(Baothanhhoa.vn) - Đã bao năm, người đàn ông ấy vẫn miệt mài bên chiếc bàn cũ kỹ với đủ thứ đồ nghề để tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống. Bằng tình yêu và tâm huyết của mình, ông vẫn ngày ngày gắn bó với công việc chế tác không chỉ đơn giản bởi thu nhập mà sâu xa hơn nữa là muốn lưu giữ lại một nghề truyền thống ông cha.

Lưu giữ nghề chạm bạc truyền thống

Đã bao năm, người đàn ông ấy vẫn miệt mài bên chiếc bàn cũ kỹ với đủ thứ đồ nghề để tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống. Bằng tình yêu và tâm huyết của mình, ông vẫn ngày ngày gắn bó với công việc chế tác không chỉ đơn giản bởi thu nhập mà sâu xa hơn nữa là muốn lưu giữ lại một nghề truyền thống ông cha.

Lưu giữ nghề chạm bạc truyền thốngNhững món đồ trang sức tinh tế được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công.

Đã hơn 40 năm được kế thừa nghề truyền thống chạm bạc của gia đình, ông Trần Quốc Long là đời thứ tư được truyền nghề đến nay vẫn gắn bó với công việc thủ công truyền thống. Nằm khiêm nhường trên con phố Lê Hoàn sầm uất vào dạng bậc nhất TP Thanh Hóa, cơ sở chế tác và kinh doanh bạc của ông không trưng bày quá nhiều hàng hóa. Không gian nhỏ hẹp chỉ đủ chứa hai chiếc tủ đựng sản phẩm để giới thiệu với khách hàng và chiếc bàn nhỏ là nơi làm nghề của chủ nhà nhưng với những người sử dụng sản phẩm bạc lâu năm đều chọn nơi này để ghé qua mỗi khi có nhu cầu.

Trò chuyện cùng chúng tôi, người đàn ông đã ngoài 60 với khuôn mặt phúc hậu, giọng nói chậm rãi toát lên sự điềm tĩnh không khỏi tự hào về cái nghề đi liền với những tháng năm cuộc đời mình. Từ khi còn bé, những tiếng lách cách chạm bạc của cha đã bắt nguồn cho sự đam mê với nghề. Để rồi cho đến nay dù đến tuổi nghỉ ngơi, con cái đã trưởng thành nhưng ông Long vẫn hằng ngày say mê, tỉ mẩn bên từng sản phẩm. Mỗi chi tiết nhỏ là cả tâm huyết của ông, từ mũi khoan, đường mài giũa đều được ông chăm chút cẩn thận, chính vì thế mà sản phẩm của ông luôn nổi bật và được nhiều người biết đến.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn chế tác. Với dây truyền, công đoạn đầu tiên là nấu bạc đổ vào “thão” chính là chiếc khuôn nhỏ rồi cán rút thành sợi, cuốn lại và cắt thành những khoen tròn. Tiếp theo là khâu hàn nối các khoen với nhau tạo thành dây dài hoặc ngắn, ép lại cho phẳng và đánh bóng hoàn thiện. Với những mặt hàng khác nhiều hoa văn họa tiết, người thợ lại cần hơn sự khéo léo và con mắt nghệ thuật. Và điều quan trọng nữa là sự tính toán nguyên liệu hợp lý để sản phẩm làm ra phải chuẩn từng chi tiết.

Được tận mắt chứng kiến quá trình tạo nên một chiếc dây chuyền dành cho trẻ em, chúng tôi không khỏi thích thú trước các thao tác thuần thục trên các dụng cụ, đồ nghề hết sức thô sơ, nhỏ nhắn. Từ vỏ lon bia cắt nắp đến chiếc bát inox cũ hay 1 vài thanh sắt cũng góp cùng đôi bàn tay người thợ làm nên nhiều món đồ trang sức. Chỉ trong thời gian không lâu, từ một viên bạc thô, qua các công đoạn nấu nóng, ép uốn, mài giũa, chẳng mấy chốc chiếc dây chuyền đã hoàn thiện óng ả và đẹp mắt.

Trong thời buổi thị trường vàng bạc phát triển hiện nay, phần lớn người ta đưa máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất, cách thức làm thủ công đã không còn nhiều. Và ông Long là một trong số ít người vẫn trung thành với cách làm thủ công truyền thống, tạo nên những món đồ trang sức bằng chính đôi bàn tay khéo léo. Khi nhu cầu thị trường không còn nhiều như trước, ông vẫn túc tắc giữ nghề bởi với ông công việc này trước đây khi còn thịnh đã cho ông cuộc sống đủ đầy và giờ đây khi đã tuổi cao lại cho ông những khoảnh khắc bình yên, được thỏa lòng đam mê với nghề. Ông nói: “Cho đến tận bây giờ, mỗi khi làm ra được một sản phẩm mới, một mẫu mới, tôi vẫn thấy vui trong lòng. Nghề này đòi hỏi sự công phu, tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và chút năng khiếu thì mới có thể trụ lại với nghề. Tôi vẫn còn tiếp tục làm việc cho đến khi sức không còn đủ khỏe thì mới dừng lại”.

Không quảng cáo rầm rộ, cũng không trưng bày quá nhiều mẫu mã nhưng ông Long vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các huyện trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi. Nhiều khách hàng lâu năm từ các tỉnh, thành khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mỗi khi có dịp trở về quê Thanh vẫn ghé qua nhà ông mua vòng, kiềng bạc về làm quà chống cảm cho trẻ nhỏ.

Vẫn ngày ngày miệt mài bên góc bàn nhỏ, ông Trần Quốc Long đã chế tác ra biết bao món đồ trang sức bằng bạc tinh tế, làm đẹp thêm cho người sử dụng. Mong muốn gìn giữ nghề truyền thống gia đình cũng là cách người đàn ông này góp phần lưu dấu một nét văn hóa nhỏ cho phố phường.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]