham gia nấu cơm cung cấp cho người dân trong khu vực cách ly tập trung của huyện.

Ấm áp tình người trong khu vực phong tỏa

Tối 5-6, 57 hộ/208 nhân khẩu của phố Trung Sơn, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) phải phong tỏa tạm thời vì có ca tái dương tính với SARS-CoV-2. Các lực lượng chức năng của huyện đến lập 4 chốt giám sát phong tỏa khu vực với chỉ đạo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khiến cho nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh; mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán của khu phố bị đình trệ... Nhưng rồi sự bất an, lo lắng ấy cũng dần được giải tỏa khi cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, UBND thị trấn Bút Sơn phân công tổ hậu cần phục vụ nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong phạm vi phong tỏa.

Chị Dương Thị Quế, chi hội trưởng chi hội phụ nữ phố Trung Sơn, chia sẻ: “Từ 6h đến 8h sáng hằng ngày là các chị đi chợ mua đồ cho các hộ dân. Công việc tuy không chiếm nhiều thời gian nhưng vì thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt nên cũng thấy bận rộn. Nhất là ngày 5-5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ) nhiều gia đình nhờ đi mua đồ từ 2 đến 3 lần... Mỗi lần mua đồ xong, các chị mang về để vào vị trí quy định rồi gọi điện cho các gia đình ra lấy. Vì dịch bệnh nên các chị cứ bỏ tiền ra đi chợ rồi sau này thanh toán với các hộ sau”.

Bữa cơm nghĩa tình nơi cách ly

Bình thường mỗi ngày Nhà hàng Sơn Đạt thuộc Công ty Hoàng Bắc đóng trên địa bàn xã Quảng Bình (Quảng Xương) đón khoảng 50 lượt xe khách lưu thông trên Quốc lộ 1A dừng nghỉ ăn cơm, mua hàng...; doanh thu mang lại hàng chục triệu đồng. Nhưng từ khi nghe tin trên địa bàn xã có các trường hợp liên quan đến bệnh nhân COVID-19 phải đi cách ly tại khu cách ly tập trung của huyện, chủ nhà hàng đã quyết định ngừng kinh doanh để cùng cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và các nhà hảo tâm chung tay phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù không kinh doanh nhưng bên trong quán lúc nào cũng có người ra, người vào – họ là những nhân viên của quán, những cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên hàng ngày đến quán để phụ giúp việc nấu cơm, thức ăn cho những người dân trong khu cách ly.

Không ai bảo ai, mỗi người một việc, người thì nhặt rau, pha chế thức ăn, người lo nấu cơm, thức ăn; người cho đồ ăn vào hộp; người bỏ hộp cơm vào túi nilon và chuyển ra xe... Bí thư đoàn xã Quảng Bình - Phạm Mạnh Hiệp cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin, xe khách Tuấn Hùng mang BKS 27B – 000.75 đi từ Nghệ An ra và dừng ăn cơm tại quán cơm Sơn Hà, xã Quảng Bình từ 20h – 21h30 ngày 20-5, trên xe có ca dương tính với SARS – CoV-2, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng tăng tốc rà soát, truy vết nhanh các trường hợp liên quan đến trường hợp F0 nói trên để lấy mẫu bệnh phẩm và đưa đi cách ly tập trung tại khu vực cách ly của huyện tại xã Tiên Trang.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Quảng Bình đã đoàn kết, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian từ 27-5 đến 6-6, các tổ chức đoàn thể chính trị trong xã đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ được 200 kg gạo, 200 kg rau và các nhu yếu phẩm cùng với Công ty Hoàng Bắc và Công ty Hùng Cường nấu 560 suất ăn tổng trị giá là 30 triệu đồng, cung cấp những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung của huyện. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã trao tặng trang phục bảo hộ, khẩu trang, găng tay y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của xã.

Đoàn thanh niên là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch; ngoài tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đoàn xã còn tổ chức cho đoàn viên vệ sinh môi trường, tham gia công tác hậu cần cùng lực lượng quân đội tại các khu cách ly tập trung, chủ động đảm nhận việc chuẩn bị các bữa ăn phục vụ tại khu cách ly, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhu yếu phẩm, bổ sung vào bếp ăn tình nguyện.

Theo số liệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 30-6, sau hơn 1 tháng phát động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ của 690 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền và hàng trị giá hơn 59 tỷ 860 triệu đồng (trong đó, tiền mặt hơn 58 tỷ 510 triệu đồng và hàng hóa trị giá 1 tỷ 350 triệu đồng) cho công tác phòng, chống dịch.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]