(Baothanhhoa.vn) - Cứ mỗi dịp sau tết, tại nhiều chùa, phủ ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh lại tổ chức các hoạt động làm lễ đầu năm, dâng sao giải hạn. Đây là một phong tục, là tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, song, trong hoạt động này đã và đang có những yếu tố mê tín dị đoan cần dẹp bỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm lễ đầu năm, dâng sao giải hạn:

Tín ngưỡng hay mê tín dị đoan

Tín ngưỡng hay mê tín dị đoan

Buổi lễ đầu năm, dâng sao giải hạn luôn đông nghịt người tại một ngôi chùa nổi tiếng.

Cứ mỗi dịp sau tết, tại nhiều chùa, phủ ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh lại tổ chức các hoạt động làm lễ đầu năm, dâng sao giải hạn. Đây là một phong tục, là tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, song, trong hoạt động này đã và đang có những yếu tố mê tín dị đoan cần dẹp bỏ.

Tràn lan dịch vụ làm lễ đầu năm, dâng sao giải hạn

Đã từ lâu, người dân luôn tin rằng bất cứ ai cũng được một sao chiếu mệnh tương ứng với mỗi năm. Nếu năm đó gặp sao tốt thì sẽ được may mắn, thuận lợi trong cuộc sống, ngược lại nếu sao xấu chiếu mệnh thì sẽ gặp nhiều vận hạn, đen đủi, ốm đau, bệnh tật... khiến người đó khốn đốn, chật vật. Với quan điểm đó, mỗi khi có sao xấu chiếu mệnh thì phần lớn mọi người sẽ bất an, lo lắng cho chính mình và gia đình. Để tránh những xui xẻo, vận hạn trong nhà, nhiều người đã tìm đến thầy cúng, đến các điểm thờ tự để làm lễ dâng sao giải hạn, mong tìm được sự bình yên, may mắn suốt cả năm.

Đáp ứng nhu cầu này, tại một số ngôi chùa lớn và cả những đền, phủ... trên địa bàn tỉnh, dịch vụ làm lễ đầu năm, dâng sao giải hạn diễn ra một cách sôi nổi với lịch dày đặc vào những tháng đầu năm. Đây được xem là việc làm mang màu sắc mê tín, đi ngược lại với giáo lý nhà Phật nên cần được dẹp bỏ. Trên thực tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sau khi ban hành công văn yêu cầu không đốt vàng mã ở những nơi thờ tự của Phật giáo cũng đã có văn bản yêu cầu các chùa chỉ tổ chức lễ cầu an chứ không làm lễ dâng sao giải hạn, tránh mê tín dị đoan, tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh... Tuy vậy, hiện nay tại một số lễ hội, cơ sở thờ tự, di tích, hoạt động tổ chức dâng sao giải hạn có thu tiền vẫn không có dấu hiệu giảm.

Vẫn như mọi năm, tại một ngôi chùa khá nổi tiếng ở TP Thanh Hóa ngay từ những ngày đầu năm mới, nơi đây đã tiếp nhận nhiều người đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Phòng đăng ký vào những buổi sáng luôn có người ra vào chờ đến lượt. Người phụ nữ đã đứng tuổi liên tục ghi chép thông tin của những người đến đăng ký khiến quyển sổ cứ mỗi lúc một dày đặc danh sách. Sau khi đăng ký và nộp tiền, mỗi người được phát 1 tờ giấy hẹn ngày giờ đến làm lễ. Được biết, từ ngày mùng 8 tháng giêng, nhà chùa đã bắt đầu làm lễ. Mỗi ngày có tới hàng trăm người tham gia. Có ngày nhà chùa tổ chức 3 buổi lễ mới đủ đáp ứng lượng khách đã đăng ký.

Cầm trên tay tờ giấy ghi tên tuổi của từng người trong 5 hộ gia đình, chị Lê Thị Nga, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) nói với chúng tôi: Chị tới để đăng ký làm lễ đầu năm giúp 5 hộ đều là anh em bạn bè. Năm nào mấy gia đình cũng rủ nhau đến chùa làm lễ cho may mắn, tránh mọi vận hạn trong năm. Về giá cả thì vẫn như những năm trước, mỗi hộ gia đình sẽ đóng 300.000 đồng để nhà chùa đứng ra mua sắm đồ lễ cũng như chi phí mọi việc cho cả buổi lễ.

Đến một phủ thuộc phường Đông Sơn được nhiều người dân địa phương tìm đến mỗi dịp đầu năm làm lễ, chúng tôi gặp chị H. ở phường Trường Thi đang đăng ký cầu an giải hạn đầu năm cho cả gia đình. Trao đổi với chúng tôi, chị H. cho biết từ 7 năm nay, cứ mỗi dịp ra giêng, chị lại đăng ký làm lễ cầu an giải hạn cho cả gia đình. Năm nay chị bị sao Kế Đô chiếu mệnh nên rất lo lắng cho sức khỏe và vận hạn của mình. Chồng chị cũng gặp hạn phải làm hình nhân thế mạng nên chị đăng ký làm trọn gói cho cả gia đình. Tiền nộp để làm lễ là 500.000 đồng. Nói chung, mức giá này là chấp nhận được vì so với nhiều người mời thầy về giải hạn tại nhà thì số tiền này chỉ bằng một phần nhỏ thôi. Làm ở đây vừa nhanh gọn không phải mất công mua lễ sửa soạn lại không quá tốn kém.

Kỹ tính hơn, nhiều gia đình thường mời thầy về nhà làm lễ. Theo danh sách được thầy kê sẵn, họ phải dành nhiều ngày để chuẩn bị, mua sắm vàng mã, hoa quả, làm cỗ bàn và mất cả ngày để làm lễ. Chi phí cho mỗi khóa lễ dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy theo điều kiện mỗi gia đình. Nhìn chung, ngoài lễ cầu an thì thủ tục không thể thiếu đó là dâng sao giải hạn...

Xóa nỗi ám ảnh sao tốt, sao xấu

Theo tìm hiểu, cúng sao giải hạn là một tín ngưỡng dân gian, không xuất phát từ giáo lý nhà Phật. Theo nghi lễ Phật giáo, vào dịp đầu năm mới, chùa chiền, tự viện sẽ tổ chức lễ cầu quốc thái dân an, tụng kinh để cầu mong sự an lành. Đây là nghi lễ chính thống của Phật giáo. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều ngôi chùa, việc cúng sao giải hạn vẫn diễn ra thường xuyên vào mỗi dịp xuân về. Việc này dễ gây nên biến tướng trong niềm tin Phật giáo ở người dân và sự không thống nhất trong nghi lễ nhà Phật.

Trăn trở về vấn đề này, Đại đức Thích Trúc Thông Tánh, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, khẳng định: “Đạo Phật là đạo trí tuệ, dạy con người luôn phải học đi đôi với thực hành, nhìn nhận thế giới, sự vật bằng những đánh giá khách quan, khoa học. Đạo Phật không dạy người ta đến chùa để “xin - cho” mà hướng tất cả chúng sinh phải tự “cho” mình những điều tốt đẹp, cuộc sống bình yên bằng cái tâm hướng thiện và những hành động đẹp, chuẩn mực, vị tha, nhân ái. Trong Phật giáo không quan niệm có sao tốt hay sao xấu ảnh hưởng đến cuộc sống của con người mà tất cả hạnh phúc hay khổ đau đều do những việc làm ra hằng ngày của chính bản thân mỗi người. Đó chính là luật “nhân – quả”. Một người khi đã làm việc xấu, dù có sắm lễ rình rang để giải hạn cũng chỉ là vô ích. Ngược lại nếu sống nhân hậu, có cái tâm trong sáng và luôn nỗ lực rèn giũa, trau dồi mỗi ngày thì ắt những điều tốt đẹp sẽ tự đến mà chẳng cần phải lễ bái cho tốn kém tiền của. Chính vì vậy, chúng tôi không bao giờ làm lễ dâng sao giải hạn hay bất cứ lễ nghĩa gì mang màu sắc mê tín dị đoan. Mỗi dịp đầu năm, Thiền viện chỉ tổ chức các buổi cầu an để cầu cho quốc thái dân an, nhân dân thái bình. Và mỗi khi đến đây nghe kinh giảng đạo, không ai phải bỏ tiền để trả bất cứ một khoản gì cho chùa. Việc cúng dường lên Tam Bảo là tùy tâm, không bắt buộc. Điều quan trọng nhất là mỗi người sẽ học được ở Đức Phật những điều tốt, điều thiện để đối xử với nhau nhân ái, hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

Lý giải cho nguyên nhân vì sao việc dâng sao giải hạn không phải là giáo lý nhà Phật nhưng vẫn được các chùa, các sư tổ chức đều đặn vào mỗi dịp đầu năm, Đại đức Thích Trúc Thông Tánh cho rằng: “Trước việc người dân quá tin vào sao xấu, vận hạn, một số chùa đã tổ chức cúng sao giải hạn để người dân an tâm. Mặt khác, mỗi một người đến đăng ký sẽ nộp lại một khoản tiền 300.000 - 400.000 đồng đã đem lại một nguồn thu lớn cho nhà chùa nên các chùa rất khó bỏ dịch vụ này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những công văn về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo nhưng nhiều chùa vẫn làm ngơ không thực hiện. Đây cũng là điều thầy rất trăn trở”.

Người dân thì sẵn sàng chi tiền để đổi lấy sự yên tâm, trấn an về tinh thần. Số tiền các chùa thu được từ hoạt động này rõ ràng không nhỏ. Vì thế, việc dẹp bỏ tục dâng sao giải hạn là điều không dễ. Vậy nên, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn trong việc quản lý, xử lý với những trường hợp vi phạm. Người dân cũng cần chủ động tìm hiểu để tránh tự đưa mình trở thành nạn nhân của những việc làm trục lợi tâm linh.

Minh Anh


Minh Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]