(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều chuyến biển lỗ vốn đầu tư, ngư dân còn lo lắng khi nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt trông thấy. Do thu nhập thấp, nhiều thuyền viên đã bỏ nghề khiến các chủ tàu khó khăn trong việc tìm kiếm lao động để đồng hành vươn khơi. Ở nhiều vùng biển, ngư dân còn lo lắng tình trạng cạnh tranh ngư trường khai thác, các đội tàu công suất lớn vẫn ngày đêm “vơ vét” kiệt quệ tôm cá gần bờ...

Nỗi niềm ngư dân...

Không chỉ giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều chuyến biển lỗ vốn đầu tư, ngư dân còn lo lắng khi nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt trông thấy. Do thu nhập thấp, nhiều thuyền viên đã bỏ nghề khiến các chủ tàu khó khăn trong việc tìm kiếm lao động để đồng hành vươn khơi. Ở nhiều vùng biển, ngư dân còn lo lắng tình trạng cạnh tranh ngư trường khai thác, các đội tàu công suất lớn vẫn ngày đêm “vơ vét” kiệt quệ tôm cá gần bờ...

Nỗi niềm ngư dân...Do giá xăng dầu tăng cao, nguồn lợi hải sản suy giảm nên chủ tàu Đỗ Văn Tiếp, phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) xếp ngư lưới cụ nằm bờ sau chuyến biển lỗ tiền dầu.

Từ nhiều tháng qua, các tàu cá công suất lớn đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của các chủ tàu Nguyễn Văn Thảo và Nguyễn Văn Huệ ở các thôn Trung Thịnh và Tân Lập thuộc phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) đã phải nằm bờ. Hết các đợt mưa dầm rồi đến nắng cháy đã làm những con tàu bong sơn, xuống cấp nhiều bộ phận khiến nhiều người không khỏi xót xa. Dẫu biết rằng, lâu ngày không hoạt động, không được bảo dưỡng thường xuyên, những phương tiện hơn chục tỷ đồng này có thể trở thành những... đống sắt vụn. Tuy nhiên, các chủ tàu vẫn phải ngậm ngùi mà không thể vươn khơi. Theo các chủ tàu, càng đi khai thác, càng lỗ vốn đầu tư nên không thể tiếp tục theo nghề. Cùng phường Quảng Tiến, tuy không phải “tàu 67” nhưng phương tiện lớn có công suất 850 CV của ông Trần Chí Phụng ở phố Vạn Lợi cũng đã lỗ vốn gần 100 triệu đồng sau chuyến hành nghề mành chụp trên Vịnh Bắc bộ trở về. Sau chuyến biển vào những ngày cuối tháng 3 này, ông Phụng cũng “treo tàu” và chưa biết khi nào sẽ vươn khơi trở lại. Các ngư dân đều cho rằng do nguồn hải sản suy giảm trông thấy, giá dầu mỗi chuyến vươn khơi lại tăng quá cao là những nguyên nhân khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông.

Thống kê từ Ban Quản lý Cảng cá Lạch Hới, TP Sầm Sơn hiện có 247 tàu lớn khai thác xa bờ neo đậu tại đây mỗi khi không ra khơi. Khoảng hơn một tháng nay luôn có khoảng 200 phương tiện ngừng hoạt động. Nếu tính cả các phương tiện nhỏ, toàn TP Sầm Sơn hiện có 1.737 phương tiện tàu thuyền thường xuyên khai thác trên biển, trong đó gần 250 tàu trên 15m chuyên khai thác ngư trường xa. Thời gian gần đây khi xăng, dầu tăng giá, chỉ còn hơn 150 tàu nhỏ đánh gần bờ vẫn duy trì hoạt động nhưng lợi nhuận không cao.

Đã cập Cảng cá Lạch Hới được vài ngày, nhưng chủ tàu Nguyễn Hữu Dùng ở khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến vẫn chưa vơi hết nét buồn trên khuôn mặt. Theo vị chủ tàu công suất 420 CV này, thời gian gần đây nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm nghiêm trọng nên năng suất mỗi chuyến biển ngày càng kém đi. Cách đây chỉ một vài năm, có thể khai thác được những con cá 3 – 4 kg, thậm chí 5 – 7 kg, nhưng giờ rất hiếm. Hiện hải sản khai thác về đa phần cá nhỏ, phần nhiều là cá chai, cá nục, bạc má... nên giá trị kinh tế không cao. “Hoạt động một ngày đêm trên biển, tàu của tôi tiêu tốn hết trên dưới 600 lít dầu, nhưng hải sản thu về vừa ít, vừa bé, sau khi bán cho tư thương, vẫn lỗ 20 triệu đồng. Sau 8 ngày vươn khơi, gia đình phải bù lỗ để trả tiền công cho các bạn thuyền” – ông Dùng lắc đầu ngao ngán.

Nguyên nhân của hiện tượng nguồn lợi hải sản suy giảm nhanh có nhiều, nhưng nguyên nhân chính chắc chắn là do tình trạng khai thác quá mức. Qua nhiều lần công tác về các vùng biển thời gian gần đây, phóng viên đã nhiều lần nghe các ngư dân “than vãn” về hiện tượng tàu lớn không vươn khơi xa theo đăng ký mà đánh bắt ngay vùng ven bờ. Theo giấy phép hành nghề, những tàu cá lớn có chiều dài trên 15m, nhất là các “tàu 67” phải khai thác vùng khơi với các ngư trường xa trên Vịnh Bắc bộ, thậm chí ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa... Nhưng giá dầu đắt đỏ nên các phương tiện đã vào vùng lộng ven bờ đánh bắt, cạnh tranh với các phương tiện nhỏ. Nhiều ngư dân ở Nghi Sơn, Sầm Sơn, Hoằng Hóa còn phản ánh, hơn một năm qua, đội tàu công suất rất lớn hàng chục chiếc mang số hiệu của các tỉnh Nam Trung bộ liên tục càn quét dọc ven biển Thanh Hóa, “vơ vét” các loại hải sản lớn nhỏ, cạnh tranh gay gắt ngư trường với các phương tiện trong tỉnh. Đây chủ yếu là những tàu khai thác nghề giã cào, đánh theo đôi. “Với hệ thống lưới rộng phủ từ mặt xuống đáy biển, hai tàu kéo lưới song song cách nhau chừng 1 km, khai thác từng con ốc, cá bơn dưới đáy đến các loại tôm cá lớn nhỏ phía trên. Chỉ cần 4 đôi tàu “khủng” này chạy song song, khai thác dọc vùng biển gần bờ thì những phương tiện khác gần như trắng tay nếu chăng lưới sau đó. Dẫu biết rằng biển là sở hữu chung, không cát cứ, nhưng tình trạng tàu lớn liên tục quần thảo sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của nhiều ngư dân” – một ngư dân TP Sầm Sơn xin được dấu tên, cho biết.

Với những phương tiện còn kiên trì vươn khơi, một thách thức khác lại hiện hữu, là tình trạng thiếu lao động. Qua tìm hiểu trên nhiều vùng biển, thời gian gần đây, do nghề biển thu nhập thấp nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề, tìm hướng mưu sinh khác. Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Văn Tú ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) – người chuyên đi khai thác thuê cho các chủ tàu lớn ở xã Hoằng Trường bên cạnh cũng nghỉ đi biển. Theo anh, nhiều chuyến đi có thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống nên có yêu quý chủ tàu nhưng đành phải nghỉ. Chủ tàu TH 91744 TS Đỗ Văn Tiếp ở phường Quảng Tiến, chia sẻ: “Vẫn biết nhiều chuyến biển sẽ lỗ hoặc hòa vốn, nhưng để giữ chân bạn thuyền, tôi thỉnh thoảng vẫn ra khơi. Có chuyến chỉ hòa vốn hoặc thậm chí bị lỗ, nhưng tôi vẫn trả bạn thuyền 500 nghìn đồng mỗi ngày. Đây là những người biết việc, gắn bó với tàu tôi nhiều năm nên phải giữ chân họ. Nhiều chủ tàu ở địa phương vẫn có tình trạng thiếu bạn thuyền đồng hành để vươn khơi”.

Không chỉ ở Sầm Sơn, tất cả những khó khăn trên cũng là nỗi niềm và trăn trở của ngư dân ở các vùng biển trong tỉnh. Tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), ngư dân địa phương có truyền thống khai thác xa bờ nên càng khó khăn. Những ngày gần đây, 103 phương tiện cỡ lớn loại công suất trên 400 CV của xã cũng đa phần nằm bờ tại Bến cá Hoằng Trường. Phía bên kia cửa biển Lạch Trường, nhiều tàu thuyền của ngư dân huyện Hậu Lộc cũng neo đậu kín Cảng cá Hòa Lộc và vùng ven biển các xã Ngư Lộc, Minh Lộc. Theo ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, tính riêng các tàu lớn trên 15m, hiện khu vực cảng có khoảng 40 chiếc không ra khơi, còn ở ven biển xã Hải Lộc và một số địa phương khác cũng có khoảng 80 tàu nằm bờ. Trước đây, những phương tiện này chủ yếu khai thác ở các ngư trường Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa, Trường Sa...

Để giải quyết được những khó khăn và trăn trở nêu trên của ngư dân, rất cần có các giải pháp vĩ mô từ phía Nhà nước như các gói hỗ trợ ngư dân bám biển, giảm giá xăng dầu. Các giải pháp tái tạo nguồn lợi hải sản, điều tiết vùng khai thác hợp lý cũng cần được các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa. Ngư dân hào hứng vươn khơi bám biển cũng là cách để khẳng định chủ quyền lãnh hải và ngược lại.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]