(Baothanhhoa.vn) - Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai thực hiện đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

Từ một con bò dự án, gia đình chị Lê Thị Sự ở thôn Quang Trung, xã Bình Lương (Như Xuân) đã nhân đàn lên 6 con.

Thuộc diện hộ nghèo, năm 2018 gia đình anh Lê Minh Vĩnh được tham gia dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản tại xã Xuân Thắng (nay là thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân). Theo đó, gia đình anh được hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng nguồn vốn tích cóp để mua 1 cặp bò sinh sản trị giá 30 triệu đồng. Đồng thời, vay ngân hàng chính sách xã hội huyện thêm 50 triệu đồng đầu tư nuôi lợn đực phối giống nhân đàn cho các hộ chăn nuôi trong xã, kết hợp làm ruộng. Sau 2 năm tham gia dự án, gia đình anh Vĩnh đã vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2019 gia đình anh có thu nhập 50 triệu đồng thì đến năm 2020 tăng lên 90 triệu đồng. 2 con bò tham gia dự án đã sinh sản được thêm 3 bê con và gia đình mua thêm 1 con trâu để chăn nuôi. Đến tháng 4-2020, gia đình trả nợ hết số tiền vay ngân hàng chính sách. Không những nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, anh Vĩnh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách chăn nuôi và chăm sóc con giống cho bà con, được mọi người trong thôn, xã tin yêu, quý mến.

Với hộ chị Lê Thị Sự ở thôn Quang Trung, xã Bình Lương (Như Xuân), trước đây điều kiện kinh tế rất khó khăn, từng là hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2015-2018. Tháng 11-2017 được tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, được hỗ trợ 10 triệu đồng, cùng với nguồn vốn đối ứng, chị Sự mua 1 con bò cái sinh sản để chăn nuôi. Nhận thức rõ bản thân cùng các thành viên trong gia đình phải cố gắng, trân trọng sự hỗ trợ, giúp đỡ, từ đó sắp xếp công việc gia đình phù hợp, khoa học; năng động hơn trong sản xuất, chăn nuôi; áp dụng các kiến thức đã được tập huấn; tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ... Do đó, bò phát triển khỏe mạnh, sinh sản tốt. Kết quả, cuối năm 2019 gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây chính là động lực mạnh mẽ để các thành viên trong gia đình tiếp tục phấn đấu vươn lên quyết không tái nghèo. Từ 1 con bò dự án, đến nay gia đình chị đã nhân đàn lên 6 con, kết hợp chăn nuôi 4 con lợn, trong đó có 2 nái sinh sản; trồng 3,2 ha keo; gần 2.500m2 mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất 3 lứa gia cầm, mỗi lứa từ 120 đến 150 con ngan, gà. Anh Lê Khắc Nhàn, cán bộ chính sách xã Bình Lương cho biết, không chỉ thoát nghèo mà gia đình chị Sự còn trở thành hộ có kinh tế khá ở địa phương, là điển hình để các hộ nghèo trong xã học tập. Dự án chăn nuôi bò sinh sản ở xã Bình Lương có 25 hộ tham gia. Từ 25 con bò dự án, đến nay đã nhân đàn lên hơn 70 con, trong đó bò sinh sản là 40 con. Dự án cũng đã thu hồi vốn và tiếp tục hỗ trợ 2 hộ nghèo khác 2 con bò.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đã thực hiện 224 dự án (mô hình), trong đó đã triển khai thực hiện 47 mô hình trên địa bàn các huyện nghèo với 1.773 hộ tham gia; 17 mô hình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển với 586 hộ tham gia; 65 mô hình trên địa bàn các xã Chương trình 135 và 95 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135 với 2.775 hộ tham gia. Việc tham gia mô hình giảm nghèo cơ bản tạo điều kiện cho hộ gia đình cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, góp phần giúp cho trên 2.000 hộ thoát nghèo. Trong đó có nhiều hộ vươn lên có điều kiện kinh tế khá giả, tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất và quay lại hỗ trợ hộ nghèo khác cùng tham gia phát triển kinh tế. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp gần 500 hộ mới có nhu cầu, đủ điều kiện được luân chuyển, tham gia vào dự án. Hơn nữa, điểm sáng mà dự án nhân rộng mô hình đem lại đó là việc góp vốn đối ứng, quy trình thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm và có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì, phát huy nguồn vốn được hỗ trợ. Thông qua thực hiện dự án đã có hơn 800 người được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, cập nhật những kiến thức mới về khoa học – kỹ thuật, kinh nghiệm phòng, chữa bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi, cây trồng. Dự án cũng đã tạo việc làm tại chỗ cho gần 9.000 người, tạo việc làm thêm cho trên 6.000 người.

Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần vào thành tựu chung trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm được 118.887 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 10.006 hộ); tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,5% (từ 13,51% xuống 1,01%). Trong đó, khu vực 11 huyện miền núi giảm 51.916 hộ, bình quân giảm 4,66%/năm; khu vực các huyện đồng bằng ven biển giảm 61.349 hộ, bình quân giảm 2,06%; khu vực thành phố, thị xã giảm 5.622 hộ, bình quân giảm 0,85%/năm.

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]