(Baothanhhoa.vn) - Theo chân những người phụ nữ Thái, từ mảnh đất Sơn La xa xôi, lan rừng về hiện diện giữa phố phường TP Thanh Hoá. Lan rừng được bày bán nhiều tại một số địa điểm như: đường Lê Hoàn (phía cổng sau của Công viên Hội An), khu vực phường Đông Hải (gần vòng xuyến BigC)... Nhiều khi, chúng còn được gồng gánh trên vai người bán, rong ruổi khắp đường phố chờ khách níu lại hỏi mua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan rừng “xuống phố”

Theo chân những người phụ nữ Thái, từ mảnh đất Sơn La xa xôi, lan rừng về hiện diện giữa phố phường TP Thanh Hoá. Lan rừng được bày bán nhiều tại một số địa điểm như: đường Lê Hoàn (phía cổng sau của Công viên Hội An), khu vực phường Đông Hải (gần vòng xuyến BigC)... Nhiều khi, chúng còn được gồng gánh trên vai người bán, rong ruổi khắp đường phố chờ khách níu lại hỏi mua.

Lan rừng “xuống phố”

Lan rừng được bày bán với đủ các loài khác nhau tại khu vực gần vòng xuyến BigC (phường Đông Hải).

Vỉa đất trống đoạn gần vòng xuyến BigC ngày thường buồn bã phơi mình dưới nắng gần đây bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi sự xuất hiện của những khóm lan rừng. Mặc dù đã quá trưa, hoạt động mua – bán ở đây vẫn diễn ra rôm rả. Khác với các loại lan thương phẩm được bán ở các nhà vườn cây cảnh (thường gọi là lan công nghiệp), lan rừng được bày bán ở khu vực này vẫn còn nguyên nhánh, nguyên cây. Nhiều cây được người bán xếp lại thành bó với những chùm rễ dài đan quấn vào nhau. Một số loại lan được ghép sẵn vào thân gỗ mục hoặc bám vào vỏ cây do được người đi rừng bóc tách trực tiếp từ thân cây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có khoảng hơn 30 loài lan khác nhau được bày bán tại nơi này. Nói về nguồn gốc các loại lan, chị Phương (tỉnh Sơn La) – Chủ bán lan cho biết: “Lan rừng được chị thu mua từ những người trực tiếp đi rừng ở địa phương, sau đó phân loại và bán cho khách. Một số ít được chị tự tay chọn lựa, thu hái sau mỗi chuyến đi rừng”. Khi nguồn hàng gom được đã “hòm hòm”, chị cùng em gái lại tất bật sửa soạn, từ bản Thái vùng thuỷ điện Sơn La bắt xe khách xuống TP Thanh Hoá bán buôn. Tính đến nay, chị Phương đã có thâm niên buôn bán lan rừng ngót nghét mười mấy năm.

Lan rừng “xuống phố”

Chị Phương tư vấn cho khách hàng chọn các giống lan phù hợp với sở thích và điều kiện chăm sóc.

Giá bán lan rừng dao động từ 20.000 – 400.000 đồng tuỳ thuộc vào giống lan. Có khi cùng một loại lan nhưng xuất xứ khác nhau thì giá cả cũng phân biệt rất rõ ràng. Không nói cụ thể với chúng tôi về mức thu nhập, chị Phương chỉ tủm tỉm cười, nói: “Lan rừng rất được khách hàng ưa chuộng. Chị từ vùng núi cao xuống đây làm ăn cũng chỉ mới một khoảng thời gian ngắn nhưng đã có khách quen, hễ có lan rừng mang xuống phố bán thì chỉ cần gọi điện thoại thông báo là khách đến xem ngay. Lan mang xuống phố từ sáng sớm thì tầm đến chiều muộn đã gần như hết hàng, có thể thu dọn để kịp bắt chuyến xe đêm về lại Sơn La”. Tuy nhiên, lan rừng là loại không phải dễ dàng khai thác được nên nguồn hàng của các chị không ổn định, trung bình một tuần mới có một chuyến hàng “xuống phố”.

Bày tỏ niềm yêu thích của mình đối với các loại lan rừng, anh Nguyễn Hữu Khoa (phường Đông Cương, TP Thanh Hoá), thành thật chia sẻ: “Tôi là dân mới bắt đầu tập chơi lan. Lúc đầu cũng không hào hứng lắm nhưng qua bạn bè giới thiệu và sự tìm hiểu của bản thân mà ngày càng bị thu hút bởi nét đẹp của loài hoa này”.

Lan rừng “xuống phố”

Anh Hải (quần áo xanh) - một trong những khách hàng thường xuyên ghé qua chỗ chị Phương để tìm mua lan rừng

Cùng chung niềm đam mê với các loài lan rừng, anh Lê Hoàng Hải (phường Đông Hải, TP Thanh Hoá), một trong những khách hàng thường xuyên mua lan rừng của chị Phương góp lời: “Vẻ đẹp của lan rừng có điều gì đó rất thu hút, khó cưỡng lại. Một khi bạn đã có sự thích thú tìm tòi, sưu tập thì cái sự thu hút ấy lại càng mãnh liệt hơn. Từ những ý thích ban đầu có khi còn hời hợt dần dần trở thành niềm đam mê rất khó dứt bỏ”. Cho dù mới tập tành chơi lan rừng được 4-5 tháng nhưng anh Hải đã có riêng cho mình bộ sưu tập gồm mười mấy loại hoa. Trong đó, anh “mê” nhất là một số loài lan như: hồ điệp, phi điệp Hoà Bình, hạc vỹ, cầm, chuỗi ngọc. Theo anh Hải, chơi lan rừng thực sự không khó mà chủ yếu là phải có sự hiểu biết về đặc tính của từng giống loài và cách chăm sóc phù hợp với đặc tính ấy. Ngoài sự chuyên tâm đầu tư về thời gian, việc chăm sóc lan rừng đòi hòi ở người chơi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. “Sưu tập lan rừng không đơn giản chỉ là một thú chơi tao nhã mà nó còn có khả năng dưỡng tâm, thư giãn và cân bằng cuộc sống” – anh Hải nhận định một cách tâm đắc. Chính bởi vậy, sau mỗi giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, anh lại háo hức trở về nhà để được chăm chút, tưới tắm cho từng giỏ lan rừng.

Lan rừng “xuống phố”

Nét đẹp mỏng manh, thanh nhã của hoa lan rừng.

Nếu như trước đây, lan là loài hoa được mặc định dành riêng cho các bậc vương giả: “Vua chơi lan, quan chơi trà” thì giờ đây, sưu tập lan đã trở thành thú chơi bình dân, thuộc về mọi tầng lớp, phát triển thành trào lưu trong xã hội. Tuy nhiên, chính sự khao khát của thị trường đối với lan rừng đã đặt ra nhiều điều đáng phải lo nghĩ về tình trạng khai thác ồ ạt theo kiểu tận thu, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ suy thoái, cạn kiện giống, loài. Thiết nghĩ, để thú chơi lan thực sự là một thú chơi tao nhã, hơn bao giờ hết, cần phải có những giải pháp phù hợp vừa có thể thoả mãn được nhu cầu thưởng thức cái đẹp, giải trí của người dân lại đảm bảo được yếu tố bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là đối với các giống lan quý hiếm.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]