(Baothanhhoa.vn) - Có ai đó từng nói “im lặng là vàng”, hay “im lặng cũng là một hình thức lên tiếng”. Song có những sự im lặng đang vô tình trở thành “kẻ đồng lõa” của tội ác. Và sự im lặng có phần bất lực phía sau câu chuyện của những nạn nhân bị xâm hại tình dục rất đáng để suy ngẫm, thậm chí là đáng lên án.

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em - Trách nhiệm không của riêng ai! (Bài 2): Im lặng - “kẻ đồng lõa” nguy hại

Có ai đó từng nói “im lặng là vàng”, hay “im lặng cũng là một hình thức lên tiếng”. Song có những sự im lặng đang vô tình trở thành “kẻ đồng lõa” của tội ác. Và sự im lặng có phần bất lực phía sau câu chuyện của những nạn nhân bị xâm hại tình dục rất đáng để suy ngẫm, thậm chí là đáng lên án.

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em - Trách nhiệm không của riêng ai! (Bài 2): Im lặng - “kẻ đồng lõa” nguy hại

Trường Tiểu học Ba Đình tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề: Thầy cô nâng bước em vào đời. Ảnh: P.V

Tin liên quan:

Im lặng không đổi được bình yên

Cách đây vài năm, cháu L.T.H. (10 tuổi, huyện T.) bị người hàng xóm thân thiết với gia đình là L.V.Đ. (43 tuổi) xâm hại bằng hành vi dâm ô vùng nhạy cảm. Hành vi này bị người nhà cháu H. phát hiện, song gia đình không tố giác lên cơ quan chức năng mà tìm Đ. để giải quyết. Tuy nhiên, lúc này Đ. đã trốn, vợ của Đ. sau khi biết sự việc đã hứa sẽ không để tội ác tiếp tục xảy ra. Gia đình cháu H. đã tin tưởng vào “sức nặng” của lời hứa và lựa chọn cách im lặng trước tội ác mong có thể bảo vệ danh dự, nhân phẩm và tương lai cho con mình. Thế nhưng hơn 3 năm sau, khi nỗi ám ảnh bị xâm hại của người bị hại vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai, thì Đ. lại tiếp tục xâm hại cháu H. Lần này, đối tượng Đ. đã đe dọa sẽ phát tán những thông tin không hay về cháu H. cho bạn bè, hàng xóm nếu cháu nói cho bố mẹ, người thân biết hành vi của hắn. Nỗi đau thể xác, tinh thần và nỗi sợ hãi dư luận đã khiến H. không dám phản kháng và lựa chọn im lặng. Bởi luôn sống trong sợ hãi, sợ bị xâm hại, bị mọi người công kích, sợ đánh mất danh dự, tương lai... đã khiến cô bé đang độ tuổi 13 không còn vô tư, hồn nhiên nữa. H. sống trầm lặng, thu mình lại, cô độc và yếu thế trong “cuộc chiến” với chính bản thân và với tội ác đã xảy ra với em. Sự cô độc, yếu thế không chỉ đến từ sự thiếu hụt nhận thức, kỹ năng bảo vệ bản thân; mà còn bởi dư luận xã hội như tấm lưới vô hình đang siết chặt lấy cuộc sống của em.

Lợi dụng việc bố mẹ cháu T.TM. (14 tuổi, huyện N.) đi làm xa, M. ở với ông bà, đối tượng N.V.T. đã đe dọa, dụ dỗ và cho cháu M. tiền để thực hiện hành vi xâm hại, nhằm thỏa mãn ham muốn đồi bại của bản thân. Sự việc xảy ra nhiều, nhưng M. không tố giác hành vi tội ác của T. Phải đến khi bố của M. về thăm nhà và phát hiện sự bất thường của con gái, mới vừa động viên, vừa khuyên nhủ để M. nói ra sự thật. Sau một thời gian, M. mới dám kể cho bố biết sự việc. Nhìn “khúc ruột” của mình phải trải qua nỗi đau dày vò và nỗi sợ hãi tột cùng, bố cháu M. đã không nén được uất hận nên đã trình báo cơ quan chức năng. Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, đối tượng T. chỉ bị buộc tội dâm ô với người dưới 16 tuổi, mà không đủ cơ sở pháp lý buộc tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, hay giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Nguyên nhân là do trình báo muộn, các chứng cứ buộc tội không đủ sức thuyết phục. Vậy là cháu M. tiếp tục rơi vào khủng hoảng, sang chấn tâm lý, không thể tiếp tục đi học để theo đuổi ước mơ của mình.

Sự im lặng của H. và M. không phải cá biệt, thậm chí nó đã trở thành sự lựa chọn đầu tiên của nhiều nạn nhân và gia đình. Bởi họ cho rằng, thay vì “vạch áo cho người xem lưng”, thì im lặng là cách giải quyết tốt nhất để bảo vệ con cái khỏi những tổn thương do sự soi mói của người đời, cũng là cách để con được lớn lên “bình thường”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sự im lặng này đôi khi lại trở thành bi kịch khi nó trở thành “kẻ đồng lõa” của tội ác. Bởi, “kẻ thủ ác” hoặc vẫn tiếp tục hành vi đồi bại, hoặc không phải trả giá thích đáng; còn người tổn thương nặng nề cuối cùng vẫn là nạn nhân.

Sự thỏa hiệp nhiều hệ lụy

Sự im lặng của người trong cuộc phải chăng xuất phát từ tâm lý e ngại, thiếu hiểu biết hay thiếu niềm tin vào sự bảo vệ của pháp luật trước hành vi xâm hại tình dục trẻ em? Đây là điều khiến chúng tôi vẫn luôn băn khoăn trong quá trình tìm hiểu vấn đề, cũng như gặp gỡ nạn nhân, gia đình họ và các cơ quan chức năng liên quan.

Thừa nhận rằng, xâm hại tình dục trẻ em là tội ác, nên “kẻ thủ ác” phải bị trừng trị ở mức cao nhất để răn đe. Đồng thời, nạn nhân và gia đình họ cần được quan tâm, bảo vệ, hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư. Song thực tế, trong nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, người bị hại và gia đình họ thường có tâm lý e ngại dư luận, lo sợ khi sự việc bị phanh phui sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm con em mình, cũng như cuộc sống gia đình. Vì vậy, khi xảy ra sự việc, họ thường không trình báo cơ quan có thẩm quyền mà giấu giếm, bỏ qua, hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội. Nhiều vụ việc sau đó chỉ được đưa ra ánh sáng khi đối tượng phạm tội lật lọng, chối bỏ trách nhiệm buộc gia đình nạn nhân phải trình báo. Rồi cũng có không ít trường hợp khi gia đình người bị hại trình báo, thì đối tượng thương lượng bồi thường vật chất nên gia đình nạn nhân có ý định rút đơn; lại có sự việc kẻ gây tội ác “phủi sạch” hành vi phạm tội do thiếu bằng chứng thuyết phục... Thực trạng ấy đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và luận tội của các cơ quan tư pháp.

Quay lại vụ việc của cháu M., ngay khi bị phát giác, đối tượng N.V.T. đã thừa nhận hành vi đồi bại của mình trước gia đình và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau đó đối tượng này lại phủ nhận những hành vi mà trước đó đã thừa nhận. Điều này khiến việc kết luận tội danh gặp không ít khó khăn. Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, cho biết: Qua thực tiễn công tác điều tra, xét xử cho thấy, vấn đề khó khăn nhất trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em là việc lấy lời khai và đánh giá chứng cứ. Do bị hại còn nhỏ, tâm lý chưa ổn định, lại bị nhiều người xâm hại hay bị xâm hại nhiều lần dẫn đến tâm lý khủng hoảng, ảnh hưởng đến tính chính xác của lời khai. Hơn nữa, nếu vụ việc phát hiện chậm, điều tra truy xét không thu giữ được chứng cứ vật chất, sinh học mà thường chỉ có lời khai của bị hại. Do đó, không ít trường hợp “kẻ thủ ác” lúc đầu khai nhận hành vi phạm tội, nhưng sau đó lại thay đổi lời khai, thậm chí là phủ nhận lời khai ban đầu, do cơ quan chức năng không có bằng chứng thuyết phục chứng minh hành vi phạm pháp.

Sự im lặng hay thỏa hiệp đã vô tình tiếp tay cho “kẻ thủ ác” và đẩy những đứa trẻ vô tội phải sống trong nỗi dày vò, tự ti, mặc cảm. Có một nạn nhân bị xâm hại đã lên tiếng: “Xin bố mẹ đừng rút đơn. Con không muốn những bạn gái khác cũng bị như con”. Câu nói đáng để các bậc làm cha làm mẹ, các cơ quan chức năng và xã hội phải suy ngẫm. Đó cũng ví như lời lên án về sự bất lực trong hành động, sự hạn hẹp của nhận thức và nhất là sự ích kỷ của dư luận trước một vấn đề xã hội đang gây nhức nhối. Bởi, nếu mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể giải quyết bằng sự im lặng, bằng lời hứa, hay bằng tiền, thì cái ác hay những hành vi sai trái đã chẳng thể gia tăng. Phía sau một bé gái bị xâm hại tình dục là một tuổi thơ bị đánh cắp. Có những em phải làm mẹ bất đắc dĩ; có những em bị sang chấn tâm lý, xấu hổ, tự ti, mặc cảm kéo dài; thậm chí có em đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi nỗi đau tinh thần dai dẳng.

Vậy nên, khi nạn nhân lên tiếng, hoặc không thể lên tiếng, thì gia đình, chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng phải luôn là chỗ dựa tin cậy để đồng hành cùng con trẻ trên hành trình đấu tranh giành lẽ phải, cũng đồng thời là sự tranh đấu để “thanh lọc” đạo đức xã hội.

(Tên nhân vật và địa danh trong bài đã thay đổi)

Nhóm Phóng viên CTXH

Bài cuối: Lên tiếng vì tương lai con trẻ!


Nhóm Phóng viên CTXH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]