(Baothanhhoa.vn) - Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đạt 35%, tỷ lệ đô thị hóa của TP Thanh Hóa đạt 81%, thời gian qua, TP Thanh Hóa đã tiến hành rà soát các tiêu chí và lựa chọn 10 xã ngoại thành để thành lập thêm 10 phường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực xây dựng xã lên phường

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của toàn tỉnh đạt 35%, tỷ lệ đô thị hóa của TP Thanh Hóa đạt 81%, thời gian qua, TP Thanh Hóa đã tiến hành rà soát các tiêu chí và lựa chọn 10 xã ngoại thành để thành lập thêm 10 phường.

Tuyến đường chính ở xã Quảng Thịnh được đầu tư khang trang.

Để thành lập được 10 phường, TP Thanh Hóa phải tiến hành sáp nhập một số đơn vị hành chính hiện nay không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Sau khi tiến hành khảo sát, giai đoạn 2018-2020, TP Thanh Hóa sẽ thành lập 6 phường trên cơ sở nguyên trạng của 6 xã, gồm: Đông Lĩnh, Thiệu Dương, Quảng Phú, Hoằng Quang, Quảng Cát, Thiệu Khánh. Thành lập phường Quảng Thịnh trên cơ sở nguyên trạng xã Quảng Thịnh và sáp nhập phố Minh Trại thuộc phường Quảng Thành; thành lập phường An Hoạch trên cơ sở sáp nhập xã Đông Hưng và phường An Hoạch; thành lập phường Tào Xuyên trên cơ sở sáp nhập xã Hoằng Lý và phường Tào Xuyên; thành lập phường Hoằng Long trên cơ sở sáp nhập xã Hoằng Long và xã Hoằng Anh. Như vậy, đến năm 2020 tổng số đơn vị hành chính cấp xã của TP Thanh Hóa là 34, trong đó có 28 phường và 6 xã; tỷ lệ đô thị hóa của thành phố sẽ đạt 88%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là 81%.

Qua đánh giá hiện trạng và rà soát các tiêu chí thành lập phường ở 10 xã được chọn theo quy định tại Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài 2 tiêu chí cứng về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, phần lớn các xã đều chưa đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, như: Đất giao thông, cấp điện sinh hoạt, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng, mật độ cống thoát nước chính, sân tập luyện, chợ hoặc siêu thị, đất cây xanh sử dụng công cộng. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị giai đoạn 2018-2020 của 10 xã lên phường là hơn 426 tỷ đồng. Để có nguồn vốn thực hiện, TP Thanh Hóa đã đề nghị tỉnh cho phép UBND TP Thanh Hóa sử dụng 100% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất đối với quỹ đất dôi dư, xen kẹp trên địa bàn thành phố, dự kiến hơn 265 tỷ đồng; phần vốn còn lại đề nghị tỉnh hỗ trợ trực tiếp hoặc cho thành phố lấy từ nguồn tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố phần cân đối ngân sách tỉnh. Cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh và của thành phố, các xã cũng đã và đang phát huy nội lực để lộ trình xây dựng xã lên phường được hoàn thành theo đúng kế hoạch. Trong đó, các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như Quảng Thịnh, Hoằng Anh; các xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí như Quảng Phú, Hoằng Long có tiền đề quan trọng để tiếp tục mở rộng, đầu tư hạ tầng theo hướng đô thị và xây dựng thành công đề án xã lên phường.

Được đánh giá là xã có nhiều thế mạnh, nhất là sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2016, xã Quảng Thịnh đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí để được công nhận lên phường. Sau khi có phương án của thành phố, chính quyền xã Quảng Thịnh đã chỉ đạo rà soát, đánh giá sát từng tiêu chí, xác định rõ từng nhiệm vụ để xây dựng lộ trình và thời gian thực hiện. Qua đánh giá thực trạng các tiêu chí, Quảng Thịnh xếp trong tốp đầu của 10 xã lên phường lần này. Trong đó, một số tiêu chí có điểm cao như cơ sở hạ tầng, số dân, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng. Hiện nay, điện, đường, trường, trạm, công sở và các công trình phúc lợi của xã đều được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh - xã hội đạt nhiều kết quả, cả 3 trường mầm non, tiểu học, THCS đều đạt chuẩn quốc gia; 8/8 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới... Để xây dựng thành công xã lên phường, trong thời gian tới, xã Quảng Thịnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp; chú trọng đưa các dịch vụ thương mại và tiểu thủ công nghiệp phát triển lên vị trí chủ đạo; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và tạo đà phát triển cho Quảng Thịnh trong tương lai.

Thực tế cho thấy, 10 xã nằm trong lộ trình lên phường đều là xã thuần nông nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội để các địa phương tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị. Vì vậy, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố, các địa phương cần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần túy sang nền kinh tế đa ngành nghề, trong đó tập trung tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ để nâng cao thu nhập cho người dân. Huy động tối đa các nguồn lực nâng cấp, cải tạo và xây mới cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch phát triển đô thị. Đối với người dân, việc xây dựng xã lên phường là một tín hiệu vui, hứa hẹn mở ra những cơ hội mới trong phát triển kinh tế theo hướng đô thị. Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích các gia đình đầu tư, mở rộng kinh doanh các loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, siêu thị mi ni..., các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới tư duy, nếp nghĩ của người dân từ nông thôn lên thành thị nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị.


Bài và ảnh: Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]