(Baothanhhoa.vn) - Là những “cây đa, cây đề” có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, những năm qua người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh luôn phát huy vai trò “tiên phong” trong việc nêu gương thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh, hiện đại.

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng đời sống văn hóa

Là những “cây đa, cây đề” có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, những năm qua người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh luôn phát huy vai trò “tiên phong” trong việc nêu gương thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh, hiện đại.

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng đời sống văn hóaTiết mục văn nghệ của Hội Người cao tuổi thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa).

Toàn tỉnh hiện có 460.000 hội viên hội NCT sinh hoạt ở 4.393 chi hội. Hiện nay, NCT đang trở thành trụ cột tinh thần vững chãi của gia đình, là tấm gương về đạo đức, lối sống để giáo dục con cháu về các giá trị văn hóa truyền thống từ những điều đơn giản nhất. Đặc biệt, dù tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng nhiều hội viên hội NCT am hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, hay quá trình phát triển của địa phương vẫn đang từng ngày đóng góp công sức để truyền dạy lại các giá trị văn hóa của quê hương mình cho con cháu giữ gìn và phát huy. Điển hình như, NNƯT Phạm Thị Tắng, người dân tộc Mường, sinh ra ở làng Lỏ (còn có cách gọi khác là Lọ), xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc), dù tuổi cao song bà vẫn hằng ngày truyền dạy lại các trò chơi, trò diễn của đồng bào dân tộc Mường, đặc biệt là các nghi lễ thuộc lễ hội Pồn Pôông, nhảy múa, hát xường cho thế hệ sau. Trong ngôi nhà của bà Tắng treo nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành vì đã có nhiều đóng góp cho bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của địa phương. Bà vui vẻ cho biết: Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thầy mo, nên từ nhỏ tôi đã được sống trong không gian thấm đẫm hồn cốt xứ Mường với những điệu múa, lời hát Xường của người Mường. Và rồi, những làn điệu dân ca đó đã ăn sâu vào tâm thức lúc nào không hay. Sau khi lớn lên tôi tích cực học hỏi, rồi tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại nhiều sự kiện do địa phương tổ chức và cũng từ đó đã thuộc làu nhiều làn điệu văn hóa truyền thống của quê hương, nhớ đầy đủ các chi tiết của lễ hội Pồn Pôông là linh hồn dân tộc Mường, với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc... cũng như hệ thống âm nhạc đặc sắc của người Mường như sáo ôi, cồng chiêng... Hiện nay, ngoài việc tham gia biểu diễn tại các sự kiện do địa phương tổ chức, bà Tắng còn tích cực truyền dạy lại cho lớp trẻ để góp phần gìn giữ lại những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Còn với ông Phạm Vũ Vượng, hội viên Hội NCT xã Quang Trung (Ngọc Lặc) bằng niềm đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, hàng ngày không quản nắng mưa, ông đã bỏ nhiều công sức, dành nhiều tâm huyết đi sưu tầm các loại nhạc cụ như sáo, trống, nhị, cồng chiêng, hay các bài hát cổ lưu giữ trong các bản làng của đồng bào dân tộc Mường. Đồng thời, ông cũng thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ dân làng, hay các sự kiện do địa phương tổ chức. Hiện nay, ngoài việc “truyền lửa” cách thức đánh cồng chiêng cho người dân trong xã, huyện, ông còn là “hạt nhân” tích cực truyền dạy cho các em học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện. Với khả năng am hiểu đến mức điêu luyện, ông say sưa chia sẻ với chúng tôi về những kỹ thật đánh chiêng. Theo ông, khi đánh chiêng, tay phải dùng dùi, tay trái lúc chặn vào mặt chiêng, lúc rời khỏi mặt chiêng sẽ tạo ra những âm thanh lúc trầm, lúc bổng, cuốn hút người nghe. Để tiếng nhạc chiêng được trầm hùng, dồn dập, du dương theo điệu nhạc và vang xa, phải đánh chiêng theo sự điều chỉnh độ mạnh, nhẹ của lực tay và chân. Cùng với đó, nghệ nhân diễn tấu chiêng phải nắm bắt rõ về các bài nhạc chiêng, các làn điệu dân ca mà biểu diễn cho phù hợp với từng sự kiện, hay lễ hội...

Chia sẻ về việc hội viên hội NCT trên địa bàn tỉnh quan tâm xây dựng đời sống văn hóa, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Những năm qua, công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT luôn được các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh chú trọng, thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua như “tuổi cao gương sáng”, tham gia lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa hay tham gia công tác hòa giải, truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ... Qua đó, tạo điều kiện cho NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội. Cùng với đó, đời sống tinh thần của NCT luôn được quan tâm chăm sóc, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các chi hội NCT trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng phát triển, thu hút đông đảo NCT tham gia, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, như: thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng bàn, đi bộ... Đến nay, toàn tỉnh đã có 546 xã, phường, thị trấn và gần 880 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; 4.374 câu lạc bộ sức khỏe thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, thu hút 183.200 hội viên tham gia.

Một trong những nét nổi bật trong việc nêu gương sáng về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh của các cấp hội NCT là việc tổ chức mừng thọ đầu xuân được tiến hành vui tươi, trang trọng, tiết kiệm. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 58.562 cụ được tổ chức mừng thọ. Việc tổ chức mừng thọ đầu xuân cùng nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc NCT của gia đình và cộng đồng là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, tô thắm truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc. Đây cũng là hoạt động thường niên được tổ chức dịp đầu xuân năm mới nhằm động viên, tri ân NCT, để các cụ tiếp tục có những cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cùng với đó, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh luôn xác định phong trào xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược, tạo diện mạo nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Những năm qua, phát huy hiệu quả vai trò, uy tín, trách nhiệm, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền, hiến đất, hiến tài sản để mở rộng đường liên thôn, xây dựng nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác. Thông qua đó, đã có hàng nghìn NCT hiến được 317.995m2 đất, đóng góp 382.414 ngày công và 13,313 tỷ đồng, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Với những việc làm thiết thực và ý nghĩa, các cấp hội NCT trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy được vai trò của mình trong việc nuôi dạy con cháu nên người, sống mẫu mực trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử và văn hóa giữa các thời đại, tạo khối đoàn kết vững mạnh tại địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]