(Baothanhhoa.vn) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Thực tế, đã có nhiều làng quê phát triển mạnh mẽ, khoác lên mình “chiếc áo mới” nhờ xuất ngoại, trong đó có xã Đông Minh (Đông Sơn).

Làng “tỷ phú” nhờ xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Thực tế, đã có nhiều làng quê phát triển mạnh mẽ, khoác lên mình “chiếc áo mới” nhờ xuất ngoại, trong đó có xã Đông Minh (Đông Sơn).

Làng “tỷ phú” nhờ xuất khẩu lao độngCơ ngơi của gia đình anh Trung, chị Tình được gây dựng từ nguồn tiền XKLĐ.

Ông Lê Trọng Trung, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước đây Đông Minh là xã thuần nông, mức sống chỉ ở mức trung bình thấp so với các xã khác trong huyện. Từ năm 2010, khi phong trào XKLĐ ở địa phương manh nha phát triển, một vài gia đình có con em xuất ngoại kinh tế dần ổn định rồi khá giả. Nhận thấy đây là một kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của XKLĐ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp XKLĐ về địa phương tuyển dụng lao động. Đồng thời, giao cho các hội đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh nắm bắt số người trong độ tuổi để khuyến khích, vận động họ mạnh dạn tham gia XKLĐ; tạo điều kiện giải quyết nhu cầu vốn vay cho đoàn viên, hội viên bằng kênh tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, vay quỹ tín dụng Nhân dân xã. Mặt khác, các hộ có con em đi XKLĐ cũng đã gửi tiền về để hỗ trợ người thân, anh em trong dòng họ vay đi XKLĐ... Nhờ đó, số người XKLĐ ở địa phương ngày càng tăng mạnh. Từ chỗ số người tham gia XKLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay toàn xã có 326 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nguồn tiền người lao động gửi về địa phương mỗi năm khoảng trên 42 tỷ đồng.

Nhờ xuất ngoại mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương đã vươn lên thoát nghèo, cận nghèo, trở thành hộ khá, giàu ở địa phương. Điển hình là hộ bác Lê Thị Mai ở thôn 4, năm 2014 gia đình bác còn là hộ cận nghèo. Thấy những nhà có con em đi XKLĐ đều có cuộc sống khá giả. Hơn nữa, nếu con trai đi XKLĐ sẽ được vay vốn ký quỹ 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, bác đã động viên con là Lê Văn Hùng đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc. Với bản tính cần cù, chịu khó nên chỉ sau 3 tháng làm việc ở nước ngoài, Hùng đã gửi được tiền về cho mẹ. Nhận thấy XKLĐ sẽ sớm thoát được đói nghèo, bác Mai tiếp tục đầu tư để con gái “xuất ngoại”. Sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động về nước, em gái Hùng đã thi đỗ tiếng Hàn theo Chương trình EPS, đang chờ phía Hàn Quốc gọi tên. Hiện tại, gia đình bác Mai có 3 người đi XKLĐ, trong đó có 1 con trai và 2 con rể. Từ nguồn tiền XKLĐ các con gửi về, bác Mai mua đất, xây được 2 căn nhà, một nhà 3 tầng và một nhà 2 tầng, mở một cửa hàng tạp hóa để kinh doanh.

Cũng từ nguồn tiền tích cóp trong thời gian đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc mà vợ chồng anh Lê Trần Trung và chị Nguyễn Thị Tình ở thôn 1 đã mua được cả nghìn mét vuông đất mặt đường Quốc lộ 47 để xây nhà, dựng xưởng in, xưởng rèn, mua các máy móc, thiết bị, mở Công ty TNHH In và Quảng cáo Trung Tình, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động với mức từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Chị Tình chia sẻ: Sang nước bạn nếu vợ chồng tôi không tu chí, chăm chỉ làm ăn thì khó có “của ăn, của để”, bởi trong 3 năm đầu tôi liên tục sinh 2 cháu bé. Chi phí nuôi con nhỏ ở nước ngoài khá tốn kém. Do chịu thương chịu khó và may mắn 2 lần xuất ngoại đều “đầu quân” vào làm tại một công ty in và quảng cáo bên Hàn Quốc, chồng tôi học hỏi, đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm nên thu nhập tương đối cao và ổn định. Về nước vừa có vốn vừa có tay nghề nên 2 vợ chồng quyết định thành lập công ty chuyên lĩnh vực in và quảng cáo; đồng thời mở thêm xưởng in, xưởng hàn để kinh doanh.

Không riêng gì anh Trung, chị Tình, các con bác Mai mà rất nhiều hộ gia đình khác trong xã có người đi XKLĐ đã “đổi đời”. Ví như gia đình bác Thau có 3 người con đi XKLĐ; gia đình bác Kế có 4 người con cả dâu, rể cùng đi XKLĐ... đều có kinh tế vững ở địa phương. Nhiều gia đình có người đi XKLĐ không những xây được nhà cao tầng, biệt thự, mua ô tô mà còn mở công ty, cửa hàng, cửa hiệu tạo việc làm cho nhiều người lao động khác. Những thôn có đông người đi XKLĐ rất tích cực đóng góp xây dựng thôn, xóm ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Điển hình là thôn 6, mới đây, chỉ qua 1 cuộc vận động xây dựng thôn kiểu mẫu đã đóng góp ủng hộ bằng tiền và hiện vật quy ra tiền trị giá gần 150 triệu đồng.

Thực tế minh chứng XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 35% thì đến năm 2020 giảm còn 0,27% (hiện chỉ còn hộ nghèo bảo trợ). Thu nhập bình quân đầu người từ 25 triệu đồng/năm tăng lên 67,01 triệu đồng/năm. Do phát triển mạnh nên xã vinh dự được huyện Đông Sơn chọn là 1 trong 2 xã điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện xã đang tập trung các giải pháp nhằm nâng mức thu nhập của người dân lên 96 triệu đồng/người/năm và gấp rút hoàn thiện 14/14 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021 theo đúng kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]