(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ không ngừng được nâng cao. Họ không chỉ là người “xây tổ ấm”, giữ lửa, vun vén hạnh phúc gia đình. Nhiều tấm gương phụ nữ không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, phát triển sự nghiệp, cống hiến hết sức mình cho xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Muôn hoa thắm sắc...

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ không ngừng được nâng cao. Họ không chỉ là người “xây tổ ấm”, giữ lửa, vun vén hạnh phúc gia đình. Nhiều tấm gương phụ nữ không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, phát triển sự nghiệp, cống hiến hết sức mình cho xã hội.

Muôn hoa thắm sắc...

Chị Trần Thị Duyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Duyên Lực (thôn Tân Thắng 2, xã Hợp Thắng, Triệu Sơn) chăm sóc cây cảnh trong trang trại của công ty.

“Bông hồng thép” của ngành điện lực Thanh Hóa

Như bông hoa lặng lẽ tỏa hương, mặc dù đã hơn 10 năm kể từ ngày nhận quyết định nghỉ hưu, bà Lê Thị Thục, Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa (Tổng Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa) vẫn chưa một ngày thôi mải mê, trăn trở với công việc. Bà Thục đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2004), Huân chương Lao động hạng Ba (2013) và nhiều năm liền được trao tặng giấy khen, bằng khen của các cấp, ban, ngành, hội.

Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa được xây dựng và phát triển từ đội đúc cột điện (Tổng Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa). Nhiệm vụ chính của công ty là tập trung sản xuất, đảm bảo cung cấp sản phẩm cột bê tông; cung cấp vật tư, phụ kiện, gia công cốt thép, móng cột phục vụ các công trình xây lắp điện và tham gia vào một phần công việc quản lý, kinh doanh điện nông thôn của tổng công ty. Nhìn những phân xưởng ngổn ngang nguyên, vật liệu, rộn ràng tiếng máy, công nhân hăng say làm việc, ít ai biết được rằng, Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa đã từng trải qua giai đoạn khó khăn, chật vật, thiếu thốn đủ bề. Để giờ đây, khi nhắc nhớ về những năm tháng ấy, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa vẫn thầm cảm phục, trân trọng người “nữ thuyền trưởng” kiên cường, bản lĩnh, luôn “vững tay chèo”, từng bước đưa công ty phát triển, gặt hái được nhiều thành công. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, với bản lĩnh, kinh nghiệm, tinh thần quyết đoán, dám nghĩ dám làm, bà Thục cùng các cán bộ, công nhân viên, người lao động luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Ngay cả khi còn đảm đương nhiệm vụ đội trưởng đội đúc cột điện giữa lúc thời cuộc khó khăn, không có việc làm, bà Thục vừa lo dạy nghề cho các học viên, đảm bảo quy trình sản xuất và ngày đêm trăn trở lo tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà không quản gian nan, cực nhọc theo chân các công trình, băng núi, vượt đèo tới những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của các huyện miền núi Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước... “Bông hoa” ấy chấp nhận “nằm gai nếm mật”, cả ngày đội nắng, dầm mưa xách từng xô nước trộn xi măng rồi đêm xuống lại buông mình mệt nhoài ngủ lăn lóc dưới màn trời, chiếu đất chẳng thua kém bất kỳ một đấng nam nhi “sức dài vai rộng” nào.

Để rồi, đội đúc cột điện dần phát triển thành xí nghiệp. Năm 1999, xí nghiệp do “nữ thuyền trưởng” Lê Thị Thục “chèo lái” đã tiến hành cổ phần hóa, chính thức hoạt động với cái tên Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hình thành và từng bước trưởng thành của công ty. Đây là đơn vị tiến hành cổ phần hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó đến nay, dưới sự “chỉ huy” của bà Thục cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa, Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thanh Hóa luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đạt mức tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động được cải thiện về mọi mặt; các phong trào thi đua được phát động, triển khai sôi nổi, thiết thực, trở thành truyền thống của công ty. Các tổ chức đảng, đoàn thể được công nhận vững mạnh... Năm 2020, giá trị sản lượng của công ty đạt 104 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019.

Bên cạnh nỗ lực phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bà Lê Thị Thục luôn năng động, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng, nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với Chỉ thị 05–CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bà Thục tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Bà Thục chia sẻ: “Trong bất cứ công việc gì cũng vậy, một khi đã bắt tay vào làm là phải xác định làm vì đam mê, yêu mến, cống hiến hết mình. Quan trọng là phải có lương tâm, trách nhiệm và biết sắp xếp công việc sao cho khoa học, hợp lý, hiệu quả nhất, cân bằng, hài hòa giữa gia đình và công việc. Bởi lẽ, từ khi sinh ra, thiên chức của phụ nữ là người giữ lửa, vun vén hạnh phúc, tổ ấm gia đình. Đó là phẩm chất, truyền thống quý báu mà mỗi người phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm kế thừa và phát huy”.

Giữ lửa gia đình và theo đuổi đam mê

Dẫn khách đi một vòng tham quan vườn cây ăn quả, khu chăn nuôi lợn rừng, trồng cây cảnh, chị Trần Thị Duyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Duyên Lực (thôn Tân Thắng 2, xã Hợp Thắng, Triệu Sơn) cũng không nghĩ được rằng, bản thân và gia đình có thể gắn bó, xây dựng và phát triển trang trại được như bây giờ. Bởi lẽ, năm 2013, khi chị Duyên và chồng vượt qua nhiều ý kiến can ngăn của người thân, bạn bè để làm đơn gửi UBND xã nhận thầu đất tại thôn Hợp Thắng 2 để đầu tư, phát triển kinh tế, nơi đây chỉ là bãi đất hoang xen kẽ đầm lầy, đường sá đi lại khó khăn.

Với diện tích ban đầu là 1,6 ha, chị Duyên cùng chồng bàn bạc với nhau tập trung sản xuất lúa, trồng khoai lang, rau màu. Tuy thu nhập chẳng đáng kể, công việc lại vất vả nhưng hai người luôn động viên nhau cố gắng. Thời điểm đó, chồng chị Duyên thường xuyên phải đi học xa nhà, bao nhiêu công việc đồng áng, việc gia đình, “việc làng, việc nước”... dồn cả lên đôi vai gầy, nhỏ bé ấy. Dẫu khó khăn, vất vả ra sao, chị Duyên đều cố gắng khắc phục, vượt qua, thu xếp, lo liệu, chu toàn mọi việc để chồng yên tâm hoàn thành việc học. Năm 2015, sau khi tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng, gia đình chị Duyên quyết tâm đầu tư cải tạo, mở rộng quy mô, xây dựng mô hình trang trại. Bước sang năm 2017, anh chị tiếp tục hoàn thiện, hình thành trang trại tổng hợp với tổng diện tích là 2,3 ha, hoạt động sản xuất trên các lĩnh vực: trồng trọt (cây cảnh, cây ăn quả...), nuôi 200 con lợn rừng, hơn 1.000 con vịt, gà... Cùng với đó, trang trại có 15 ao cá, chủ yếu nuôi thả các loại cá rô phi, mè, trắm... và một số loại cá đặc sản có giá trị như: cá trắm đen, cá lăng... hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

Dấn thân vào phát triển trang trại, sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ là việc dễ dàng. Không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn mà cần phải bản lĩnh, kiên trì, ham học hỏi và niềm đam mê, quyết tâm lớn. Nếu không có được những yếu tố ấy, chị Duyên không thể vượt qua được những đêm tối vò võ một mình giữa trang trại, thấp thỏm trông nom; những trưa hè nắng như đổ lửa vẫn “ham công, tiếc việc” mà cặm cụi cuốc đất, nhặt cỏ; những hôm trời mưa to, gió lớn vẫn phải xoay xở, lo lắng đến quên ăn. Mặc dù không được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng chị Duyên rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức nông nghiệp, quản lý qua nhiều kênh khác nhau nhằm tự hoàn thiện. Khó khăn không làm chị lùi bước, với mong muốn được phát triển hơn nữa để đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương, năm 2019, gia đình chị Duyên mạnh dạn thành lập Công ty TNHH MTV Duyên Lực với số vốn điều lệ ban đầu là 600 triệu đồng. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác thủy, hải sản nội địa. Công ty tạo việc làm cho khoảng 12 lao động thời vụ, 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập dao động từ 120 – 150 nghìn đồng/người/ngày. Lao động làm việc tại công ty chủ yếu là phụ nữ địa phương, ưu tiên những người có hoàn cảnh khó khăn, lớn tuổi, không có việc làm...

Tuy công việc ở công ty chiếm phần lớn thời gian trong ngày nhưng chị Duyên vẫn luôn là hội viên tích cực, nhiệt tình tham gia các phong trào do thôn, xã phát động như: phối hợp với tổ chức hội phụ nữ xã đào tạo việc làm cho nhiều hội viên; ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông nội thôn với tổng giá trị hàng chục triệu đồng. Với những nỗ lực, phấn đấu ấy, năm 2020, chị Duyên đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào thi đua; Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

Đâu chỉ có bà Thục, chị Duyên, theo suốt chiều dài lịch sử, cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ xứ Thanh luôn tỏa sáng năng lực, phẩm chất quý báu, đáng tự hào. Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, họ cũng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và bản lĩnh trước những khó khăn, thách thức, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]