(Baothanhhoa.vn) - Sự xuất hiện của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ, các khu dân cư đông đúc cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao đã làm cho những con sông, kênh nước trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị “khai tử”, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những con kênh, dòng sông đang “chết”

Sự xuất hiện của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ, các khu dân cư đông đúc cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao đã làm cho những con sông, kênh nước trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị “khai tử”, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân...

Những con kênh, dòng sông đang “chết”

Bèo tây, cây leo, rác thải đóng thành bè, mảng ở sông Bến Ngự.

Sáng 12-4, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình xuôi theo kênh Bắc từ xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) qua huyện Đông Sơn về TP Thanh Hóa. Một điều dễ nhận thấy là con kênh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguyên nhân được gây nên bởi rác và nước thải sinh hoạt của người dân. Đủ loại rác thải, từ rác thải nông nghiệp, sinh hoạt đến rác thải công nghiệp, trôi ken đặc trên dòng kênh. Khoảng thời gian rác thải trôi về nhiều nhất thường tập trung vào sau 11 giờ trưa. Ở nhiều đoạn kênh, còn có cả xác động vật: Chó, mèo, lợn, gà,... nổi trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Tại một số chân cầu, miệng cống, rác bị mắc kẹt, kết thành mảng, ứ đọng lâu ngày tạo nên mùi khó chịu, nồng nặc, môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng xả thải trực tiếp từ các khu dân cư sống ven kênh là rất đáng báo động. Các hộ gia đình, thay vì tuân thủ quy định xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường đã trực tiếp xả thẳng nước thải sinh hoạt của gia đình ra lòng kênh. Nhiều nguồn nước thải nguy hại từ các khu dân cư được đổ vào kênh Bắc qua một số đường cống, con kênh nhỏ nối với kênh Bắc. Trong khi đó, công năng, mục đích sử dụng của kênh Bắc là vô cùng lớn: Ngoài làm nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, kênh Bắc còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ hàng vạn người dân TP Thanh Hóa với lưu lượng 50.000m3/ngày, đêm. Một số người dân TP Thanh Hóa tỏ ra vô cùng lo lắng với chất lượng nguồn nước mình đang dùng. “Rác thải trên sông có cả chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật; xác gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân... Liệu rằng qua công nghệ của nhà máy xử lý nước, nguồn nước này sẽ trở nên an toàn tuyệt đối?! Cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn đối với những trường hợp gây ô nhiễm cho nguồn nước kênh Bắc. Chứ cứ tuyên truyền, nhắc nhở mãi thì khó khắc phục được hết vấn nạn ô nhiễm trên” – anh Hoàng văn Q., phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) bức xúc.

Nằm ngay trong lòng TP Thanh Hóa, sông Bến Ngự từng được ghi nhận là một dòng sông đẹp, uốn lượn và đã có một thời “trên bến dưới thuyền” gắn với sự thịnh - suy của làng gốm Lò Chum trứ danh. Hiện tại, làng gốm Lò Chum đã lùi sâu vào hoài niệm, chỉ còn lại những vết tích gợi nhớ theo thời gian. Kết cục đó rồi cũng sẽ đến với sông Bến Ngự nếu chúng ta vẫn không chịu hành động bởi, hiện nay dòng sông Bến Ngự chảy qua 3 phường của thành phố: Đông Sơn, Lam Sơn và Trường Thi, đoạn nào cũng bị rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng “xâm lấn”. Nhiều hộ dân sống ven sông còn sử dụng ống dẫn nước thải trực tiếp trong quá trình sinh hoạt của gia đình xả thẳng ra sông. Ở nhiều khúc sông chạy qua các khu dân cư của phường Trường Thi, Đông Sơn có thời điểm còn bị ách tắc dòng chảy, nguyên nhân gây nên bởi rác, cây leo, lục bình kết thành mảng. Hệ lụy là dòng sông bị cắt khúc, nước không lưu thông được. Lâu ngày chúng trở thành những hố rác thải đầy muỗi mòng và ô nhiễm. Đó chính là những ổ bệnh nằm ngay trong các khu dân cư, vô cùng nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh và thời tiết chuyển mùa như hiện nay.

Không chỉ dòng sông nằm ngay trong lòng thành phố bị ô nhiễm mà hệ thống kênh Nam dẫn nước tưới cho các xã ven biển của huyện Hoằng Hóa sau một thời gian đưa vào sử dụng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân ô nhiễm của kênh Nam xuất phát từ tình trạng người bán hàng ở chợ Gòng xả rác xuống lòng kênh và rác từ đầu nguồn dồn về; đặc biệt đoạn kênh chạy qua địa bàn tiểu khu Vinh Sơn, Đạo Sơn, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) thường xuyên bị người dân xả rác, nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống lòng kênh. Tất cả những yếu tố trên khiến dòng nước ở đây luôn đen ngòm, hôi tanh, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân.

...

Ngoài những con kênh, dòng sông bị ô nhiễm kể trên, danh sách sẽ còn dài hơn nữa với những cái tên đã được báo chí nhắc tới nhiều trong thời gian qua: Sông Mã, với việc bị hàng loạt nhà máy chế biến lâm sản “đầu độc”; sông nhà Lê bị “bức tử” do nước thải từ việc chế tác đá tại các làng nghề của xã Quảng Thắng (TP Thanh Hóa); hay hiện trạng nước thải từ Khu Công nghiệp Lễ Môn thải trực tiếp ra con kênh chạy dọc Quốc lộ 47...

Bài toán để đưa những dòng sông, con kênh đang “hấp hối” trên địa bàn tỉnh được “hồi sinh” sẽ khó có lời giải trong ngày một ngày hai. Đặc biệt, chúng ta chưa cân bằng được hai vấn đề tiên quyết: Quyền lợi về kinh tế và trách nhiệm với môi trường. Để thực hiện được điều đó, những người làm công tác môi trường phải thực sự quyết tâm với những kế hoạch, bước đi hài hòa nhưng phải triệt để của mình. Thiết nghĩ, điều chúng ta có thể làm nhanh nhất là tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong vấn đề bảo vệ môi trường nước; đồng thời kêu gọi, tuyên truyền, lan tỏa tinh thần này tới những người xung quanh. Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm môi trường và sát sao trong việc xử lý rác thải...

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]