(Baothanhhoa.vn) - 9 giờ 28 phút, chuyến tàu SE từ Hà Nội đi Sài Gòn kéo những hồi còi dài rời ga Thanh Hóa. Cách ga khoảng 500m, khu dân cư 2 bên đường ray thuộc phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) với nhiều ngôi nhà đã nhuộm màu thời gian mọc san sát. Tiếng vài người phụ nữ hốt hoảng gọi những đứa trẻ tránh tàu đã nhanh chóng chìm vào những thanh âm xình xịch, xình xịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống “thấp thỏm” bên hành lang an toàn đường sắt

9 giờ 28 phút, chuyến tàu SE từ Hà Nội đi Sài Gòn kéo những hồi còi dài rời ga Thanh Hóa. Cách ga khoảng 500m, khu dân cư 2 bên đường ray thuộc phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) với nhiều ngôi nhà đã nhuộm màu thời gian mọc san sát. Tiếng vài người phụ nữ hốt hoảng gọi những đứa trẻ tránh tàu đã nhanh chóng chìm vào những thanh âm xình xịch, xình xịch.

Người dân vô tư đi lại trên đường sắt bất chấp nguy hiểm.

Thế nhưng, khi toa tàu cuối cùng chưa kịp khuất tầm nhìn, nhịp sống bên đường ray đã được thiết lập lại. Người tưới rau, người phơi đồ, trẻ con theo bố mẹ qua lại hai bên đường... Cuộc sống của nhiều hộ dân cứ trôi qua như thế, họ không nghĩ đến nguy hiểm hoặc những nguy hiểm ấy đã trở thành “bình thường”. Bà Lê Thị Nhàng, ngõ 82, đường Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn, cho biết: Vẫn biết sống ngay bên hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng không có sự lựa chọn khác, bởi đa phần dân ở đây đều là người lao động nghèo không có điều kiện chuyển chỗ ở, hoặc là gắn bó từ đời cha, ông tại mảnh đất này. Người lớn thì quá quen với giờ tàu chạy, lo nhất là mấy đứa nhỏ, bất cẩn chút là gặp tai nạn ngay.

Khảo sát tại cung đường sắt qua TP Thanh Hóa tại các phường Tân Sơn, Phú Sơn, Đông Thọ, Tào Xuyên đều có những xóm, ngõ dân cư sống ven theo hành lang đường sắt. Đa phần, những con phố, những ngõ xóm đều cách đường ray tàu hỏa từ 3 - 5 mét. Bà Cao Thị Sơn, trú tại phố Tây Ga, phường Phú Sơn đã ngoài 60 tuổi, sống già nửa đời người bên hành lang đường sắt nên gần như đã quen với sự nóng nực, ầm ĩ của tiếng còi tàu, cái nóng rát da do đường ray hấp nhiệt hắt vào nhà, cái bề bộn chật chội của việc nay làm đường, mai sửa ray của ngành đường sắt... Thậm chí, tuy không nhớ chính xác giờ giấc, lịch trình tàu chạy, nhưng bà biết mỗi ngày có bao nhiêu chuyến tàu, nghe tiếng máy chạy, có thể nhận ra đó là tàu chở hàng hay tàu chở khách... Bà Sơn chia sẻ với chúng tôi: Tất nhiên, người dân sống quanh khu vực này sẽ phải đối diện với những nguy hiểm, nhưng khi quen, hiểu được quy luật và có sự lưu tâm thì sẽ không sao. Bao đời nay, khu vực gần ga này không xảy ra tai nạn với người bản địa.

Tại những khu vực có đường sắt chạy qua, tình trạng người dân dùng đất lưu không trong hành lang an toàn đường sắt để trồng rau khá phổ biến. Bà Lữ Thị Huệ, phố Minh Không, phường Đông Thọ, cho biết: Gia đình tôi và những hộ gần đây sử dụng đất ven đường sắt để trồng rau sạch, song chỉ trồng những giống ngắn ngày, cây thấp, phục vụ sinh hoạt gia đình, không cản trở, vi phạm tới an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trồng rau như vậy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do người dân bất cẩn, mà những luống rau tại khu vực này rất dễ nhiễm các kim loại nặng, nước thải độc hại trong quá trình tàu vận hành. Bên cạnh việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, thì người dân sống hai bên đường sắt thường vì sự tiện lợi mà bất chấp nguy hiểm, tự phát lập nên những đường ngang dân sinh qua đường sắt.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 85 đường ngang dân sinh giao với đường sắt; trong đó, có 72 đường ngang hợp pháp và 13 đường ngang dân sinh mở trái phép. Thực tế cho thấy, những đường ngang được người dân mở ra tự phát, đa phần không có rào chắn, biển báo, đèn tín hiệu nên trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Điển hình, như: Đường ngang ga Yên Thái km 187+ 370 (Nông Cống); đường ngang phía Nam ga Nghĩa Trang (Hoằng Hóa); đường ngang phía Bắc ga Khoa Trường, xã Tùng Lâm (Tĩnh Gia)... Nhiều đường ngang dân sinh từng xảy ra tai nạn chết người, ngành đường sắt đã phối hợp với địa phương rào chắn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bị người dân dỡ bỏ. Tại nhiều điểm đường sắt ngang qua khu dân cư không có rào chắn, không có hành lang bảo vệ, các biển báo cũng thiếu nên người dân thường lơ là, vô tư đi lại ngay trên đường ray. Nguy hiểm luôn rình rập, đó chính là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn thương tâm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa, cho biết: Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ những hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nơi có các tuyến đường sắt đi qua cần xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấm dứt tình trạng nêu trên.

Hơn 120 km đường sắt qua địa bàn tỉnh có hàng nghìn hộ dân sinh sống trong và bên hành lang an toàn đường sắt. Việc người dân làm nhà, sinh hoạt trong hành lang an toàn đường sắt là những hành vi trái phép gây mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Dù chính quyền các địa phương và ngành đường sắt đã có biện pháp tuyên truyền, xử lý song do ý thức xem nhẹ của người dân nên tình trạng tái diễn vi phạm vẫn xảy ra. Bởi vậy, nên chăng các cấp, ngành cần có những biện pháp căn cơ di chuyển, giải tỏa những hộ dân, những khu vực dân sống trong hành lang an toàn đường sắt để những chuyến tàu và cuộc sống của người dân được bình an.

Toàn tỉnh hiện có 85 đường ngang dân sinh giao với đường sắt; trong đó, có 72 đường ngang hợp pháp và 13 đường ngang dân sinh mở trái phép.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]