(Baothanhhoa.vn) - Thành phố về khuya, mọi người chìm sâu vào giấc ngủ. Trên những con đường, khu chợ,...  không ít người đã bắt đầu ngày mới. Họ là những lao động nghèo, lựa chọn cuộc sống “lấy đêm làm ngày” với những công việc vất vả, nặng nhọc để mưu sinh.

Những mảnh đời mưu sinh trong đêm

Thành phố về khuya, mọi người chìm sâu vào giấc ngủ. Trên những con đường, khu chợ,... không ít người đã bắt đầu ngày mới. Họ là những lao động nghèo, lựa chọn cuộc sống “lấy đêm làm ngày” với những công việc vất vả, nặng nhọc để mưu sinh.

Những mảnh đời mưu sinh trong đêmTrời đã về khuya nhưng tại chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương vẫn nhộn nhịp bán – mua.

Đêm. Đi dọc theo các tuyến đường Lê Hữu Lập, Lê Hoàn, Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa)... không khó để bắt gặp những gánh hàng rong chở đầy ngô, khoai bốc hơi nóng hổi... Những người bán bánh, bán xôi với tiếng rao khắc khoải len lỏi tận sâu vào các ngóc ngách, phố phường. Càng về khuya, tiếng rao càng chậm rãi và da diết hơn. Ẩn sau mỗi tiếng rao là những câu chuyện về cuộc đời với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền.

Chủ động bắt chuyện với chị khi đang tranh thủ phút dừng chân bán hàng cho khách, chúng tôi được biết chị tên Hải. Ngày nào chị cũng bắt đầu công việc đi bán hàng rong từ 6h chiều đến tận đêm khuya. Do chưa tìm được địa điểm cố định nên chị thường dắt xe đi bộ vào các ngõ ngách trên đường Lê Hoàn đến phường Trường Thi. Bình thường, nếu bán hết hàng mỗi đêm chị cũng lãi được tầm 100 nghìn, còn chẳng may hàng bị ế thì chỉ được 50 - 70 nghìn.

Co ro trong lớp áo mỏng để chống chọi với cái lạnh. Nén tiếng thở dài, chị Hải kể cho chúng tôi nghe lý do khiến chị bám trụ với “gánh hàng rong” đã 7 năm: Đến giờ, khi nghĩ lại câu chuyện chồng bị tai nạn giao thông năm 2010, phải sống đời thực vật, tôi vẫn không khỏi nghẹn lòng. Quê tôi ở Nga Sơn, tưởng rằng những tháng ngày tươi đẹp sau khi cưới nhau sẽ kéo dài. Thế nhưng, chẳng ngờ cuộc đời tôi lại truân chuyên đến thế.

Năm đó, chẳng may lúc đi làm về gặp trời mưa nên chồng chị bị tai nạn giao thông. Trời không cướp đi tính mạng nhưng lại khiến anh phải sống cả đời thực vật, trong khi ba đứa con đang ở tuổi ăn học. Đất vườn bán hết để lo chữa trị cho chồng, gánh nặng tiền bạc đè trên đôi vai, nghĩ chẳng đành nhưng chị phải dứt áo ra đi để kiếm sống. Nhớ lại những ngày mới bắt đầu công việc, mười ngón chân sưng tấy lên vì đi bộ chưa quen. Lang thang trên đường gió sương nên rất dễ đau ốm, nhưng chị vẫn cố gắng để mong có chút tiền gửi về quê lo cho chồng và các con ăn học. “Tôi chẳng dám nhìn lại những tháng ngày đã qua, mà nghĩ về những ngày tiếp đến cũng không biết ra sao, tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục bám nghề và có tiền trang trải cuộc sống”. Nói rồi, chị Hải lại bước đi trong tiếng rao khắc khoải.

Đêm về khuya trời càng lạnh. Đường phố vắng hoe, mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Nhưng không khí tại chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa) lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tôi gặp họ, lẫn giữa những người mua kẻ bán tấp nập tại khu chợ. Giữa đêm lạnh, những người phụ nữ miệt mài trong vòng xoáy mưu sinh. Có người chỉ làm đến 2, 3 giờ sáng. Có người thì làm đến tận sáng. Lại có những người, về ngủ một giấc “qua loa”, rồi ban ngày làm thêm những việc khác.

Dạo quanh một vòng tại các sạp hoa quả, chân chúng tôi bỗng khựng lại khi nhìn thấy một em bé đang ngủ ngon lành trên chiếc chăn mỏng dưới nền đất. Tranh thủ mua vài bó rau của chị, rồi bắt chuyện, chúng tôi được biết: Chị là Thúy, quê ở Yên Định. Chị cùng chồng là anh Đức mang mấy đứa con nhỏ rời quê xuống thành phố gần 10 năm nay. Anh chị thuê phòng trọ giá rẻ ven thành phố rồi chạy chợ nuôi con ăn học. Đứa bé đang ngủ là con út của anh chị. Vì con nhỏ để ở nhà cho 2 chị lớn trông không mấy yên tâm nên ngày nào anh chị cũng phải đèo theo con đến chợ. Hàng ngày, chị Thúy và chồng phải lặn lội đi đến tận nhà vườn mua rau, 11 giờ khuya lại mang hàng ra chợ để làm cho kịp giao xe mối lúc hai giờ sáng, nên gần như đêm nào cũng thức trắng.

Trời đã chuyển dần về sáng. Tiếng động cơ xe máy mỗi lúc một ồn ào của những thương lái mang rau ra chợ sớm. Họ làm rau cho kịp chuyển về các huyện và các tỉnh gần. Dẫu vất vả mưu sinh nhưng điểm chung ở họ là có cái ăn qua ngày, có tiền lo cho con học hành, hy vọng tương lai tươi sáng hơn. Nói về dự định tương lai, chị Thúy chia sẻ: “Còn sức khỏe thì tôi còn cố làm, sửa lại cái nhà ở quê cho kiên cố hơn, nuôi 3 đứa ăn học, có nghề nghiệp ổn định chứ không để chúng phải vất vả, nghèo khổ như cha mẹ”...

Dẫu rằng phía trước còn nhiều gian nan, thế nhưng thẳm sâu trong đôi mắt họ vẫn ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc. Bởi phía sau họ là những cuộc đời đang hàng ngày lớn lên trong tình yêu thương và mang theo hy vọng về cuộc sống tốt đẹp của những người cha, người mẹ đang miệt mài gồng gánh trong đêm.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]