(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề, dai dẳng. Những người lính trở về nhưng bản thân họ, thế hệ con, cháu họ bị nhiễm chất độc hóa học đã và đang hằng ngày phải đối mặt, gánh chịu những bệnh tật làm đau đớn thể xác, tinh thần, những tấm bi kịch cuộc đời ấy chỉ có thể xoa dịu phần nào nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền và sự sẻ chia của cộng đồng xã hội.

Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8)

Lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề, dai dẳng. Những người lính trở về nhưng bản thân họ, thế hệ con, cháu họ bị nhiễm chất độc hóa học đã và đang hằng ngày phải đối mặt, gánh chịu những bệnh tật làm đau đớn thể xác, tinh thần, những tấm bi kịch cuộc đời ấy chỉ có thể xoa dịu phần nào nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền và sự sẻ chia của cộng đồng xã hội.

Lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Nông Cống trao quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Nông Cống. Ảnh: Trần Hằng

Những tấm lòng thơm thảo

Trao nhà đại đoàn kết, xe lăn, nhận đỡ đầu trẻ bị nhiễm chất độc da cam, ủng hộ xây dựng quỹ... là những việc làm thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh trong thời gian qua. Trong số đó, có các gia đình anh Hoàng Ngọc Bình, phường Đông Thọ; anh Lê Văn Hiệp, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa); chị Lê Thị Khánh Lãnh (TP Hồ Chí Minh); chị Lâm Thị Thu (Việt kiều Mỹ) đã ủng hộ nạn nhân da cam vùng bị bão lụt, hỗ trợ sản xuất, tặng quà, khám chữa bệnh với số tiền lên tới vài trăm triệu đồng. Các cơ quan, tổ chức như: Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Báo Nhân dân và các nhà tài trợ phía Nam, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Tạp chí Da cam, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Viễn thông Thanh Hóa, Công ty Xây lắp điện lực Thanh Hóa, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tại Thanh Hóa, Hội Khuyến học, Công ty Tiên Sơn, Công ty CP Bia Thanh Hóa, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Tổ chức FaAOD (Cộng hòa Pháp), Công ty Vật tư y tế Thanh Hóa, Hội Doanh nhân Thanh Hóa và nhiều tổ chức xã hội khác... đã làm nhà tình nghĩa, tặng quà, tặng xe lăn, xe lắc, mổ mắt cho nạn nhân da cam...

Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch COVID-19, nhân dịp Tết Nguyên đán, với trách nhiệm của mình đối với nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), đồng chí Phạm Văn Luân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh đã làm cầu nối với những người con quê hương đang công tác tại TP Hồ Chí Minh vận động, kêu gọi Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, Công ty CP Địa ốc Kim Oanh, Công ty TNHH Trương Ngọc Châu, Công ty CP TNHH Bất động sản Minh An đã tặng nạn nhân da cam trong tỉnh 300 triệu đồng để mua 200 xe lăn; 210 triệu đồng quà tết năm 2021. Công ty TNHH Hoàng Tuấn ủng hộ 20 triệu đồng. Công ty CP Xây lắp điện lực Thanh Hóa tặng 350 suất quà tết cho 5 huyện, tổng số tiền trị giá 250 triệu đồng. Tổ chức FaAOD, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Cộng hòa Ailen, Việt kiều Thái Lan, Nga và một số tổ chức phi chính phủ đã thăm và trao quà cho các NNCĐDC trong các dịp lễ, tết... Từ những tấm lòng thơm thảo của các tổ chức, cá nhân đã góp phần làm vơi đi nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần và như được tiếp thêm sức mạnh để các NNCĐDC vươn lên phát triển kinh tế.

Đồng hành cùng các gia đình NNCĐDC, thời gian qua, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Theo đó, trung bình hàng năm nhận được trên 3 tỷ đồng (bằng tiền và hiện vật). Nhiều hội xây dựng được nguồn quỹ cao từ 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng, gồm: TP Thanh Hóa; các huyện: Thọ Xuân, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Quan Sơn, Hà Trung, Như Thanh, Hậu Lộc, Thạch Thành và thị xã Nghi Sơn, Bỉm Sơn. Một số hội cấp xã, phường, thị trấn đã vận động hội viên tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ hội đạt bình quân 1 triệu đồng/1 hội viên như: phường Đông Cương, Đông Vệ (TP Thanh Hóa); xã Xuân Tín (Thọ Xuân); xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn)... Từ nguồn quỹ trên, hội đã xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, cấp học bổng, trợ cấp vốn phát triển kinh tế, trao xe lăn, cấp thuốc chữa bệnh, thăm, tặng quà các ngày lễ, tết. Bên cạnh đó, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ các nạn nhân da cam tỉnh Thanh Hóa số tiền trên 1 tỷ đồng để làm nhà tình nghĩa, hỗ trợ sản xuất, tặng quà, xây dựng nhà vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho NNCĐDC... giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Không ngừng vượt khó vươn lên

Vượt lên nỗi đau của “vết thương không chảy máu”, nhiều NNCĐDC đã tiếp tục khẳng định được phẩm chất của người lính trong thời bình, vượt khó vươn lên làm giàu cho bản thân, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều người có cùng hoàn cảnh.

Lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi, ông Vũ Tiến Sử - nạn nhân da cam (xã Đông Nam, huyện Đông Sơn) đã đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp mang lại nguồn thu ổn định.

Theo chân cán bộ chính sách xã Thượng Ninh (Như Xuân), chúng tôi đến thăm gia đình bác Nguyễn Doãn Vinh là NNCĐDC. Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè nhưng bác Vinh vẫn cặm cụi, cần mẫn phát dọn cỏ xung quanh vườn. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, bác Vinh kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu khó khăn, vất vả của đời mình. Sinh ra tại vùng đất Quảng Xương, năm 1969, bác lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thuộc Sư đoàn 1A, Bộ Tư lệnh Tiền Phương. Năm 1977, bác xuất ngũ trở về địa phương và mang trên mình di chứng của chất độc da cam. Đến tháng 2-1978, theo chính sách của Nhà nước, bác Vinh cùng gia đình đi phát triển vùng kinh tế mới và định cư tại thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh cho đến nay. Tuy nhiên, do sức khỏe đau ốm liên miên cộng thêm hoàn cảnh gia đình kinh tế rất khó khăn, đặc biệt khi các con của bác lần lượt chào đời đều bị dị tật do ảnh hưởng chất độc hóa học từ bác. Để chăm lo chữa bệnh cho mình và các con, vợ chồng bác đã phải lăn lộn với đủ nghề, từ đi làm thuê cuốc mướn. Sau khi được Nhà nước giao đất, giao rừng, bác quyết tâm thay đổi cuộc sống, với suy nghĩ đó bác đã mạnh dạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang trồng luồng kết hợp chăn nuôi trâu sinh sản, có thời điểm đàn trâu của gia đình lên đến 30 con. Hiệu quả từ trồng luồng kết hợp chăn nuôi đã mang lại thu nhập cho gia đình bác. Giữa lúc công việc làm ăn đang thuận lợi, những di chứng của chất độc da cam/dioxin hành hạ khiến các con của bác lần lượt qua đời, chỉ còn lại người con út sinh năm 1985. Sống vì con và với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, bác đã biến hơn 2,5 ha đất của gia đình thành rừng trồng luồng, keo và hơn 2 ha đất bãi bằng trồng cây sắn và mía để có thu nhập hàng năm. Hơn 30 năm bỏ ra bao mồ hôi, công sức, từ kết quả hăng say lao động, trời đã không phụ lòng người, đến nay kinh tế gia đình bác đã ổn định và từng bước được cải thiện. Những đồng tiền chắt góp được từ kết quả lao động chân chính đã giúp bác có điều kiện để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống gia đình, có tiền chữa bệnh cho mình và con, mua sắm các vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Cũng như bác Vinh, NNCĐDC Trương Quang Ân, xã Hoạt Giang (Hà Trung) từng chiến đấu tại Sư đoàn 5 miền Đông Nam bộ, địa bàn trọng điểm của những trận rải chất độc hóa học. Mang căn bệnh vô sinh do nhiễm chất độc da cam. Biết số phận của mình, ông Ân nhận 3 đứa trẻ làm con nuôi, cho các con ăn học, giờ đây con trai đầu làm bác sĩ ở Bình Dương, con thứ 2 hiện sống cùng với ông có nhà cửa, vợ và con; con thứ 3 theo học trường nghề ở thị xã Bỉm Sơn đã có công ăn việc làm ổn định. Hiện ông Ân đang có 150 đàn ong lấy mật, năm 2021 doanh thu từ mật ong đạt gần 200 triệu đồng. Ông Ân tâm sự: “Con ong cũng cần mẫn lam lũ như đời ông, nhưng lại cho đời những giọt mật ngọt, thơm ngát hương hoa”.

Còn rất nhiều NNCĐDC khác như: Đào Xuân Hương, ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc); Khương Hữu Niên, xã Đông Tân (TP Thanh Hóa); Nguyễn Quang Tiến, xã Xuân Phúc (Như Thanh); Lộc Văn Thơ, xã Tam Lư (Quan Sơn)... đã tạm thời quên đi nỗi đau xuyên thế hệ, phấn đấu vươn lên không những làm giàu cho gia đình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho con em địa phương. Tuy nhiên, hiện đời sống của đa phần các gia đình NNCĐDC cũng đang gặp không ít khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy, ngoài sự nỗ lực của bản thân nạn nhân, họ luôn cần đến sự giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn nữa của cộng đồng, để phần nào xoa dịu nỗi đau mà các NNCĐDC đang phải gánh chịu.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]