(Baothanhhoa.vn) - Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ qua những nhân chứng lịch sử và những kỷ vật gắn liền với cuộc chiến, được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Kỷ niệm 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2021): Sống mãi ký ức Điện Biên

Đã 67 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Những giá trị ấy được hiện hữu và lưu giữ qua những nhân chứng lịch sử và những kỷ vật gắn liền với cuộc chiến, được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Kỷ niệm 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2021): Sống mãi ký ức Điện Biên

Chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phục vụ khách tham quan. Ảnh: Tố Phương

Ngày ấy, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước ùn ùn ra trận. Ở Thanh Hóa, người viết đơn tình nguyện đi bộ đội, người xung phong đi dân công hỏa tuyến với khí thế sục sôi. Cụ Lê Công Giáp, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa) nhớ rất rõ, khi đó ở quê ông, mọi người đều một lòng hướng về Điện Biên. Thanh niên trai tráng đăng ký đi chiến dịch nhiều vô kể, cụ Giáp cũng ghi tên trong chiến dịch khi chuyển từ Đội điều trị số 4 thuộc Sư đoàn 304 sang Trạm cấp cứu 59 của Cục Quân y đi cấp cứu, điều trị thương binh. Theo dòng hồi tưởng, cụ Giáp nhớ lại: “Đầu năm 1954, tuy chiến dịch chưa bắt đầu nhưng lúc này quân địch cũng đã phát hiện ta sắp đánh lớn nên cho máy bay thả pháo sáng, oanh tạc suốt ngày đêm. Đến khi tiếng súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vang lên, quyết tâm của Trung ương và Bộ Tư lệnh mặt trận là phải thắng và chiếm bằng được đồi Him Lam – Độc Lập. Do 2 đồi này có vị trí vô cùng quan trọng nên địch bố trí lực lượng rất mạnh để cố giữ, quân ta thì quyết chiếm cho bằng được nên trận chiến diễn ra hết sức cam go, ác liệt. Để hạn chế thương vong, Cục Quân y đề ra phương châm “Càng sát, càng gần mặt trận càng tốt”. Trạm cấp cứu 59 được thành lập gồm cán bộ quân y được rút ra từ các Đội điều trị số 3, số 4 cùng một đội dân quân. Trạm có nhiệm vụ vừa làm lán trại, cấp dưỡng, hộ lý vừa cáng tải thương binh về các tuyến điều trị ở phía sau mặt trận”. Dù đã 91 tuổi nhưng trong ký ức, cụ Giáp vẫn nhớ rất rõ về một sự việc mà cụ gọi là “phiên tòa tại mặt trận Điện Biên Phủ”. Vì trận chiến diễn ra quá khốc liệt nên thương binh chuyển về ngày càng nhiều, không đủ lán trại, nhiều thương binh phải nằm dù và nằm cả dưới gốc cây rừng. Không may, một cơn mưa bất chợt kèm gió xoáy khiến một cây bị đổ, đè chết 1 thương binh. Đúng lúc ấy, Bộ Tư lệnh mặt trận đi kiểm tra thấy thương binh nằm như vậy là không ổn, một quyết định trong chớp nhoáng đã được đưa ra: “Cảnh cáo lãnh đạo Trạm cấp cứu 59 và đồng chí chính trị viên tiểu đoàn phụ trách vì thiếu trách nhiệm để thương binh phải nằm đất, không có lán trại, để tử vong đáng tiếc”. Chưa hết ân hận thì ngay sáng hôm sau, tin chiến thắng được truyền đi, quân ta đã chiếm được đồi Him Lam - Độc Lập và đang phát triển đánh vào trung tâm Mường Thanh. Phấn khởi trước thắng lợi này, anh em trong trạm làm việc không biết ngày đêm, không biết mệt mỏi. Từ đó, tôi thay chị Nguyễn Thị Ngọc Toản phụ trách Trạm cấp cứu 59 cho đến ngày Điện Biên Phủ hoàn toàn giải phóng. Sau ngày giải phóng, Trạm cấp cứu 59 cũng giải tán, tôi trở về đơn vị cũ là Đội điều trị số 4 ở Thanh Hóa. Chiếc hòm đựng đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ mang về làm kỷ niệm được tôi nâng niu, gìn giữ cẩn thận nhiều năm. Tiếc rằng, cho đến hôm nay, chiếc hòm đựng đạn ấy đã bị hư hỏng. Nhưng nó mãi là kỷ vật đáng nhớ, nhắc nhở tôi sống xứng đáng với một trong những trang sử vàng chói lọi của dân tộc.

Ngoài những nhân chứng hiếm hoi chúng tôi may mắn được gặp, tất cả những chiến công vang dội, oanh liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” còn được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng tỉnh qua những hình ảnh, hiện vật phong phú và sinh động. Ở chính giữa phòng trưng bày là chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc đạt kỷ lục vận chuyển 345,5 kg lương thực/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua lời giới thiệu của cô thuyết minh viên, chiếc xe đạp thồ đưa tôi trở về thời kỳ rực lửa của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ngày ấy, con đường từ hậu phương Thanh Hóa lên Điện Biên xa hàng 500 - 600 km, địa hình hiểm trở, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu của chiến trường rất lớn và gấp rút, việc vận tải lại phải giữ bí mật ở mức cao nhất. Thế nhưng, với tinh thần “quyết chiến quyết thắng”, hàng vạn dân công, hàng ngàn xe đạp thồ đã được huy động nhanh chóng. Ngày nghỉ, đêm đi, dưới sự rà soát của máy bay địch, đối mặt với sốt rét rừng. Thế nhưng đoàn quân xe thồ vẫn không chùn bước. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội dân công xe thồ thị trấn Thanh Hóa được tặng cờ thi đua “đơn vị khá nhất”. Dừng chân bên chiếc xe cút kít vận chuyển 280 kg lương thực/chuyến, tôi hiểu sâu hơn về điều đặc biệt của chiếc xe này. Đó là trong quá trình làm chiếc xe cải tiến này bị thiếu gỗ làm bánh xe, ông Trịnh Đình Bầm, xã Định Liên (Yên Định) đã tháo gỡ bàn thờ gia tiên để làm. Một phóng viên người Pháp đã phải thốt lên rằng: “Một dân tộc dám hy sinh cả tín ngưỡng của mình cho kháng chiến thì dân tộc đó nhất định sẽ thắng lợi”. Và chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội lẫy lừng có đóng góp không nhỏ của quân và dân Thanh Hóa.

Thực hiện phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”, quân đội ta lần đầu tiên đưa pháo hạng nặng 105 ly và pháo cao xạ vào chiến đấu. Việc đưa được những khẩu pháo nặng trên 2 tấn chỉ với sức người vượt qua rừng rậm và những ngọn núi chót vót vào chiến trường Điện Biên Phủ là một kỳ tích, vượt quá sự tưởng tượng của kẻ thù. Góp phần làm nên kỳ tích ấy, Thanh Hóa có anh hùng Tô Vĩnh Diện, người con quê hương Triệu Sơn đã sẵn sàng hy sinh thân mình chèn pháo. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và trưng bày hình ảnh hiện vật anh để lại là một chiếc bát sắt, bi đông đựng nước và con dao rựa anh dùng chặt cành cây để ngụy trang che cho pháo trước lúc hy sinh. Nếu không có những hiện vật ấy, chắc hẳn trong chúng ta sẽ không có cái nhìn rõ hơn, thấu hơn về lịch sử, về những chiến công, những hy sinh anh dũng của lớp lớp cha anh.

Còn rất nhiều hiện vật tiêu biểu được lưu giữ cẩn thận như bức ảnh chiến sĩ Thanh Hóa bên chiến lợi phẩm tại chiến trường Điện Biên Phủ; Cờ “Đã ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ thu đông 1953” Bác Hồ tặng đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa đạt thành tích phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; một số giấy chứng nhận; Chiến sĩ Dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ của các cá nhân là người Thanh Hóa tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến... Để âm vang Điện Biên mãi trường tồn, lan xa, khắc ghi trong trái tim mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, việc giáo dục truyền thống sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc, từ đó biết trân trọng, giữ gìn và phát huy trong thời đại mới.

Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]