(Baothanhhoa.vn) - Họ là những con người bình dị như biết bao người dân lao động trong xã hội. Những người như anh Trỗi, chị Minh vẫn hàng ngày làm công việc cứu người, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội và coi đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Lặng thầm mà cao cả, với tinh thần tương thân tương ái, họ đã thắp lên ngọn lửa ấm áp của lòng nhân ái và giúp nó lan tỏa khắp cộng đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lặng thầm mà cao cả

Lặng thầm mà cao cả

Anh Nguyễn Văn Trỗi chuẩn bị đồ nghề để lên đường đi sơ cứu.

Họ là những con người bình dị như biết bao người dân lao động trong xã hội. Những người như anh Trỗi, chị Minh vẫn hàng ngày làm công việc cứu người, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội và coi đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Lặng thầm mà cao cả, với tinh thần tương thân tương ái, họ đã thắp lên ngọn lửa ấm áp của lòng nhân ái và giúp nó lan tỏa khắp cộng đồng.

Như một cán bộ y tế thực thụ, anh Nguyễn Văn Trỗi, thôn Thị Tứ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) vừa xếp lại túi bông băng, thuốc sát trùng... vừa hướng dẫn cho tôi cách xử lý và sơ cứu người gặp nạn trong từng tình huống cụ thể. Anh nói, kể từ khi tham gia vào đội sơ cấp cứu tai nạn giao thông do Hội Chữ thập đỏ thành lập đến nay, anh không thể nhớ mình và những thành viên trong đội đã giúp cho bao nhiêu nạn nhân tai nạn vượt qua cơn nguy kịch để đến được với các cơ sở y tế một cách kịp thời. Với anh, đó là công việc rất đỗi bình thường chứ “không có gì to tát cả”.

Nhà anh Trỗi nằm ngay trên Quốc lộ 1A, tuyến đường có mật độ phương tiện giao thông dày đặc, nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn thương tâm và những va quệt lớn nhỏ. Tận mắt chứng kiến nhiều người bị nạn nhưng vì người dân không biết sơ cứu, hoặc sơ cứu sai cách, trong khi xe cứu thương lại không phải lúc nào cũng có mặt kịp thời để đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nên đã xảy ra những điều đáng tiếc. Những lần đó khiến anh Trỗi không khỏi băn khoăn, day dứt và muốn làm điều gì đó có ích giúp người bị nạn vượt qua được nguy kịch. Và khi hội chữ thập đỏ xã thành lập đội sơ cấp cứu tai nạn giao thông, anh Trỗi đã tiên phong tham gia và trở thành một trong những thành viên nhiệt tình nhất làm công tác sơ cứu người.

Những ngày đầu hoạt động, đôi bàn tay còn lóng ngóng và run rẩy, tinh thần còn hoang mang và lo lắng trước những vết thương của người bị nạn, nhưng nhờ được tập huấn kiến thức, kỹ năng trong sơ cấp cứu cùng sự trợ giúp của cán bộ y tế xã nên đến nay anh Trỗi và những thành viên trong đội đã thao tác thuần thục khi gặp bất cứ tình huống nào xảy ra. Anh Trỗi cho biết: Đội sơ cấp cứu tai nạn giao thông xã Hoằng Trung có tất cả 7 thành viên, mỗi người có một công việc, nghề nghiệp khác nhau nhưng thỉnh thoảng họ vẫn cùng nhau thảo luận, trao đổi nghiệp vụ để nâng cao tay nghề và khả năng xử lý với mỗi trường hợp. Với lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, những thành viên trong đội luôn sẵn sàng lên đường khi có người cần trợ giúp, không kể ngày hay đêm. Họ làm công việc này bằng tinh thần tự nguyện mà không đòi hỏi bất cứ sự trợ cấp nào từ các tổ chức hay chính quyền địa phương.

Nhớ lại một kỷ niệm, trong đầu anh vẫn còn như in về một vụ tai nạn thương tâm xảy ra cách đây hơn một năm. Vào lúc 1 giờ sáng, trong khi cả gia đình đang chìm trong giấc ngủ, bỗng anh nhận được cuộc điện thoại thông báo có người cần trợ giúp. Vội vã xách túi đồ nghề lên đường nhưng đến nơi đã thấy có người dân đang tìm cách xốc những người bị nạn lên xe taxi đi cấp cứu. Bình tĩnh, anh yêu cầu mọi người dừng lại để anh tiến hành kiểm tra tình hình sức khỏe cũng như những chấn thương trên người nạn nhân. Khi biết có người bị gãy giập xương đùi phải, nhanh chóng, anh dùng nẹp để cố định chân, rồi đích thân đưa họ đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ nói rất may chân bệnh nhân được cố định chắc chắn nên không gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như tránh được nguy cơ liệt chân. Thở phào nhẹ nhõm, anh thấy lòng mình chợt vui vui khi đã giúp được một người lạ vượt qua cơn nguy kịch.

Trong từng câu nói như thấm đượm sự hồn hậu, anh chia sẻ: Vì thấy việc làm của mình giúp được nhiều nạn nhân tai nạn giao thông bớt đau đớn, thậm chí tìm lại được cơ hội sống nên dù rất bận rộn hay có ốm đau thì tôi vẫn cố gắng gác lại việc riêng để đến hiện trường kịp thời. Nhiều lúc cũng thấy vất vả, nhất là giữa trưa nắng hay đêm hôm khuya khoắt nhưng anh em thường tự động viên nhau cứu người là trên hết nên vẫn sẵn sàng và nhiệt tình với công việc đã lựa chọn.

Lặng thầm mà cao cả

Tủ quần áo mang tên “Ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận” trở thành điểm trao - nhận của nhiều người.

Chúng tôi đến nhà chị Lê Minh trên đường Đội Cung, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) đúng vào lúc chị và những người bạn đang sắp xếp những bộ quần áo cũ lại cho phẳng phiu. Cầm trên tay chiếc áo tuột một đường chỉ nhỏ, chị Minh mở chiếc hộp bên trong đựng nhiều cuộn chỉ đầy màu sắc, chọn ra một màu phù hợp nhất rồi thoăn thoắt khâu vá lại cho chiếc áo lành lặn. Vừa làm, chị vừa nói về “cái duyên” đến với hoạt động từ thiện của mình. Là một cô giáo cấp 2, từ nhiều năm trước, mỗi khi thu xếp được thời gian, chị Minh lại lên đường đến với những hoàn cảnh khó khăn ở các miền quê để gặp gỡ và giúp đỡ. Những việc làm của chị theo thời gian đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều cô giáo trong trường và những người thân, bạn bè. Từ đó, nhóm thiện nguyện và sau này là Câu lạc bộ Tâm thiện nguyện du lịch Thanh Hóa đã ra đời.

Chị Minh cho biết: Hiện nay câu lạc bộ thiện nguyện do chị làm chủ nhiệm có 30 thành viên, hầu hết đều là nữ giới. Hàng tuần, ngoài những lúc thảo luận online trên nhóm, các chị vẫn dành thời gian gặp gỡ, đưa ra những kế hoạch cho hoạt động của mình và cùng nhau chọn lựa, phân loại quần áo chuẩn bị cho những chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2018, câu lạc bộ đã trở thành cầu nối, kêu gọi nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp được hơn 500 triệu đồng và hàng chục tấn gạo, 6 tấn quần áo để trao cho hàng trăm gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, trong các đợt lũ lụt, các chị đã đi tới nhiều vùng bị thiên tai tàn phá để chia sẻ những khó khăn, mất mát mà bà con nhân dân phải gánh chịu.

Bên trong chiếc tủ mang tên “Ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận” đặt ngay ngắn trước cửa nhà chị Minh, những bộ quần áo sạch sẽ được xếp một cách ngăn nắp thành từng chồng cao đã trở thành nơi để những người nghèo khó, người vô gia cư đến nhận. Theo chị Minh, chiếc tủ này không chỉ là sản phẩm của hoạt động thiện nguyện của những người trong câu lạc bộ mà còn là nơi để nhiều người khác có thể tham gia từ thiện đóng góp bất cứ lúc nào. Tủ quần áo chính là nơi góp phần lan tỏa những hành động ý nghĩa, thiết thực đến đông đảo người dân.

Bà Mai Thị Thanh, một giáo viên đã nghỉ hưu và cũng là một thành viên tích cực của câu lạc bộ cho biết: Với chúng tôi, việc tham gia nhóm không chỉ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng mà bên cạnh đó, những hoạt động này còn giúp chúng tôi cảm thấy cuộc sống thêm ý nghĩa hơn, thấy mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người, từ đó có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Những hoạt động của các đội sơ cấp cứu tai nạn giao thông và các câu lạc bộ thiện nguyện là những việc làm thiết thực và có ý nghĩa rất đáng biểu dương và nhân rộng để những hành động đẹp, những tấm lòng cao cả có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]