(Baothanhhoa.vn) - Chẩn đoán hình ảnh được xem như là cuộc khảo sát đầu tiên để kiểm tra các bộ phận bên trong cơ thể bệnh nhân và những bác sĩ, kỹ thuật viên hình ảnh chính là nhà “phẫu thuật viên ảo” phân tích hình ảnh và cung cấp những dữ kiện đầu tiên, những dữ kiện bằng “cái nhìn xuyên thấu” giúp các bác sĩ lâm sàng có những hướng xử trí phù hợp.

Người “dẫn đường” thầm lặng

Chẩn đoán hình ảnh được xem như là cuộc khảo sát đầu tiên để kiểm tra các bộ phận bên trong cơ thể bệnh nhân và những bác sĩ, kỹ thuật viên hình ảnh chính là nhà “phẫu thuật viên ảo” phân tích hình ảnh và cung cấp những dữ kiện đầu tiên, những dữ kiện bằng “cái nhìn xuyên thấu” giúp các bác sĩ lâm sàng có những hướng xử trí phù hợp.

Người “dẫn đường” thầm lặng

Thạc sĩ Chẩn đoán hình ảnh Lê Quang Hòa, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thực hiện kỹ thuật tạo đường vào tĩnh mạch cửa xuyên gan để nút mạch dưới hướng dẫn của siêu âm, để điều trị giãn vỡ tĩnh mạch thực quản và dạ dày.

Từ “hoa tiêu” dẫn đường đến “tay lái lụa” trong lòng mạch

Những năm 90 về trước, ngành chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam chỉ có chụp phim X-quang đơn giản. Sau này các kỹ thuật siêu âm, CT (chụp cắt lớp vi tính), MRI (cộng hưởng từ), DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền)... phát triển đã tạo nên cuộc cách mạng trong y học. Trước đây các bác sĩ khám bệnh vốn chỉ “nhìn, sờ, gõ, nghe”, quan sát các dấu hiệu bên ngoài, nghe tiếng tim phổi, dựa vào kinh nghiệm mỗi người để chẩn đoán bệnh. Nhiều bệnh nhân vào viện vì đau dưới sườn phải, sốt cao, da mắt vàng. Với nội khoa, những triệu chứng trên là viêm gan siêu vi cấp tính, trong khi với ngoại khoa đó là trường hợp có khả năng tắc mật. Nếu phán đoán là tắc mật thì sẽ được chỉ định điều trị bằng phẫu thuật. Nhưng nếu đây chỉ là bệnh nội khoa, bệnh nhân đang viêm gan sẽ khó mà chịu được một cuộc phẫu thuật với nhiều rủi ro về chức năng gan, đông máu, nhiễm trùng...

“Ngày nay chỉ cần siêu âm, đặt đầu dò vào là đã xác định được đường mật có giãn không, túi mật có to không để đưa ra y lệnh phù hợp, bệnh nhân tránh được những chỉ định phẫu thuật không chính xác. Và rất nhiều những bệnh nhân khác cũng sẽ không phải chịu những đường mổ dài xấu xí, rủi ro dao kéo vì các triệu chứng nhầm lẫn với viêm ruột thừa, đến lúc mở bụng ra mới thấy không phải”, Thạc sĩ chẩn đoán hình ảnh Lê Quang Hòa, Phó trưởng Phòng Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở đầu câu chuyện.

Sự xuất hiện của các phương tiện hình ảnh hỗ trợ đã giúp bác sĩ có thể “nhìn xuyên thấu” cấu trúc bên trong cơ thể bệnh nhân mà mắt thường không thể quan sát. Từ những hình ảnh tưởng chừng như vô tri, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân tích các tổn thương, định hướng chẩn đoán phù hợp, từ đó giúp các bác sĩ lâm sàng đưa ra chẩn đoán và điều trị chính xác, giúp hành trình chữa trị của bệnh nhân đi đúng hướng. Nếu công đoạn này xảy ra sai sót có thể dẫn đến hậu quả khó lường nên đòi hỏi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải nắm vững kiến thức để phân tích, tổng hợp và cung cấp thông tin chính xác nhằm hướng đến chẩn đoán cuối cùng phù hợp nhất. Đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán nhưng ít khi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh được bệnh nhân biết đến. Vì thế bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh được ví như người dẫn đường thầm lặng dẫn lối trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày nay công việc của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh không còn đơn giản là chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh mà đã phát triển lên một tầm cao mới, đó là thực hiện các thủ thuật can thiệp dưới hướng dẫn của các thiết bị hình ảnh, gọi tên chung là chẩn đoán hình ảnh can thiệp. Có rất nhiều các thủ thuật chẩn đoán hình ảnh can thiệp, từ đơn giản là các thủ thuật chọc hút, sinh thiết, dẫn lưu dưới hướng dẫn của siêu âm và cắt lớp vi tính; đến các thủ thuật loại đặc biệt được thực hiện trên thiết bị lợi hại nhất của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh can thiệp là máy chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Đây là các kỹ thuật can thiệp qua đường mạch máu để điều trị các bệnh nhồi máu cơ tim do hẹp tắc động mạch vành, tai biến mạch máu não do vỡ túi phình mạch não, do tắc mạch não, nút mạch điều trị u gan, nút mạch cầm máu cấp cứu... Các thủ thuật này được thực hiện chỉ bằng 1 đường chọc nhỏ vào mạch máu. Lúc này, các bác sĩ trở thành “tay lái lụa” đưa các dụng cụ vào chính xác các vị trí mạch máu tổn thương, và tùy từng mặt bệnh có thể sẽ thông lại mạch tắc trong nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hay nút tắc mạch máu với các trường hợp chảy máu cấp, các khối u giàu mạch...

Thạc sĩ Lê Quang Hòa, cho biết: “DSA là chụp hình kỹ thuật số hóa xóa nền, công nghệ chẩn đoán hình ảnh và can thiệp nội mạch tiên tiến bậc nhất. Trong những tình huống cấp cứu như xuất huyết dưới nhện, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, chảy máu cấp... thì phòng chụp DSA giống như phòng cấp cứu thứ hai. Chụp và can thiệp càng nhanh và càng chính xác, cơ hội sống của bệnh nhân càng cao”.

Kết quả điều trị trên hệ thống DSA thường được đánh giá là ngoạn mục vì đây chỉ là các thủ thuật can thiệp tối thiểu nhưng hiệu quả đạt được là tối đa với thời gian can thiệp ngắn, ít tai biến, biến chứng, người bệnh phục hồi nhanh và sớm được ra viện.

Theo bác sĩ Lê Quang Hòa, Thanh Hóa là một trong những tỉnh sớm tiếp nhận các kỹ thuật này. Ngay từ năm 2009, kỹ thuật DSA đã được ứng dụng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và ngay lập tức hiệu quả nhờ những ưu việt. Đã có hàng vạn bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thụ hưởng, cứu sống nhờ DSA.

Những chiến binh thầm lặng

Bác sĩ Hòa có gần 15 năm gắn bó với ngành chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh là một trong những người đầu tiên thực hiện các kỹ thuật can thiệp dưới DSA tại Thanh Hóa, đồng thời cũng là đầu tàu trong triển khai ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh can thiệp trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trong câu chuyện, bác sĩ Hòa nhắc nhiều tới các đồng nghiệp của mình. Những người cùng anh xây dựng nên phòng chụp DSA. Họ là các kỹ thuật viên, người chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, vận hành, chuẩn bị dụng cụ, bảo quản các máy móc và xử lý hình ảnh. “Kỹ thuật viên là những người đồng đội thầm lặng. Vị thế của họ trong ngành y không có gì để bàn cãi nhưng người ngoài ngành lại ít biết”, bác sĩ Hòa nói.

Lý giải về sự thầm lặng của nghề kỹ thuật viên hình ảnh, bác sĩ Hòa cho hay, trong mỗi thủ thuật dưới DSA, kỹ thuật viên có mặt sớm nhất. Chuẩn bị máy móc, dụng cụ can thiệp xong, họ trực tiếp đưa bệnh nhân lên bàn can thiệp, hướng dẫn tư thế nằm, trấn an tinh thần bệnh nhân. Đồng thời, theo dõi sinh hiệu, đảm bảo an toàn cho người bệnh suốt quá trình bác sĩ thao tác. “Chúng tôi đã phải đánh đổi sức khỏe của bản thân để theo nghề”, bác sĩ Hòa chia sẻ.

Thực hiện các thủ thuật trên máy DSA không thể không nhắc đến tia X. Tia X trong chụp chiếu mang lại hình ảnh đẹp, giúp chẩn đoán chính xác. Song, tác hại của nó đến sức khỏe là không thể phủ nhận. Bệnh nhân chỉ tiếp xúc với tia X một vài lần trong đời. Một số trường hợp có chỉ định can thiệp mạch máu não hay động mạch vành phức tạp, thời gian chiếu tia X kéo dài hơn nhưng vẫn trong giới hạn an toàn cho phép. Còn như anh Hòa và đồng nghiệp phải làm việc trong môi trường độc hại hàng ngày trong thời gian dài sẽ phải đối diện với nguy cơ cao về nhiễm xạ tuyến giáp, tổn thương thủy tinh thể, tổn thương da... Để gảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm xạ, các bác sĩ và kỹ thuật viên trong quá trình thực hiện các thủ thuật phải mặc bộ đồ bảo hộ bằng chì, nặng hơn 10kg, gồm áo chì, váy chì, kính chì, tấm chì đeo cổ bảo vệ tuyến giáp... Nhờ đó, lượng tia bức xạ giảm đến 90%. Tuy nhiên, việc mặc áo chì nặng trong thời gian dài, họ dễ mắc các chứng bệnh về khớp gối, cột sống và tĩnh mạch chi dưới.

Lặng thầm phía sau các thành công trong điều trị của đồng nghiệp, bác sĩ Hòa luôn song hành, động viên đàn em và học trò phải luôn cố gắng, không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, nhìn ra bản chất hình ảnh một cách chi tiết, tường tận nhất có thể, giúp bệnh nhân có chiến lược điều trị hiệu quả nhất. “Trước đây dù chỉ là “hoa tiêu” dẫn đường cho y học, hay hiện tại thực hiện trực tiếp các thủ thuật điều trị cho bệnh nhân thì tôi và đồng nghiệp luôn tự hào đã cứu sống và góp phần giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đó là niềm vui lớn nhất của người làm ngành y", bác sĩ Hòa chia sẻ.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]