(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, đến tháng 5-2018 toàn tỉnh có trên 7.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 600 đối tượng được cai nghiện tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội (GDLĐXH). Tại đây, 100% học viên sau khi cắt cơn thành công đều được giáo dục pháp luật, chính trị, học nghề, truyền nghề. Tuy nhiên, sau khi cai nghiện thành công, vấn đề giải quyết việc làm giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng đang gặp không ít khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện: Còn nhiều khó khăn

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, đến tháng 5-2018 toàn tỉnh có trên 7.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có trên 600 đối tượng được cai nghiện tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội (GDLĐXH). Tại đây, 100% học viên sau khi cắt cơn thành công đều được giáo dục pháp luật, chính trị, học nghề, truyền nghề. Tuy nhiên, sau khi cai nghiện thành công, vấn đề giải quyết việc làm giúp các đối tượng hòa nhập cộng đồng đang gặp không ít khó khăn.

Các y, bác sĩ phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS) tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng nghiện ma túy về cách điều trị.

Trung tâm Chữa bệnh GDLĐXH số 1, xã Hoàng Giang (Nông Cống) hiện đang quản lý trên 350 đối tượng nghiện ma túy. Trung tâm thường xuyên tổ chức dạy và truyền nghề cho các học viên với các nghề, như: Nề, cơ khí, may, mộc... và coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp học viên có việc làm khi trở về với đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện trở lại. Tại đây, tuy chương trình dạy nghề được tổ chức trong quá trình cai nghiện, nhưng hầu hết những nghề này đều mang tính “trị liệu” là chính chứ chưa thực sự tạo được việc làm cho người nghiện sau cai (NNSC). Chưa kể, khi tái hòa nhập cộng đồng, cơ hội việc làm đối với người đã từng nghiện ma túy rất khó khăn. Bởi, rất ít doanh nghiệp (DN) chịu nhận họ vào làm việc và bản thân NNSC chưa thực sự có ý chí để tự tin tìm việc làm phù hợp, tránh xa môi trường cũ. Cũng có không ít trường hợp do thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình khiến cho quá trình cai nghiện trước đó nhanh chóng thất bại, NNSC lại tái nghiện. Ví như, trường hợp của anh N.V.D, ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), anh D. đã có thời gian cai nghiện 3 tháng tại Trung tâm Chữa bệnh GDLĐXH số 1, tại đây anh đã được học nghề mộc. Sau khi cai nghiện thành công, anh D. trở về địa phương để tìm kiếm cho mình một công việc thích hợp. Tuy nhiên, khi xem hồ sơ của anh các chủ DN đều tìm đủ lý do để trả lại. Anh N.V.T, ở xã Ban Công (Bá Thước) - một trong những học viên vượt lên chính mình, cai nghiện ma túy thành công tại Trung tâm Chữa bệnh GDLĐXH số 2, xã Xuân Phú (Quan Hóa), anh T. chia sẻ: Tại trung tâm chữa bệnh GDLĐXH tôi được học nghề mây giang xiên. Khi về địa phương, tuy tay nghề khá vững, nhưng tìm việc làm cũng rất khó, một phần vì định kiến xã hội với những người như tôi còn nhiều. Tôi đã chủ động tìm đến một số làng nghề xin nhận hàng về nhà làm, nhưng thu nhập quá thấp, không bảo đảm được cuộc sống. Với quyết tâm của mình, tôi đã học nghề cơ khí và hiện đang mở cửa hiệu khung nhôm kính tại nhà có thu nhập khá, cuộc sống gia đình ổn định. Nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi, những người bạn cùng với tôi khi trở về nộp hồ sơ ở một vài công ty nhưng nhiều chủ DN còn e ngại, định kiến với anh em chúng tôi nên nhiều người cũng gặp không ít khó khăn trong tìm việc làm.

Mặc dù trong những năm qua có sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc tạo việc làm cho NNSC vẫn gặp không ít khó khăn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hằng năm, số NNSC có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi và cũng chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân. Dù có nhiều cố gắng và giải pháp nhưng trên thực tế, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NNSC đang gặp phải không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các DN vẫn coi họ là những đối tượng có “lý lịch đen” nên không tiếp nhận. Bên cạnh đó, sau khi học nghề tại các trung tâm chữa bệnh GDLĐXH, họ vẫn chưa có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để tìm và gắn bó với công việc. Đấy là chưa kể đến tình trạng bản thân họ không có nhu cầu học nghề, không muốn lao động, một số người sau cai nghiện không về địa phương gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý... Ngoài ra, công tác dạy nghề cho những đối tượng này mới chỉ được triển khai ở các trung tâm chữa bệnh GDLĐXH mà chưa có sự gắn kết giữa các chương trình dạy nghề với DN nên chưa tạo được nhiều cơ hội việc làm cho NNSC. Ngay cả chính sách cho NNSC được vay vốn để tạo việc làm, chính sách hỗ trợ các DN tiếp nhận các đối tượng vào làm việc còn nhiều vướng mắc về thủ tục, vì vậy, hầu hết NNSC và DN đều chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay này do đặc thù về học vấn, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe và đặc biệt là “mức độ tín nhiệm thấp”.

Thời gian tới, để công tác hỗ trợ, giới thiệu, giải quyết việc làm cho NNSC tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của gia đình người nghiện và cộng đồng giúp họ có cái nhìn tích cực và quan tâm hơn đối với NNSC. Các trung tâm chữa bệnh GDLĐXH cần liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có chuyên môn để hình thành các nhóm nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề cho học viên để khi tái hòa nhập cộng đồng họ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. UBND các cấp và các đoàn thể cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho NNSC tiếp cận các nguồn vốn vay. Các công ty, DN cần có cái nhìn tích cực hơn đối với NNSC và tạo điều kiện cho họ vào làm việc. Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các DN tuyển dụng, hỗ trợ những đối tượng này vay vốn, giúp họ phát triển kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội...


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]