(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp trở lại Sa Ná - một trong những bản vùng sâu, vùng xa biên giới khó khăn nhất của xã Na Mèo. Từ trung tâm huyện Quan Sơn, chúng tôi ngược rừng, vượt quãng đường quanh co khúc khuỷu hơn 50 cây số vào bản.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sa Ná - mùa xuân đang trở lại

Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp trở lại Sa Ná - một trong những bản vùng sâu, vùng xa biên giới khó khăn nhất của xã Na Mèo. Từ trung tâm huyện Quan Sơn, chúng tôi ngược rừng, vượt quãng đường quanh co khúc khuỷu hơn 50 cây số vào bản.

Sa Ná - mùa xuân đang trở lại

Khu tái định cư của đồng bào Sa Ná. Ảnh: N.A

Trong tâm trí chúng tôi, Sa Ná cách đây khoảng mấy tháng trước hoang tàn, xơ xác, tang thương, bởi cơn lũ kinh hoàng càn quét qua bản như một cơn ác mộng. Đó là đợt mưa lũ hồi đầu tháng 8-2019, nước trên thượng nguồn kéo theo đất đá, gỗ cây ào ạt đổ về, nhấn chìm bản làng trong nước lũ. Suối Son ngày nào êm đềm chảy qua bản Sa Ná, rồi hòa mình vào sông Luồng tưới mát cho đồng ruộng Quan Sơn. Và, hàng ngày người dân nơi đây vẫn dựa vào suối Son để mưu sống, thế mà con nước bỗng chốc trở nên hung dữ khác thường. Hậu quả là 10 người chết, 5 người bị thương, 3 người mất tích; 51 hộ bị sập, trôi nhà hoàn toàn, phải di dời khẩn cấp; ruộng đồng ngập mênh mông nước..., tổng thiệt hại ước tính 121 tỷ đồng. Sự tổn thương ấy, trong lịch sử của đồng bào mình, người dân Sa Ná chưa bao giờ biết đến và phải hứng chịu.

Trong cơn hoạn nạn, tình người hơn bao giờ hết được lan tỏa. Cái tên Sa Ná đã đi vào tâm thức người dân Thanh Hóa cũng như người dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài. Tất cả hướng về Sa Ná với sự sẻ chia, đùm bọc, nghĩa tình. Các lực lượng đã được huy động khẩn trương để bắc cầu phao qua sông Luồng vào bản Sa Ná, tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ đồng bào dựng lại nhà cửa, tìm kiếm người mất tích... Trên tinh thần tương thân, tương ái, tỉnh ta đã phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, hỗ trợ khẩn cấp hàng nghìn thùng mỳ tôm, lương khô, nước uống... UBND huyện Quan Sơn đã tổ chức tiếp nhận và phân bổ 87.525 kg gạo cho 426 hộ, với 1.945 khẩu từ nguồn dự trữ quốc gia. Ngoài ra, từ nguồn chi ngân sách của huyện và sự hỗ trợ từ phía các tổ chức, đơn vị trên khắp mọi miền đất nước, đã cứu trợ cho nhân dân trong vùng lũ trên 20 tấn gạo. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm không quản đường sá xa xôi, lặn lội về tận bản trao tiền và hàng cứu trợ, giúp cho đồng bào ấm lòng trong lúc nguy nan. Ai cũng muốn lên với Sa Ná một lần để chia sẻ, động viên người dân vượt qua nỗi đau thương mất mát. Trong đó, phải kể đến công sức của những nhà báo, phóng viên đã bám chắc địa bàn để nắm bắt tình hình, truyền tải kịp thời thông tin tới người dân cả nước.

Sa Ná - mùa xuân đang trở lại

Khu tái định cư của đồng bào Sa Ná. Ảnh: N.A

Đặt chân trên chính mảnh đất này, nơi cơn lũ đi qua, chúng tôi có thật nhiều cảm xúc. Nơi đây, giờ chỉ còn lại dấu tích của những nền móng đã bị phá bỏ, những ngôi nhà đã được tháo dỡ chỉ còn trơ trọi khung xương; đất đá, cành cây, gỗ củi vẫn ngổn ngang giữa lối đi lại, đồng ruộng bị đất đá vùi lấp chưa thể trở lại màu xanh... Khung cảnh hoang tàn ấy thêm một lần nữa khiến cho chúng tôi chạnh lòng.

Nhưng giờ thì đã khác, một Sa Ná mới đang hồi sinh sau lũ. Khu tái định cư Sa Ná đang mọc lên giữa đỉnh đồi Pom Ngồ, cách nơi ở cũ vài trăm mét. Những dãy nhà sàn gỗ nâu, những dãy nhà xây kiên cố, khang trang, lợp mái tôn chắc chắn được dựng lên, san sát nhau như minh chứng cho sự đoàn kết vượt qua mọi khó khăn của cộng đồng dân bản. Mỗi hộ được giao một căn nhà rộng 240m2, xây theo mẫu chung. Nhiều hộ đã xây thêm bếp, nhà vệ sinh để thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Màu xanh của những ngôi nhà mới cũng chính là mong ước của người dân nơi đây, được sống hiền hòa với thiên nhiên thơ mộng.

Anh Ngân Văn Thêu, phó bản Sa Ná nói với chúng tôi: Bản Sa Ná có 77 hộ, với 340 nhân khẩu, trong đó có 51 hộ bị thiệt hại do mưa lũ gây ra phải di dời đến nơi ở mới. Bản có 3 dân tộc sinh sống là Thái (chiếm 90%), Mường, Kinh. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và khai thác lâm sản phụ như nan tre, luồng. Được sự giúp đỡ của các cấp, chính quyền, tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, đến nay đời sống các hộ dân vùng bị thiên tai đã tương đối ổn định.

Ở cuối dãy của khu nhà liền kề, ông Lương Văn Chon, người may mắn được các lực lượng cứu sống khi mắc kẹt giữa dòng nước lũ, đang cùng các con của mình sắp xếp lại vật dụng trong nhà. Ông Chon xúc động nói: “Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cho gia đình tôi mất hết nhà cửa, đồ đạc. Nhờ sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội, gia đình tôi đã được cấp cho nhà mới. Sau khi chuyển đến ở, gia đình tôi chỉ mong sớm khôi phục sản xuất, có việc làm, đảm bảo thu nhập”.

Cùng dãy với nhà ông Chon là căn nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Yếc. Trên bàn thờ là di ảnh của vợ anh, người đã bị lũ cuốn trôi trong khi vận chuyển đồ đạc giúp cho gia đình người em ruột, để lại hai đứa con thơ. Anh Yếc bùi ngùi nói: “Gia đình tôi được chuyển đến nơi ở mới trên khu đồi cao, nên hoàn toàn yên tâm không còn lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về. Mặc dù không bị thiệt hại về nhà cửa, nhưng gia đình tôi mất đi một người thân yêu nhất. Chúng tôi sẽ phải cố gắng vượt qua nỗi đau, để hòa nhập với cuộc sống mới”.

Được sự chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh, các nhà hảo tâm, công tác khắc phục thiệt hại cho nhân dân vùng lũ đã được vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt. Thực hiện đúng cam kết với Trung ương và tỉnh, đến ngày 30-11-2019 phải có nhà ở cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Trên tinh thần đó, huyện Quan Sơn đã huy động mọi nguồn lực, mọi lực lượng trên địa bàn, đặc biệt có sự tăng cường, chi viện của lực lượng bộ đội Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nên đã vượt tiến độ đề ra. Ngày 25-11 hoàn thành nhà ở, ngày 29-11 bàn giao nhà cho các hộ đến nơi ở mới. Bằng nhiều nguồn hỗ trợ, với tổng số tiền ủng hộ được trên 10 tỷ đồng đã được dành để làm nhà cho bà con. Theo đó, đối với nhà sập, trôi trên 70% được hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà; 50-70% được hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà; 30-50% được hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà. Đối với các hộ có nhà di dời khẩn cấp được hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, các hạng mục công trình mặt bằng, điện lưới, nước sạch sinh hoạt, nhà văn hóa, sân thể thao đã hoàn thành. Các hạng mục chống sạt, đường giao thông nội vùng, công trình nước sạch, thủy lợi, trường tiểu học, trường mầm non cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện thi công gấp rút, phấn đấu trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Lãnh đạo huyện cũng đã có buổi gặp gỡ nhân dân Sa Ná tại khu tái định cư, nhằm ổn định tư tưởng và tạo sự đồng thuận, để bà con yên tâm sinh sống.

Đồng chí Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chia sẻ cho chúng tôi một số tin vui: Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, huyện tổ chức một cái tết ấm áp cho đồng bào Sa Ná, động viên đồng bào vượt qua khó khăn tại nơi ở mới. Huyện giao cho đoàn thanh niên đứng ra tổ chức đêm lửa trại, giao lưu văn nghệ, thăm hỏi tặng quà cho các hộ dân. Ngoài tết, huyện sẽ tổ chức hoạt động hưởng ứng Tết Trồng cây, trồng mới toàn bộ cây xanh, vườn hoa ven đường, tạo điểm nhấn cho bộ mặt của bản, tiến tới xây dựng Sa Ná trở thành bản nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.

Về sinh kế lâu dài, huyện đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ diện tích đất của bản Sa Ná và cơ cấu bố trí giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, khôi phục toàn bộ diện tích đã bị lũ cuốn và vùi lấp. Đồng thời cải tạo, khai hoang mới những diện tích có thể canh tác, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và thủy lợi, khôi phục sản xuất và đời sống cho nhân dân. Huyện sẽ vận động các doanh nghiệp trên địa bàn mở một cơ sở chế biến lâm sản tại Sa Ná, nhằm giải quyết việc làm cho lao động, tạo nguồn thu nhập và giảm nghèo cho đồng bào Sa Ná. Tuy nhiên, huyện cũng mong muốn đề nghị với tỉnh sớm bố trí vốn theo chủ trương được phê duyệt, để thi công và giải ngân đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo phối hợp với các đơn vị cam kết tài trợ, hỗ trợ kịp thời kinh phí để triển khai công tác khắc phục và đưa các công trình vào sử dụng.

Để có một Sa Ná như ngày hôm nay, là thành quả của ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân và sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Vượt qua những khó khăn, thử thách, đi qua bão giông sẽ chỉ khiến cho người dân Sa Ná thêm vững vàng, mạnh mẽ, ngoan cường hơn. Chúng tôi hy vọng, mỗi lần có dịp trở lại Sa Ná, sẽ là một diện mạo mới, sức sống mới của một bản làng đang dần hồi sinh sau lũ. Và, Sa Ná ơi! chúng tôi tin, mùa xuân đang trở lại với bản làng...

Ghi chép của Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]