(Baothanhhoa.vn) - Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là sớm đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều lao động vẫn không mấy mặn mà với chính sách này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp - lao động vẫn thờ ơ

Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là sớm đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều lao động vẫn không mấy mặn mà với chính sách này.

Nhiều lao động vẫn thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề (ảnh minh họa).

Thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề

Vào thời điểm này, tại Phòng BHTN của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) thường rất đông lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ của phòng còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho người lao động. Thế nhưng, có vẻ như đa số lao động đến đây đều không mấy quan tâm đến vấn đề này. Đơn cử như trường hợp chị Lê Thị Cúc, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) trước đây đã làm việc ở một công ty may mặc ở Bình Dương được hơn 3 năm. Do công ty cắt giảm lao động nên chị phải nghỉ việc từ đầu tháng 3-2018. Chị Cúc chia sẻ: “Tôi đã đóng đủ 3 năm BHTN nên chỉ muốn lấy tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sắp tới, tôi có ý định về quê mở cửa hàng tạp hóa hoặc đi xuất khẩu lao động Đài Loan, nên tự thấy việc học nghề là không cần thiết. Hơn nữa, mức hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay là quá thấp so với chi phí ăn uống, đi lại nên tôi không đăng ký học nghề”. Tương tự như trường hợp của chị Cúc, chị Nguyễn Thị Thảo, xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa) đã chốt sổ bảo hiểm xã hội để xin hưởng BHTN băn khoăn: Với trình độ đào tạo sơ cấp như hiện nay, khi tới doanh nghiệp làm việc liệu lương có cao hơn trước không? Trong khi nếu một công nhân may không học nghề, họ xin vào công ty làm việc thì công ty vẫn đào tạo nghề cho họ và họ vẫn có lương. Nên theo tôi, không cần thiết phải đăng ký học nghề.

Trước đây, theo Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lao động thất nghiệp được hỗ trợ tối đa mỗi khóa học nghề đến 3 tháng là 3 triệu đồng/người/khóa học, trên 3 tháng là 600.000 đồng/người/tháng. Còn theo Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN, thì người lao động tham gia học nghề được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Đối với người lao động tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả... Mức hỗ trợ là vậy, tuy nhiên số liệu thống kê của trung tâm dịch vụ việc làm, trong năm 2017, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 17.047 người. Trung tâm đã tổ chức 44 buổi tư vấn tập trung cho gần 5.000 người lao động đến đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp, nội dung tư vấn: Chính sách, pháp luật về việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động, song chỉ có 84 trường hợp có nhu cầu học nghề trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp nào đăng ký học nghề.

Chính sách cần sát thực tế

Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân chủ yếu mà người lao động không mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề là do quy định về mức hỗ trợ học nghề còn thấp. Qua các lớp đào tạo với trình độ sơ cấp thì người lao động chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc. Còn nếu muốn nâng cao kỹ năng làm việc thì lao động phải bỏ thêm chi phí. Mặt khác, đối với những lao động có trình độ cao thì họ lại không muốn học các lớp đào tạo sơ cấp. Nên khi được tư vấn học nghề, rất nhiều lao động thất nghiệp đã từ chối.

Lý giải nguyên nhân lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thờ ơ với chính sách hỗ trợ học nghề, ông Phạm Văn Viện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: Trên thực tế, đặc điểm của người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu là đã làm ở các tỉnh, thành phố phía Nam với nhóm nghề chính là điện tử, may mặc... Khi trở về quê hương, những nghề này khó xin việc, bởi nhu cầu ít và các công ty may ở tỉnh ta thường tự đào tạo đội ngũ công nhân riêng. Mặt khác, tâm lý của người lao động là rất ngại chuyển nghề trong bối cảnh mặt bằng chung về việc làm ở tỉnh ta là “cầu” luôn không đáp ứng “cung”. Bên cạnh đó, với một số nghề có chi phí đào tạo cao như lái xe, cơ khí, kế toán... thì mức hỗ trợ này còn khá thấp. Hơn nữa, với các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thì chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc; nếu muốn nâng cao kỹ năng làm việc, người lao động phải bỏ thêm chi phí để tham gia các khóa trung cấp hoặc cao đẳng nghề, trong khi đại đa số lao động đến đăng ký thất nghiệp tại trung tâm là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%), đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền trợ cấp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống, nên không có điều kiện để tái đầu tư cho kỹ năng làm việc! Do vậy, tâm lý chung của những người thất nghiệp là dành thời gian kiếm sống bằng các công việc không chính thức khác để duy trì cuộc sống trước khi tìm được việc làm mới.

Ông Viện cũng khẳng định: Hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề là một chính sách cần thiết để đối tượng này sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả hơn, cần nâng mức hỗ trợ học nghề ở một số ngành nghề sơ cấp có chi phí đào tạo cao để giảm bớt gánh nặng cho người lao động. Mặt khác, các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp cho họ dễ tìm việc làm sau khi được đào tạo.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]