(Baothanhhoa.vn) - Rủi ro, thiên tai hay tai nạn thương tích (TNTT), là những tác động có thể gây tổn thương đến trẻ, thậm chí gây tử vong. Để bảo vệ trẻ trước những rủi ro, thiên tai, TNTT, thời gian qua, các ban, sở, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó với các tình huống rủi ro, TNTT.

Nâng cao kỹ năng ứng phó rủi ro, tai nạn, thương tích cho trẻ em

Rủi ro, thiên tai hay tai nạn thương tích (TNTT), là những tác động có thể gây tổn thương đến trẻ, thậm chí gây tử vong. Để bảo vệ trẻ trước những rủi ro, thiên tai, TNTT, thời gian qua, các ban, sở, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó với các tình huống rủi ro, TNTT.

Nâng cao kỹ năng ứng phó rủi ro, tai nạn, thương tích cho trẻ emBuổi ngoại khóa nâng cao kỹ năng ứng phó với rủi ro, tai nạn thương tích cho trẻ.

Đảm nhận vai trò chính trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ, thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống TNTT cho trẻ em. Hằng năm, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định, văn bản liên quan đến công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực như, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, hội thi, diễn đàn, sinh hoạt câu lạc bộ... Trong đó, tập trung tuyên truyền tại cộng đồng, đặc biệt là các địa bàn, khu vực trẻ em có nguy cơ bị TNTT cao. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hơn 50 lớp tập huấn truyền thông về phòng, chống TNTT cho hơn 2.700 bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em tại cộng đồng; in, cấp phát 31.000 tờ rơi về phòng, chống TNTT. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 100% trường học tổ chức các hoạt động truyền thông xây dựng trường học an toàn, phòng chống TNTT; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa trang bị kỹ năng sống, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng, chống TNTT, an toàn giao thông. Hội Chữ thập đỏ tỉnh là đơn vị thực hiện cứu trợ nhân đạo, có kinh nghiệm, chuyên môn và kỹ năng về cách phòng, tránh các rủi ro, thiên tai, hỏa hoạn và TNTT. Theo đó, hằng năm hội đã phối hợp với các huyện, ngành giáo dục và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động ngoại khóa về kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh TNTT, sơ cấp cứu cho trẻ em trên địa bàn tỉnh thông qua các hình thức như, xây dựng các tình huống; tổ chức dã ngoại, ngoại khóa, tập huấn...

Có mặt tại buổi ngoại khóa về kỹ năng thoát hiểm cho trẻ do Hội Chữ thập đỏ phối hợp với Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu tổ chức, chúng tôi được quan sát các em ứng xử trước những tình huống rủi ro, khẩn cấp như: thoát hiểm trong đám đông, khi có người lạ bắt cóc, hỏa hoạn, mưa giông, lốc xoáy. Ban đầu, hầu hết các em đều lúng túng, bỡ ngỡ trước những tình huống đặt ra. Qua buổi ngoại khóa với những tình huống cụ thể, gắn liền với thực tiễn và hình thức thể hiện sinh động, các em học sinh đã được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng nhận diện thiên tai như, bão, ngập lụt, giông sét, lốc xoáy; các tình huống có nguy cơ xảy ra nguy hiểm; cách ứng phó với các thiên tai; ứng phó trong các tình huống rủi ro, khẩn cấp... Đồng thời, các em nắm được cách sử dụng các phương tiện, vật dụng để thoát hiểm; rèn luyện kỹ năng thuyết trình, tự xây dựng các tình huống khẩn cấp và chọn các phương án thoát hiểm.

Hay như Trường THCS Quảng Nhân (huyện Quảng Xương), để nâng cao kỹ năng phòng chống TNTT cho các em học sinh và giáo viên, nhà trường đã phối hợp với hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên tổ chức buổi truyền thông phòng chống TNTT và sơ cấp cứu cho hơn 400 học sinh và giáo viên. Qua chương trình, các em được cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh TNTT, kỹ năng sơ cấp cứu trong các trường hợp đuối nước, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, tổn thương phần mềm do va đập... Từ đó, giúp các em có thể xử trí nhanh các tình huống TNTT xảy ra, nhằm hạn chế tổn thương thứ phát cho nạn nhân. Em Trần Khánh Nhi, lớp 8 cho biết: Buổi ngoại khóa đã giúp em biết được các bước xử lý khi có sự cố xảy ra, nắm bắt kỹ năng sơ cấp cứu cũng như cách sử dụng đúng và hiệu quả các phương tiện, vật dụng để thoát hiểm kịp thời, hạn chế xảy ra thương vong.

Việc ứng phó với các trường hợp rủi ro, thiên tai như, lũ lụt, bão, mưa giông, sấm sét hay các TNTT trong cuộc sống như đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông, bỏng, ngã... đang ngày càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT cho trẻ em là hết sức cần thiết. Bởi những kỹ năng ứng phó với rủi ro thiên tai hay TNTT ấy sẽ trở thành nền tảng để các em có những tri thức, kỹ năng căn bản để thích ứng với môi trường sống. Tuy nhiên, do kinh phí tổ chức các hoạt động này thường tương đối cao, nên các địa phương, đơn vị chưa thể tổ chức thường xuyên, liên tục để tạo thành phản xạ, thói quen cho trẻ.

Ðể hoạt động này đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn xã hội. Các ban, sở, ngành, các địa phương và các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần tăng cường phối hợp trong công tác định hướng, giám sát, hướng dẫn hoạt động vui chơi, sinh hoạt trong cuộc sống cũng như các hoạt động ngoại khóa; trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng xử. Đặc biệt, mỗi gia đình cần chủ động hơn nữa trong việc giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng nhận biết nguy hiểm, kỹ năng tự ứng phó, tự vệ khi gặp rủi ro, TNTT, xâm hại để trẻ em tự tin và chủ động bảo vệ bản thân.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]