(Baothanhhoa.vn) - Đêm ở ngôi trường vùng biên Hiền Kiệt (Quan Hóa) vốn yên tĩnh, bỗng rộ lên tiếng đập cửa, tiếng người nói qua lại. “Đám trai bản lại vào khu bán trú rồi”, vừa nói cô giáo Cúc vừa rảo nhanh bước chân xuống khu nhà dành cho nhóm học sinh bán trú.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mừng, lo bán trú

Mừng, lo bán trú

Trường THCS Hiền Kiệt.

Đêm ở ngôi trường vùng biên Hiền Kiệt (Quan Hóa) vốn yên tĩnh, bỗng rộ lên tiếng đập cửa, tiếng người nói qua lại. “Đám trai bản lại vào khu bán trú rồi”, vừa nói cô giáo Cúc vừa rảo nhanh bước chân xuống khu nhà dành cho nhóm học sinh bán trú.

Khoảng dăm bảy thanh niên đang tụ tập trước một phòng nữ sinh, tay đập liên hồi miệng gọi người bên trong mở cửa. Thấy giáo viên nhà trường đến, họ chỉ dừng tay đập nhưng miệng vẫn không ngừng gọi. Cô Cúc nhắc nhở và yêu cầu họ ra khỏi khu bán trú, nhưng đáp lại cô là những cái nhìn trân trân. Phải một lúc sau, đám thanh niên nọ mới bỏ đi. Đêm tạm yên tĩnh, nhưng sự việc chưa vì vậy mà kết thúc. Bởi chỉ một lúc sau, khi cả khu bán trú học sinh và khu nhà ở giáo viên chỉ còn loáng thoáng vài ánh điện, bỗng có tiếng kính vỡ sắc lạnh do bị vật cứng đập vào, tiếng quát của một vài thầy giáo, rồi tiếng xe máy rồ ga phóng vào màn đêm để lại chuỗi cười vênh vang mãi một lúc sau mới tắt hẳn. Chừng nửa đêm, cả giáo viên và học sinh mới yên ổn chìm vào giấc ngủ.

Buổi sáng, khu bán trú vắng lặng vì tất cả học sinh đều đã khóa cửa để lên lớp. Chờ đến giờ ra chơi, cô nữ sinh lớp 9 Vi Thị Xoa mới vội vã trở về phòng lấy thêm sách. Thấy tôi bắt chuyện, Xoa có vẻ e ngại khi tôi hỏi chuyện phát sinh tối qua. “Việc mấy anh thanh niên vào khu bán trú có xảy ra thường xuyên không em?”, tôi hỏi. “Họ cũng hay vào, nhất là khi say là vào đập cửa phòng mấy chị lớp 9 bên cạnh. Em cũng học lớp 9 nhưng ở chung phòng với các em lớp dưới nên ít bị gọi cửa. Họ thường vào muộn và phải đến khi các thầy, cô giáo xuống nói, họ mới chịu về. Họ chỉ vào chơi, nói chuyện, không dọa nạt nhưng bọn em cũng sợ lắm, nên thường khóa cửa sớm và không mở cửa khi biết họ gọi”. Đem sự việc trên trao đổi với thầy giáo Phạm Hữu Từ, người được giao phụ trách khu bán trú, tôi được thầy cho biết: Do khu bán trú không có tường rào bao quanh nên người bên ngoài rất dễ ra vào. Thanh niên khu vực lân cận trường vào khu bán trú cũng gây e ngại và ít nhiều ảnh hưởng đến việc học tập, nghỉ ngơi của học sinh. Thỉnh thoảng cũng phát sinh một số trường hợp họ cố tình gây áp lực cho học sinh bên trong, như đập cửa mạnh hay nói to. Tuy vậy, mọi việc đến nay vẫn chưa phát sinh vấn đề gì nghiêm trọng, chẳng hạn trộm cắp hay quậy phá, vì chủ yếu là thanh niên xã Hiền Kiệt và các xã lân cận vào tán tỉnh học sinh nữ.

Năm học 2018-2019, Trường THCS Hiền Kiệt có 268 học sinh/8 lớp, trong đó 98% học sinh là người Thái. Tuy không phải là trường bán trú, vì theo quy định, trường phải có từ 50% học sinh trở lên ăn, ở bán trú thì mới đủ điều kiện là trường bán trú. Thế nhưng, do nhà trường hiện có 42 học sinh, thuộc 2 bản Mọ và Cháo, cách trường chừng 7 – 10 km, nên nhà trường đã tổ chức ăn, ở bán trú cho các em. Thầy giáo Lại Xuân Mạnh, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Những học sinh đang ở bán trú này được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định dành cho đối tượng này, như được cấp 15 kg gạo/tháng và hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ bản/tháng. Việc một bộ phận học sinh được ở bán trú là niềm vui không chỉ của riêng các em và gia đình, mà bản thân các thầy, cô giáo trong trường cũng thấy mừng. Bởi nhờ ở bán trú mà các em được đi học đều, ngoan ngoãn, có ý thức học tập, thực hiện tốt các quy định của nhà trường và nội quy bán trú.

Nói về việc thanh niên bên ngoài vào quấy quả trong khu bán trú, thầy Mạnh cho biết thêm, hiện nhà trường không có bảo vệ túc trực 24/24 giờ, do không có kinh phí để thuê, mà chỉ thuê bảo vệ thời vụ, nên cũng rất khó để kiểm soát thường xuyên, liên tục người ra vào khu bán trú. Do đó, để hạn chế tối đa những ảnh hưởng từ bên ngoài đến việc học tập, ăn nghỉ của học sinh, trường đã cắt cử 2 thầy giáo kiêm nhiệm phụ trách khu bán trú. Nhiệm vụ của các thầy là quản lý, hướng dẫn, nhắc nhở việc học tập, ăn ở của học sinh theo đúng nội quy, quy định của nhà trường. Đồng thời, các thầy, cô giáo trong trường cũng rất sát sao đến hoạt động của khu bán trú. Ngay như sự việc thanh niên bên ngoài vào khu bán trú thời gian gần đây, cũng chính các thầy, cô là người túc trực buổi tối để yêu cầu các đối tượng ra khỏi nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cũng đề ra quy định, sau 22 giờ tất cả học sinh phải đóng cửa đi ngủ. Ngoài ra, nhà trường cũng đã báo cáo tình hình và đề nghị chính quyền địa phương sớm có biện pháp, nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã nói chung và nhà trường nói riêng. Từ đó, tạo ra môi trường học tập, vui chơi, ăn nghỉ an toàn cho các em học sinh.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]