(Baothanhhoa.vn) - Khi đặt chân đến một vùng đất, người ta vẫn thường nhận định: Muốn hiểu được đời sống vật chất và tinh thần của vùng đất ấy như thế nào chỉ cần ghé vào thăm chợ và quan sát các hoạt động diễn ra ở đó. Dẫu có phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử, nhiều lần sáp nhập và phân chia, diện mạo, không gian, tên làng có thể thay đổi nhưng tinh thần, hồn cốt của đất và người nơi ấy vẫn được lưu giữ trong hình hài chợ, cùng sức sống bền bỉ của những ngày rộn ràng chợ phiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rộn ràng chợ quê

Khi đặt chân đến một vùng đất, người ta vẫn thường nhận định: Muốn hiểu được đời sống vật chất và tinh thần của vùng đất ấy như thế nào chỉ cần ghé vào thăm chợ và quan sát các hoạt động diễn ra ở đó. Dẫu có phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử, nhiều lần sáp nhập và phân chia, diện mạo, không gian, tên làng có thể thay đổi nhưng tinh thần, hồn cốt của đất và người nơi ấy vẫn được lưu giữ trong hình hài chợ, cùng sức sống bền bỉ của những ngày rộn ràng chợ phiên.

Rộn ràng chợ quê

Không khí nhộn nhịp của phiên chợ Quăng – Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Ký ức chợ phiên

Những đứa trẻ sinh ra từ làng, có tuổi thơ đứa nào mà chưa từng một lần trải qua cảm giác mong ngóng mẹ trở về từ phiên chợ quê. Bởi lẽ, mỗi khi trở về từ phiên chợ quê ấy, bên trong cái làn cói, làn nhựa, đôi quang gánh trông đã cũ mèm, quá tải nào thịt thà, cá, mắm, muối bao giờ cũng khéo léo có riêng một góc đựng những thức quà vặt dành cho con trẻ. Là cái bánh đa vừng vẫn còn vương hơi nóng lửa than, là vài xâu nụ quân chín đỏ hay nắm táo bò da xanh mướt, tuy có vị chan chát đặc trưng nhưng chấm đẫy muối ớt lại thấy ngon đáo để. Rồi cũng có khi cả lũ được ăn bánh xèo, bánh cục, bánh lá, bánh khoái hay nắm bỏng ngô... Ngày ấy, lũ trẻ con chỉ chăm chăm đòi mẹ mua quà bánh để thỏa cơn thèm lạt ngây ngô. Chúng nào đâu biết rằng, mỗi đồng quà, tấm bánh ấy đều khiến đôi vai tảo tần của mẹ thêm vất vả, nỗi lòng mẹ trăn trở từng canh khuya.

Phiên chợ quê, không chỉ tồn tại như một hình dung sống động về ký ức tuổi thơ êm đềm của mỗi người. Hơn tất thảy, cái không khí chợ phiên ấy từ lâu đã tạo nên sức thu hút đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu địa – văn hóa quốc tế, trở thành mẫu khảo tả của địa lý nhân văn. Chẳng thế mà C. Robequain khi viết cuốn Tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều trang khảo tả về chợ châu thổ Bắc Trung bộ, trong đó, không khí, diện mạo phiên chợ quê Thanh hiện diện một cách đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa: “Trong các chợ, người ta có thể thấy tập trung tất cả các sản phẩm của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương: Chiếu Quảng Xương và Nông Cống, bồ Bất Căng và Yên Thôn, bị Hoằng Hóa, rổ rá thúng mủng nhiều nơi. Những chum vại lớn tráng men ở thị xã nằm cạnh các nồi mỏng manh và thô ráp của Thổ Phương. Vải tơ và tơ lụa bán từng vuông một. Cách xa một chút, thợ rèn Tất Tác và Trung Lương cặp các thỏi sắt nung đỏ và dùng búa đạp mạnh một cái răng bừa hoặc nắn lại một cái lưỡi liềm”. Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đó, một trong những thứ hàng hóa đặc trưng nhất trong các phiên chợ quê là sản vật, đặc sản địa phương: “Chợ ở trung lưu sông Chu có nhiều cam, chợ Yên Định có nhiều xoài, chợ Bút Sơn nhiều dừa, chợ Đò Lèn nhiều vải. Từ tháng 6 đến tháng 11, việc buôn bán bông ở các vùng đất cao làm thành những đám mây trắng trong các ngày chợ phiên, trừ mùa đông, còn suốt năm, các thúng kén vàng luôn điểm tô cho chợ Quảng Hóa”. Diện mạo, không khí chợ phiên ở quê Thanh hiện diện một cách chân thực, sinh động dưới ngòi bút miêu tả của C. Robequain: “Đây đó bốc lên những luồng khói hăng hắc, một bà già phe phẩy quạt trên một lò than để nướng bánh đa vừng; một người mẹ vừa cho con bú vừa nướng ngô bắp...”.

Chợ phiên - sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo

Xứ Thanh, tuy không có được những khu chợ vốn đã trở thành “đặc sản du lịch” như chợ nổi miền Tây, chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Viềng (Nam Định), chợ đêm Đà Lạt nhưng những phiên chợ quê vẫn luôn hiện diện như đặc trưng kinh tế, nét đẹp văn hóa bản địa. Nếu dụng tâm nghiên cứu, tìm tòi và phát triển, những giá trị dân dã, đời thường này hoàn toàn có thể phát huy được lợi thế, trở thành tiềm năng du lịch cộng đồng độc đáo. Dạo quanh một vài khu chợ trên nhiều vùng đất cổ đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm trên mảnh đất xứ Thanh, thật thú vị khi nhận ra rằng, ký ức về một thời chợ phiên quê Thanh trong những trang khảo tả của C. Robequain, cho đến ngày hôm nay, nhiều giá trị vẫn kiên trì tồn tại.

Rộn ràng chợ quê

Nét đẹp phiên chợ quê gắn liền với hương vị thơm ngon của những thức quà bánh đại diện cho văn hóa ẩm thực địa phương.

Chợ Quăng vốn là khu chợ truyền thống nằm án ngữ tại trung tâm xã Hoằng Lộc – vùng đất cổ danh giá với lịch sử khoa bảng vẻ vang. Tuy nằm trọn trong không gian văn hóa xã Hoằng Lộc nhưng từ xưa đến nay, chợ Quăng không bị bó hẹp trong phạm vi đó mà tỏa ra khắp các hướng, trở thành thị trường trao đổi, buôn bán hàng hóa đắc địa của cư dân 11 xã Đông Nam thuộc huyện Hoằng Hóa. Để đáp ứng nhu cầu giao thương của đông đảo người dân đổ về đây, chẳng kể ngày mưa bão hay nắng thét, chợ vẫn đều đặn họp cả ngày. Và có lẽ, chợ Quăng là một trong ít ỏi những chợ quê còn duy trì được việc họp chợ phiên. Phiên chợ Quăng 5 ngày họp một phiên, khung cảnh nhộn nhịp chẳng khác nào ngày hội. Người buôn, người bán, người mua, ai ai cũng háo hức. Nhiều người ghé vào chợ, tham dự vào cuộc bán buôn chỉ với vài thứ hàng hóa “cây nhà lá vườn”, “của nhà trồng được” nhưng vẫn đong đầy niềm vui. Và có lẽ, vui nhất, đắt khách nhất vào những phiên chợ là hàng quà bánh – nơi bản sắc văn hóa vùng miền hiện hữu một cách chân thực, độc đáo. Chợ phiên vùng đồng bằng quê Thanh làm sao thiếu món bánh khoái tép, bánh nắm, bánh rán, bánh lá... Những nồi gang đỏ lửa từ 4-5 giờ sáng vẫn không đủ hàng để phục vụ thực khách. Mùi thơm tỏa ra từ hàng quán bánh cuốn, bún chả; tiếng nảy mình tanh tách của mỡ nóng già trên nồi gang; tiếng xèo xèo vui tai của dăm ba hàng bánh khoái tráng vội cho khách... Tất cả đủ sức làm nên sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, hứa hẹn hấp dẫn du khách, nhất là du khách vốn đã nhàm chán không gian chật chội, ngột ngạt nơi phố thị hay những vị khách quốc tế ưa hoài niệm, thích trải nghiệm mới mẻ.

Về với những phiên chợ quê không đơn thuần chỉ là cuộc dạo chơi tẻ nhạt, cốt mua cho xong vài đặc sản địa phương về làm quà mà hơn hết, nó còn là “cỗ máy thời gian” đưa du khách trở lại sống cùng ký ức, hoài niệm của chính bản thân mỗi người và văn hóa, lịch sử vùng đất ấy. Đó là cách mà chợ Phủ - Duy Tinh (Hậu Lộc), chợ Chuộng (Đông Sơn), chợ Nưa, chợ Đình (Triệu Sơn), chợ Đón, chợ Hôm Sung, chợ Bút (Hoằng Hóa)... đã, đang và sẽ tồn tại. Ví như vùng đất cổ Tân Ninh (Triệu Sơn), ngoài chợ Nưa còn có chợ Đình làng Đài mỗi năm chỉ mở một phiên vào đúng mùng hai tết. Theo một số tài liệu ghi lại, chợ được xây dựng vào năm 1632, cùng với năm ngôi đình của làng Đài được khởi công, do ông Lê Khả Giáo (con trai đầu của Hoàng giáp Lê Bật Tứ, danh nhân đất Kẻ Nưa) xây dựng. Hằng năm, cứ đến phiên chợ Đình, người dân quanh vùng và du khách thập phương lại lũ lượt kéo đến. Người ta đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa mà còn để du xuân hái lộc, cầu may, mong cho gia đình năm mới an khang, thịnh vượng, cầu được ước thấy... Hiện nay, vào mùng 2 tết hằng năm, chợ Đình làng Đài lại họp nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân và giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của làng quê Cổ Định – Tân Ninh.

Cặn kẽ đi vào đời sống vật chất, tinh thần của chợ mới thấy được rằng, văn hóa bản địa xứ Thanh dung dị, đời thường mà chẳng kém phần duyên dáng, tinh tế. Đây là một trong những tiềm năng du lịch mà nếu được quan tâm, đầu tư xây dựng, khai thác xứng tầm sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh nhà. Tại sao chúng ta phải kỳ công dựng lại những mô hình phiên chợ quê để thỏa mãn sự háo hức, tò mò, thích thú của du khách mà thờ ơ, hờ hững để hoài phí “thực thể sống” sinh động, hấp dẫn, tồn tại ngay trong lòng đời sống văn hóa - xã hội?

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]