(Baothanhhoa.vn) - Đây là chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2019 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn. Chủ đề này cũng là thông điệp kêu gọi các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu chất độc hại thải ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân ngày môi trường thế giới 5-6: Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta

Đây là chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2019 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn. Chủ đề này cũng là thông điệp kêu gọi các quốc gia, cộng đồng cùng hành động trong việc giảm thiểu chất độc hại thải ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu.

Nhân ngày môi trường thế giới 5-6: Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta

Ra quân làm vệ sinh môi trường tại khu vực bãi biển xã Minh Lộc (Hậu Lộc) sau lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2018.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường không khí cũng đang là vấn đề đáng báo động, nhất là ở các thành phố lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều cơ sở sản xuất chưa tuân thủ về khí phát thải và lưu lượng phương tiện giao thông cơ giới ngày càng tăng cao. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ô nhiễm không khí (chủ yếu là hàm lượng bụi) tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép 1 - 2 lần. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, các nút giao thông trọng điểm, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5 - 6 lần quy chuẩn cho phép... Quan trắc khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra tại 20 vị trí khác nhau ở TP Hồ Chí Minh cho con số đáng lo ngại. Cụ thể, bụi lơ lửng từ các phương tiện giao thông thải ra với hơn 72% vượt tiêu chuẩn cho phép. Còn ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được. Một khảo sát vào cuối tháng 1-2019 tại nhiều điểm ở Hà Nội cũng ghi nhận chất lượng không khí (AQI) có lúc gần chạm mức nguy hiểm, trong đó, nhiều nhất là bụi mịn PM 2,5...

Để hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn cũng như các địa phương trong cả nước, thời gian qua Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) không khí theo Luật BVMT năm 2014, đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các khu công nghiệp... Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, Bộ TN&MT cũng đã ban hành kế hoạch yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động cộng đồng để mọi người cùng hành động vì môi trường sống của nhân loại, vì một trái đất bền vững. Trong đó, chú trọng thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt nguồn khí thải gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông, hoạt động xây dựng; trồng cây xanh trong các khu vực đô thị; quan tâm đầu tư, lắp đặt, vận hành, kết nối hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ các đô thị, cơ sở sản xuất có nguồn khí thải lớn thông suốt từ Trung ương đến địa phương để phục vụ công tác quản lý, dự báo, cảnh báo chất lượng không khí...

Tại Thanh Hóa, ngày 21-5-2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học 22-5; Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6; Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 8-6-2019 trên địa bàn tỉnh với mục đích: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức và tầng lớp nhân dân trong tỉnh về đa dạng sinh học và tầm quan trọng trong công tác BVMT; kêu gọi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh cùng hành động để giảm thiểu những chất độc hại thải ra môi trường không khí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt nhằm BVMT. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Tăng cường kiểm soát bụi, khí thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề; các phương tiện tham gia giao thông; quá trình thi công tại các công trình xây dựng; khí thải phát sinh từ các cơ sở xử lý chất thải rắn, từ các hệ thống xử lý chất thải. Tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường; hội thảo về “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí đối với sức khỏe cộng đồng; treo băng zôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” ở nơi công cộng, các đường phố chính, trụ sở cơ quan làm việc, nơi đông người qua lại nhằm nhắc nhở, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia BVMT, phát triển bền vững bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Mỗi năm Ngày Môi trường thế giới có một chủ đề khác nhau, như: “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - vì một trái đất bền vững”, “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”, “Sống hài hòa với thiên nhiên”, “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”... Với chủ đề “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta”, Ngày Môi trường thế giới năm nay mang đến thông điệp và cổ vũ chúng ta có những hành động cụ thể thiết thực để chống lại ô nhiễm không khí trên toàn thế giới. Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm từ sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) đến việc tái chế rác không hữu cơ, trồng cây cải thiện không gian xanh trong môi trường sống. Hoặc hãy tắt đèn và thiết bị điện tử không sử dụng, sử dụng các thiết bị ít phát thải; không đốt rác, chất thải nông nghiệp sau thu hoạch nhằm góp phần trực tiếp vào giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm không khí, chung tay cải thiện chất lượng không khí...

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]