(Baothanhhoa.vn) - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện các hoạt động phòng ngừa và xử lý hành vi xâm hại trẻ em, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường bảo vệ lợi ích hợp pháp của trẻ em trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện các hoạt động phòng ngừa và xử lý hành vi xâm hại trẻ em, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường bảo vệ lợi ích hợp pháp của trẻ em trên địa bàn tỉnh

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại để giúp các em sớm ổn định tâm lý, duy trì học tập và hòa nhập cộng đồng.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em cho cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em và trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em; tập trung thực hiện các hoạt động vận động xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp. Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố duy trì và nhân rộng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các đối tượng xâm hại trẻ em. Tiếp tục thông tin, phổ biến rộng rãi về đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ xử lý, giải quyết các vấn đề về trẻ em (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và Tổng đài điện thoại Ngôi nhà Ánh Dương số 18001744 tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Thanh Hóa) để người dân liên hệ khi có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường và can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường nhằm đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Phát huy vai trò, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục trong việc theo dõi, giám sát để phát hiện các biểu hiện, dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại của học sinh để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp và phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết; Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, không thông tin kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em đến cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ và các thành viên về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong gia đình. Tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến, hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình về kỹ năng phát hiện trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục; trách nhiệm của gia đình trong việc thông báo, tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em đến các cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết. Thực hiện các giải pháp bảo vệ, phòng ngừa xâm hại trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa và việc tổ chức các hoạt động văn hóa bảo đảm cho trẻ em được tiếp cận môi trường văn hóa lành mạnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể có liên quan xây dựng các chương trình, đề án liên quan đến trẻ em do ngành quản lý.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên dành nhiều thời lượng phát sóng các chương trình phổ biến 3 kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là về phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; lên án các hành vi xâm hại trẻ em; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và gia đình của trẻ em bị xâm hại khi đưa tin, bài. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của các cơ sở giáo dục và học sinh. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó: tập trung ngăn chặn các trang web, trò chơi có tính chất bạo lực, khiêu dâm; ngăn chặn, xử lý các trường hợp phát tán các hình ảnh, thông tin làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động về báo chí, xuất bản, thông tin trên mạng Internet và các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet cho trẻ em nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Ban Dân tộc tỉnh đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, thay đổi hành vi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội tại cộng đồng. Phối hợp đôn đốc các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em cho người dân trong các buổi sinh hoạt của thôn, bản. Thường xuyên phối hợp, lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trong các chương trình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, điều trị, tư vấn tâm lý kịp thời cho trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Chỉ đạo Trung tâm Pháp y tỉnh kịp thời giám định đối với trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị xâm hại.

Đề nghị ngành, cơ quan chức năng căn cứ chức năng, quyền hạn của mình phối hợp bảo vệ tốt nhất lợi ích của trẻ em. UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tích cực thông tin, tuyên truyền đến cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình tăng cường trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Thường xuyên triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em và tập trung xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương; thực hiện hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em...

BĐT


BĐT

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]