(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ tháng 5-2022 thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) bắt đầu có sự phục hồi tích cực, công tác XKLĐ ở các địa phương được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường xuất khẩu lao động cho thu nhập cao

Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ tháng 5-2022 thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) bắt đầu có sự phục hồi tích cực, công tác XKLĐ ở các địa phương được quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường xuất khẩu lao động cho thu nhập caoCông nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam, xã Định Liên, Yên Định trong ca sản xuất

Đến nay công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có nhiều tín hiệu tích cực sau khi nhiều nước mở cửa tiếp nhận lao động trở lại. Điển hình như Australia, New Zealand và Canada đang nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Còn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết, hai quốc gia này còn đẩy mạnh thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao từ Việt Nam. Đặc biệt, tại thị trường Úc, trước đây chỉ có duy nhất 1 chương trình từng được Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ,TB&XH) đưa đi là kỳ nghỉ tại Úc. Đến nay, Bộ LĐ,TB&XH đang đàm phán để ký kết đưa lao động sang làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngoài các thị trường truyền thống thì người lao động Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã dần khẳng định được vị trí, tay nghề, kỹ năng, trình độ của mình để có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường có yêu cầu cao. Điều này cho thấy, mục tiêu của tỉnh đưa trên 5.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là hoàn toàn khả thi. Theo số liệu thống kê từ năm 2022 đến hết tháng 2-2023, toàn tỉnh đã đưa được 12.390 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực và xuất khẩu Thiên Ân Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: Nếu như trước đây công ty phải lập nhiều kênh để tuyển dụng thì hiện nay việc tuyển dụng đã dễ dàng hơn vì nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh. Tiêu chí tuyển dụng không khắt khe, thời gian xuất cảnh sớm hơn, chi phí xuất cảnh thấp, có chế độ hỗ trợ vay vốn cho người lao động, đồng thời thu nhập của người lao động tăng do đối tác tăng lương cũng như chế độ phúc lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật Bản có nhiều chính sách ưu đãi, sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng 3 năm sẽ được gia hạn thêm từ 2 đến 5 năm theo chương trình Tokutei khi người lao động có nhu cầu, đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ cũng như kỹ năng chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rất “khát” lao động đã đưa ra mức lương từ 20-40 triệu đồng/người/tháng, trong khi nguồn cung lao động của tỉnh có nhiều tiềm năng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các nước sở tại. Khi về nước, người lao động dễ tìm kiếm được việc làm bởi Nhật Bản đang đầu tư rất nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài thị trường Nhật Bản, tại Hàn Quốc, đối với diện visa E7 (là loại Visa mà Chính phủ Hàn Quốc cấp cho những người lao động có tay nghề cao và chuyên môn kinh nghiệm trong những ngành công nghiệp gốc tại Hàn Quốc) người lao động có quyền được định cư tại Hàn Quốc và được bảo lãnh người thân để làm việc và các điều kiện phúc lợi tốt, tiền lương 60-70 triệu/tháng, xuất cảnh nhanh... Nếu muốn được cấp loại visa này, người lao động bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện như: tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên nghiệp trở lên; phải được một doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc; có hợp đồng lao động với mức lương trên 1,9 triệu won/tháng; phải có mã thuế thu nhập cá nhân (có hợp đồng sử dụng lao động đầy đủ và rõ ràng của doanh nghiệp tại Hàn Quốc); phải có kinh nghiệm làm việc cho chuyên ngành học ít nhất là 3 năm; có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan như đơn xin tự nguyện làm việc, hộ chiếu, ảnh... đã được dịch sang tiếng Hàn và có dấu xác nhận của Đại sứ quán.

Theo thống kê, hiện nay tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài là trên 32.800 lao động. Tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan (13.000 lao động), Nhật Bản (8.700 lao động), Hàn Quốc (7.900 lao động); các nước khác (3.200 lao động). Lao động có trình độ tay nghề chiếm khoảng 60%, chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, thợ giàn giáo, ốp lát, may mặc, điều dưỡng, hộ lý, giúp việc gia đình; đặc biệt, trong đó có khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học tham gia đi làm việc ở nước ngoài ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có trình độ cao; còn lại là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề.

Thực tế, việc đẩy mạnh đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề đi nước ngoài làm việc đã và đang mang lại cho người lao động cũng như nền kinh tế những lợi ích “kép”. Người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao khi ra nước ngoài làm việc thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo. Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, bình quân thu nhập hàng tháng (kể cả làm thêm) của lao động phổ thông người Việt Nam làm việc tại nước ngoài là 400-600 USD (9,5-14,3 triệu đồng) ở thị trường Trung Đông; 700-800 USD (16,6-19 triệu đồng) ở thị trường Đài Loan... Với lao động có tay nghề, mức thu nhập có thể đạt đến 27,5-34 triệu đồng/tháng (làm việc tại Đức) hoặc 52,8-66 triệu đồng/tháng (làm việc tại Australia). Như vậy, người lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao sẽ có thu nhập cao hơn. Mặt khác, sau khi hết thời gian lao động ở nước ngoài, số lao động có tay nghề trở về nước sẽ trở thành nguồn cung quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung, bởi lúc đó họ không chỉ có tay nghề mà còn có kinh nghiệm, ý thức kỷ luật do được lao động thời gian dài trong môi trường chuyên nghiệp tại nước ngoài.

Để đạt mục tiêu XKLĐ năm 2023, Sở LĐ,TB&XH tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác XKLĐ. Tăng cường hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về phối hợp, tuyển chọn lao động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến. Hướng dẫn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đẩy mạnh, triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động đi làm việc tại nước ngoài ở một số ngành nghề đặc thù, đòi hỏi kỹ thuật cao mà thị trường nước ngoài yêu cầu; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt là các thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao trong các ngành: hộ lý, điều dưỡng, cơ khí, kỹ thuật... Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, lao động vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang, ven biển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, trực tuyến, lưu động; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước nhằm kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]