(Baothanhhoa.vn) - Tham mưu cho ban giám đốc trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xây dựng kế hoạch hoạt động; xây dựng lịch học tập, báo cáo kết quả hoạt động của trung tâm; điều tra, thống kê nhu cầu người học tại cộng đồng và tham gia giảng dạy... đó là những nhiệm vụ của giáo viên biệt phái ở TTHTCĐ, nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại vai trò của giáo viên biệt phái ở trung tâm học tập cộng đồng

Tham mưu cho ban giám đốc trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xây dựng kế hoạch hoạt động; xây dựng lịch học tập, báo cáo kết quả hoạt động của trung tâm; điều tra, thống kê nhu cầu người học tại cộng đồng và tham gia giảng dạy... đó là những nhiệm vụ của giáo viên biệt phái ở TTHTCĐ, nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập (XHHT) từ cơ sở.

Nhìn lại vai trò của giáo viên biệt phái ở trung tâm học tập cộng đồng

Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện Thiệu Hóa kiểm tra công tác xây dựng xã hội học tập tại TTHTCĐ xã Thiệu Chính.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nếu như năm 2001, toàn tỉnh mới chỉ có 10 TTHTCĐ, thì đến năm 2007 đã phủ kín 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hoạt động của các TTHTCĐ ngày càng mở rộng về quy mô và đa dạng các nội dung giáo dục, thu hút được nhiều người dân tham gia với phương châm “cần gì học nấy”. Bình quân mỗi năm, các trung tâm mở được từ 15.000 đến gần 30.000 lớp học, thu hút cả triệu lượt người tham gia. Tính riêng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song các TTHTCĐ đã mở được 28.562 lớp học, thu hút trên 1,4 triệu lượt người tham gia học tập ở cả 5 nhóm nội dung: phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm; bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là kết quả của sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, cũng như sự nỗ lực của các trung tâm trong quá trình hoạt động, trong đó có vai trò của đội ngũ giáo viên biệt phái.

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động năm 2001, TTHTCĐ xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) luôn tổ chức các hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân về các vấn đề đời sống, xã hội. Đặc biệt, năm 2011 trung tâm có giáo viên biệt phái, nên các hoạt động càng được đánh giá cao và thiết thực hơn đối với người dân. Trung bình mỗi năm, TTHTCĐ xã Hòa Lộc mở khoảng 60 lớp học, chuyên đề, tập huấn, thuộc 5 nhóm nội dung, thu hút khoảng 7.000 lượt người tham gia. Có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, giáo viên biệt phái Lê Văn Vệ thường xuyên xuống các thôn tuyên truyền cho mọi người, mọi nhà hiểu biết cụ thể, cặn kẽ về trung tâm và hoạt động của TTHTCĐ; đồng thời, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân. Qua đó, tham mưu cho ban giám đốc trung tâm phối hợp với các ban, ngành liên quan mở lớp học, xây dựng kế hoạch hoạt động, đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” của người dân.

Tương tự, với việc làm tốt công tác tham mưu, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, thường xuyên tuyên truyền và vận động người dân tham gia các lớp học; đồng thời, trực tiếp giảng dạy nhiều nội dung liên quan đến truyền thống lịch sử văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường... cho người dân, giáo viên biệt phái Hà Văn Cúc đã làm “xanh” lại các hoạt động của TTHTCĐ xã Yên Thắng (Lang Chánh). Nếu như trước đây, mỗi năm trung tâm chỉ mở được dưới 10 lớp với số lượng 350 - 500 lượt người tham gia học tập; từ khi có giáo viên biệt phái con số này đã nâng lên gần 30 lớp, thu hút từ 1.500 - 1.700 lượt người tham gia.

Hiệu quả, vai trò của giáo viên biệt phái ở các TTHTCĐ đã được minh chứng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do tình trạng thiếu giáo viên nên nhiều địa phương đã rút giáo viên biệt phái tại các TTHTCĐ về giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS, hoặc nhiều giáo viên biệt phái về nghỉ chế độ và không bố trí giáo viên biệt phái khác về làm việc ở TTHTCĐ, khiến nhiều trung tâm hoạt động gặp khó khăn. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn gần 100/559 TTHTCĐ có giáo viên biệt phái. Số xã, phường, thị trấn còn lại không có giáo viên biệt phái đã được thay bằng công chức văn hóa xã phụ trách hoặc có đơn vị không bố trí công chức khác kiêm nhiệm thay thế. Thực tế này đã khiến nhiều trung tâm hoạt động kém hiệu quả. Đánh giá về vai trò của giáo viên biệt phái đối với hoạt động của TTHTCĐ xã nhà, bà Đặng Thị Thanh, phó giám đốc TTHTCĐ xã Quảng Đức (Quảng Xương) cho hay: “Trước đây, khi TTHTCĐ xã Quảng Đức có giáo viên biệt phái, các hoạt động có sự kết nối chặt chẽ, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng XHHT. Nhưng từ năm 2017 đến nay, không còn giáo viên biệt phái nên hoạt động của trung tâm cũng có phần hạn chế. Thực tế, nếu TTHTCĐ có giáo viên biệt phái thì các hoạt động như, tổ chức các lớp học, quản lý sổ sách, tài liệu, báo cáo kết quả hoạt động... của trung tâm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Theo đại diện Hội Khuyến học tỉnh, hiện nay, nhiều địa phương sau khi rút giáo viên biệt phái nhưng không bố trí người thay thế hoặc bố trí không phù hợp, đang khiến cho các TTHTCĐ hoạt động kém hiệu quả; chưa đáp ứng hết yêu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân; không phát huy hết chức năng, nhiệm vụ của TTHTCĐ. Ông Lý Đình Thịnh, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, cho biết: Hoạt động của TTHTCĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trung tâm cũng là nơi tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục... Việc nhiều TTHTCĐ không còn giáo viên biệt phái để tham mưu, giúp việc cho ban giám đốc trung tâm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của trung tâm. Giáo viên biệt phái làm việc tại trung tâm là người có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nên việc tổ chức lớp học sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là công tác xóa mù chữ, tiếp tục giáo dục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục...

Cũng theo ông Thịnh, trước tình trạng trống giáo viên biệt phái tại các TTHTCĐ, Sở GD&ĐT đã và đang tích cực phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, các địa phương chấn chỉnh, tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách để họ chủ động, sáng tạo trong việc lập kế hoạch hoạt động của trung tâm. Qua đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của Nhân dân theo phương châm “cần gì học nấy”, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Bài và ảnh: Lê Phong


Bài và ảnh: Lê Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]