(Baothanhhoa.vn) - Xã Nông Trường (Triệu Sơn) không chỉ được nhiều người nhớ đến bởi nơi đây là quê hương của người anh hùng Tô Vĩnh Diện mà còn là vùng đất gắn liền với truyền thống khoa bảng Phương Khê. Sự đan xen giữa không gian trầm mặc của những dấu tích văn hóa xưa cũ với sự đổi thay của một vùng nông thôn mới đã để lại nhiều cảm xúc cho chúng tôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phương Khê - vinh danh đất khoa bảng xứ Thanh

Phương Khê - vinh danh đất khoa bảng xứ Thanh

Đền thờ Nguyễn Hiệu tại vùng đất khoa bảng Phương Khê.

Xã Nông Trường (Triệu Sơn) không chỉ được nhiều người nhớ đến bởi nơi đây là quê hương của người anh hùng Tô Vĩnh Diện mà còn là vùng đất gắn liền với truyền thống khoa bảng Phương Khê. Sự đan xen giữa không gian trầm mặc của những dấu tích văn hóa xưa cũ với sự đổi thay của một vùng nông thôn mới đã để lại nhiều cảm xúc cho chúng tôi.

Không còn là những con đường đất đỏ lầy lội, nhão nhoẹt mỗi ngày mưa xuống hay những nếp nhà cũ ẩm thấp, xã Nông Trường giờ đây như được khoác lên chiếc áo mới tươm tất và tươi sáng hơn. Các công trình dân sinh khang trang, thoáng đãng, đường bê tông sạch đẹp. Từ khu vực trung tâm của xã đến từng thôn xóm nhỏ, cờ đỏ, khẩu hiệu đều được trang trí đẹp mắt. Tất cả cán bộ và Nhân dân trong xã đều đang hân hoan đón chờ sự kiện công nhận xã nông thôn mới.

Phương Khê - vinh danh đất khoa bảng xứ Thanh

Diện mạo mảnh đất khoa bảng Phương Khê hôm nay.

Dẫn chúng tôi thăm lại một vài điểm đến của xã, ông Nguyễn Công Kháng, nguyên chủ tịch UBND xã đã nghỉ hưu nhiều năm chia sẻ: Trước đây, Nông Trường là miền quê nghèo khó, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, diện mạo quê hương đã có nhiều thay đổi. Có lẽ mạch ngầm của sự kiên cường, chịu thương chịu khó trong mỗi người dân địa phương và truyền thống văn hóa lâu đời đã tạo nên sức mạnh để chúng tôi vượt khó, xây dựng nên một miền quê nhiều đổi mới và phát triển.

Trò chuyện với nhiều cao niên trong làng, chúng tôi mới hiểu, trên vùng đất này, từ thuở xưa, việc học hành đã được Nhân dân đặc biệt coi trọng, trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ. Có lẽ vì thế mà cho đến nay, nhắc đến những địa danh này, người ta không quên gắn với những danh hiệu cao quý: “Làng hiếu học”, “Làng khoa bảng”...

Truyền thống khoa bảng ở đất Phương Khê được xây đắp nên từ nhiều dòng họ, nhiều gia đình có người đỗ đạt nhưng nổi danh nhất vẫn là dòng họ Nguyễn Hà. Theo sử sách ghi lại, dòng họ Nguyễn Hà có nguồn gốc từ Hải Dương. Đây là dòng họ nổi danh bởi sự thành đạt về học vấn, trong đó tiêu biểu là vị Quốc sư, Tể tướng, Thái bảo Đại vương Nguyễn Hiệu.

Nguyễn Hiệu sinh năm 1674, đời Vua Lê Gia tông (1671 - 1675). Từ bé, Nguyễn Hiệu đã nổi tiếng là thần đồng và có lòng hiếu lễ với cha mẹ. Năm 21 tuổi, sau khi tham gia các cuộc thi Hương, thi Đình và đỗ đạt, ông được bổ làm quan. Là một vị quan thanh liêm, chính trực, Nguyễn Hiệu được triều đình tin dùng và cho giữ nhiều chức vụ quan trọng và giữ việc dạy học cho con chúa là tế tử Trịnh Giang...

Truyền thống hiếu học của Nguyễn Hiệu đã được người con trai kế thừa. Con trai ông là Nguyễn Hoàn cũng là người thông minh, đỗ đạt. Năm 1743, tại Thăng Long, Nguyễn Hoàn đã xuất sắc đỗ Tiến sĩ, sau đó cũng được giữ nhiều chức vụ trong triều đình và là người thầy dạy học cho chúa Trịnh Sâm. Với vốn kiến thức uyên thâm, Nguyễn Hoàn đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm giá trị mà tiêu biểu là các cuốn: “Đại Việt lịch chiểu đăng khoa lục”, “Cổ lễ nhạc chương thi tập”, “Tiềm long thực lục”...

Kế tiếp những đời sau, trong dòng họ Nguyễn Hà còn có nhiều người thành danh khác. Chỉ tính riêng những người đỗ đạt dưới chế độ phong kiến cũng đã có tới 3 tiến sĩ, 29 cử nhân, 20 tú tài... Tiêu biểu là Nguyễn Thu (1799 - 2855) được bổ làm quan Bố chánh Khánh Hòa, một vị quan thanh liêm với 17 tác phẩm giá trị ở nhiều thể loại văn, sử, địa chí... Đó là Nguyễn Giản (1825 - 1886), người được Nhân dân xứ Thanh hết mực kính trọng vì là vị quan nổi tiếng thương dân, yêu nước. Đó còn là Tiến sĩ Nguyễn Tái (1833 - 1883), người có công dâng kế sách trị nước cho Vua Tự Đức giảm sự nhũng nhiễu của quan lại đối với dân...

Phát huy truyền thống khoa bảng, thế hệ con cháu về sau của dòng họ Nguyễn Hiệu cũng đã gặt hái được nhiều thành tích làm rạng danh tiên tổ. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sáng chế nổi tiếng đã và đang công tác tại các đơn vị trong và ngoài nước là minh chứng cho sự đỗ đạt, thành công trên con đường học vấn.

Với niềm tự hào của một người con sinh ra, lớn lên và lập nghiệp trên mảnh đất này, ông Nguyễn Chức, trưởng ban trị sự dòng họ Nguyễn Hà chia sẻ: “Từ bao đời nay, trong tâm thức của người dân nơi đây, việc học vẫn được xem trọng. Ngay từ bé, các thế hệ con cháu của làng đã nuôi dưỡng ý chí, nghị lực để phấn đấu vươn lên, tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông. Tính đến tháng 10-2020, dòng họ Nguyễn Hiệu chúng tôi có khoảng 114 người được phong học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và hàng trăm cử nhân. Những người đi trước sau khi đỗ đạt, thành danh đều có tinh thần trách nhiệm và quan tâm trở lại với phong trào khuyến học, khuyến tài của quê hương. Đó cũng là cách để con cháu đời sau nhìn vào mà học tập”.

Để tưởng nhớ công lao của Tể tướng Nguyễn Hiệu đối với dòng tộc và quê hương, đất nước, con cháu trong họ đã lập đền thờ ông ngay trên mảnh đất Phương Khê lịch sử. Di tích tuy không quá lớn nhưng toát lên sự cổ kính, trầm mặc và ấm cúng, là nơi để không chỉ con cháu trong họ đến dâng hương mà nhiều người của dòng họ khác cũng đến chiêm bái với niềm tôn kính về một truyền thống hiếu học được khởi phát từ dòng họ Nguyễn.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]