(Baothanhhoa.vn) - Thoang thoảng trong căn nhà nhỏ ở thôn 6, xã Dân Quyền (Triệu Sơn) của ông Lê Reo là một mùi “xưa cũ” không lẫn đi đâu được, đó là mùi của sách, của giấy báo được lưu giữ qua thời gian. Cứ nhắc đến “kho tư liệu quý” ấy, ánh mắt ông như sáng lên, đầy tự hào: “Việc sưu tầm được gần 400 đầu sách, tư liệu lịch sử quý, hiếm và gần 10.000 số báo của 8 đầu báo, là một trong những thành công lớn của cuộc đời tôi”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người giữ “kho tư liệu quý”

Thoang thoảng trong căn nhà nhỏ ở thôn 6, xã Dân Quyền (Triệu Sơn) của ông Lê Reo là một mùi “xưa cũ” không lẫn đi đâu được, đó là mùi của sách, của giấy báo được lưu giữ qua thời gian. Cứ nhắc đến “kho tư liệu quý” ấy, ánh mắt ông như sáng lên, đầy tự hào: “Việc sưu tầm được gần 400 đầu sách, tư liệu lịch sử quý, hiếm và gần 10.000 số báo của 8 đầu báo, là một trong những thành công lớn của cuộc đời tôi”.

Bạn đọc nhiều lứa tuổi tìm đến thư phòng của ông Lê Reo để đọc, tìm tư liệu phục vụ học tập, nghiên cứu.

Trong căn nhà nhỏ, đây vừa là nơi ở, vừa là nhà kho, vừa là phòng đọc sách của ông đã gây được sự chú ý với những “người khách” bằng những giá sách nặng trĩu, những chồng báo ngả màu thời gian. Và, câu chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ những “điểm nhấn” đã làm nên quãng đời đầy sắc màu, ý nghĩa của ông: Sách, báo. Mặc dù đã ở tuổi thất thập, xong ông Lê Reo mang dáng vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn và cởi mở. “Cháu muốn tìm tài liệu gì? Bác có sách sử, Văn kiện Đại hội Đảng, các số báo của 8 đầu báo từ những năm 90 trở lại đây. Và quan trọng, có giá trị nhất là bộ sách song ngữ về quan hệ Việt Nam - Lào”.

Nói rồi, ông đưa tôi đi tham quan các ngõ ngách trong nhà, đâu đâu cũng thấy sách, báo. Ông vốn đã lưu trữ báo từ rất lâu, đến năm 2010, được chính quyền địa phương chấp thuận cho thành lập câu lạc bộ đọc báo, cho mượn nhà văn hóa thôn 6 để làm nơi trưng bày sách và làm phòng đọc cho những độc giả muốn tìm hiểu và cần tri thức. Song, do không có người trông nom, gìn giữ nên thư viện chỉ tồn tại gần 2 năm, sau đó ông phải chuyển hết sách, báo về nhà cất giữ cho đến nay. Tại phòng khách, cũng là phòng làm việc, phòng lưu trữ sách và những kỷ niệm trong quá trình công tác của mình, những cuốn sách được để ngay ngắn, gọn gàng trên kệ, báo được sắp xếp, cất giữ từng loại, từng thời gian và được đánh dấu cẩn thận bằng từng tờ giấy nhỏ, như những “mục lục” của các thư viện, cơ quan hành chính... để khi cần tìm không mất nhiều thời gian. “Tính đến thời điểm hiện tại, bác có gần 400 đầu sách và khoảng 10.000 tờ báo của 8 đầu báo của Trung ương và tỉnh, như: Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Người cao tuổi, Nông thôn ngày nay, Cựu chiến binh, Tạp chí Cộng sản, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống”- ông cho biết.

Nói về duyên nợ với đam mê sưu tầm sách báo, ông chia sẻ: “Trước đây, vốn công tác trong ngành tuyên truyền nên ham mê đọc báo, tìm hiểu về các vấn đề chính trị - xã hội. Hơn nữa, với những loại sách văn học hay có thể được tái bản nhiều lần, nhưng sách lịch sử, sách nghiên cứu và báo chí kén người đọc nên hiếm hoi lắm. Nó đang vắng bóng dần trên thị trường, không lưu giữ thì khó mà tìm lại được”. Có lẽ, nhiều người cho rằng, việc sưu tầm, lưu giữ lại sách báo cũ của ông chỉ xuất phát từ sở thích cá nhân và một chút “ích kỷ” khi muốn lưu giữ tri thức cho riêng mình. Nhưng qua những lời tâm sự chân tình của ông, rằng: “Bác giữ lại sách, báo để làm tư liệu cho mình và cho cả những người cần đến chúng nữa” hay “nếu bác có nhiều sách, báo có giá trị thì sẽ có nhiều người tìm đến đọc, tham khảo vừa “giữ” được tri thức cho những người cần chúng và hơn nữa nhà sẽ lúc nào cũng có khách, tuổi già sẽ bớt cô quạnh”... Tôi chợt nhận ra rằng, ngoài cái ý nghĩ cá nhân thì việc sưu tầm sách báo cũ của ông Lê Reo xuất phát từ một mong muốn lớn lao: “Những gì hay, quý sẽ lưu giữ và nên truyền lại cho cuộc đời”.

Với ông Lê Reo, giá trị tinh thần từ việc sưu tầm sách, báo không thể đong đếm được. Với mỗi cuốn sách, trong tâm khảm ông đều trĩu nặng những câu chuyện đáng nhớ. Như, cuốn sách “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” ông luôn nâng niu trên tay khi trò chuyện với tôi. Cầm cuốn sách quý vuốt nhẹ vào phần gáy sách, ông trầm ngâm nói: Đây là cuốn sách tôi trân trọng nhất trong tủ sách này, nó vừa là quà tặng của một người bạn quốc tế, vừa là “kho báu” của gia đình. Theo lý giải của ông, cả hai vợ chồng đều có những ngày tháng tuổi trẻ gắn bó với lực lượng vũ trang, gắn bó với nước bạn Lào nên khi đọc những trang sách ghi chép về mối quan hệ đặc biệt của hai nước cảm giác như được sống lại những ngày tháng lịch sử thiêng liêng. Hơn nữa, cuốn sách cũng chính là nguồn tư liệu để ông nghiên cứu, thực hiện 2 bài thi về “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào” mà ông đoạt giải nhất toàn quốc năm 2012 và giải ba toàn quốc năm 2017.

Chính vì “tiếng tăm” yêu sách, báo và sưu tầm được nhiều sách hay, quý của ông Lê Reo lan truyền nhiều nơi nên hầu như tuần nào căn phòng của ông cũng đón những người khách cùng sở thích. Họ đến đọc sách, báo và tìm tài liệu phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu của mình. Với lượng kiến thức, hiểu biết vốn có của một người đọc sách, báo lâu năm, ông Reo thường tư vấn cho mỗi đối tượng một bộ sách, phù hợp với từng mục đích khác nhau. “Gặp được một người trẻ có cùng niềm đam mê như mình tôi rất trân quý nên không hẹp hòi gì mà sẵn sàng chia sẻ sách cho các bạn, càng nhiều người đọc sách thì xã hội càng văn minh. Bởi những cuốn sách tuy hoen ố, ngả màu vì thời gian nhưng giá trị chứa đựng của nó không bao giờ cũ”.

Trong căn nhà yên tĩnh, ông Reo vẫn luôn ấp ủ niềm ao ước cùng được lưu giữ, được chia sẻ thật nhiều sách quý với bạn văn, cho những người nặng lòng với sách, báo để những cuốn sách không chỉ mãi nằm yên trên giá và theo thời gian, dần mai một... Theo ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, tủ sách của ông Lê Reo thực sự là một tài sản quý cần được lưu giữ và phát huy. Do đó, UBND xã có định hướng, sau khi hoàn thiện trung tâm văn hóa xã sẽ dành một phòng nhỏ để ông Reo làm thư viện, làm nơi trưng bày số sách, báo cũ mà ông đã dành nửa đời sưu tầm, cất giữ và cũng là nơi để bạn đọc muôn nơi có thể hội tụ về tìm hiểu những tinh hoa trong từng trang sách, tờ báo lưu đầy dấu vết của thời gian ấy.


Bài và ảnh: Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]