(Baothanhhoa.vn) - Bài trí màu sắc bắt mắt, không gian thoáng đãng, bàn ghế được thiết kế độc đáo theo hình chữ S, học sinh có thể đọc sách với nhiều tư thế thoải mái, tự do, không gò bó. Đó là nét độc đáo của mô hình thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khơi dậy văn hóa đọc từ mô hình thư viện thân thiện

Khơi dậy văn hóa đọc từ mô hình thư viện thân thiện

Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đọc sách tại thư viện.

Bài trí màu sắc bắt mắt, không gian thoáng đãng, bàn ghế được thiết kế độc đáo theo hình chữ S, học sinh có thể đọc sách với nhiều tư thế thoải mái, tự do, không gò bó. Đó là nét độc đáo của mô hình thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP Thanh Hóa).

Ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cứ giờ ra chơi, học sinh từ các lớp lại ùa về thư viện. Các em đều hớn hở lựa chọn cho mình những cuốn sách yêu thích. Em thì đứng, em tựa vào cửa sổ, em đang nằm chống cằm. Em nào cũng trong tâm thế thoải mái thả hồn tiếp nhận tri thức. Tại thư viện, các em được tự do lựa chọn sách theo trình độ, nhu cầu, sở thích của mình. Không chỉ đọc sách, các em còn có thể tham gia các hoạt động khác tại thư viện như: vẽ tranh, viết cảm nhận về sách, chơi trò chơi. Em Hoàng Tuệ Lâm, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ: “Thư viện trường là điểm đến mà chúng em không thể bỏ lỡ trong giờ ra chơi. Bởi nó không chỉ đẹp, có không gian mở, gần gũi, giúp chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, mà còn là kho tàng kiến thức phong phú ẩn trong những cuốn sách luôn thu hút chúng em dành thời gian để đọc”.

Phòng thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi rộng hơn 90m2, được xây dựng khang trang với nhiều điểm nhấn, hấp dẫn, đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, quạt mát. Được biết, để tạo tinh thần thoải mái cho các em học sinh khi tiếp cận sách, nhà trường xây dựng mô hình thư viện thông minh, thân thiện từ năm 2017. Thư viện đẹp hơn với những hình vẽ, tranh ảnh, cây xanh được trang trí tạo cảm giác thoải mái, không gian trong lành. Toàn bộ kho sách được thiết kế dưới dạng kho mở. Không chỉ có những giá sách, tủ sách được sắp xếp ngay ngắn, mà có những cây sách, ô đựng sách, kệ sách với hình dáng ngộ nghĩnh được sắp xếp bắt mắt, tầm thấp, thuận tiện cho các em học sinh tiểu học tiếp cận. Đặc biệt, những chiếc ghế đa năng trong thư viện được thiết kế mô phỏng theo hình dải đất Việt Nam. Đây được đánh giá là ý tưởng hay, sáng tạo trong mô hình thư viện của nhà trường. Bởi, nó không đơn thuần là những chiếc ghế mà nó còn là những ô đựng sách, phương tiện giáo dục học sinh về địa lý, vùng miền của đất nước.

Cùng với việc xây dựng mô hình thư viện thân thiện, nhà trường đã quan tâm xây dựng kho sách. Hằng năm, nhà trường đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển, trao đổi sách. Cân đối kinh phí khoảng 10 triệu đồng để bổ sung sách mới, hay. Vận động, kêu gọi các phụ huynh, học sinh tham gia xây dựng kho sách. Tại ngày hội đọc sách năm 2019, nhà trường đã khuyến khích các em học sinh tham gia xây dựng thư viện. Với tinh thần “góp một cuốn sách để đọc nhiều cuốn sách”, các em học sinh đã góp 3.000 bản sách cho thư viện trường. Đến nay, kho sách của thư viện có hơn 5.000 đầu sách, báo với hơn 8.000 bản sách, báo gần gũi, thân thiện với lứa tuổi học trò.

Để thư viện trường nâng cao cả chất và lượng, nhà trường đã mở cửa thư viện trước giờ vào học 30 phút và đóng cửa sau khi tan học 30 phút để các em học sinh có nhiều thời gian đọc sách. Hàng năm, thư viện còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực về sách như, ngày hội đọc sách, xe thư viện lưu động, hội thi kể chuyện theo sách, theo những mẫu chuyện hay về Bác trong thư viện trường. Đồng thời, nhà trường sắp xếp thời khóa biểu học tại thư viện 1 tiết/lớp/tuần. Trong tiết học tại thư viện, cô giáo sẽ hướng dẫn các em hoạt động đọc, giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Từ đó, hình thành kỹ năng đọc sách, văn hóa đọc, góp phần phát triển tư duy ngôn ngữ cho học sinh. Không chỉ rèn luyện kỹ năng đọc, trong tiết học này, các em học sinh còn có thể thoải mái tham gia các trò chơi nhẹ nhàng; viết hoặc vẽ những gì mình thích theo những câu chuyện, chủ đề hay trao đổi với các bạn hoặc cô giáo về suy nghĩ, cảm nhận của bản thân về nhân vật, về câu chuyện nào đó.

Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, nhân viên thư viện, thiết bị của trường, cho biết: Mô hình thư viện là kết tinh chất xám, nỗ lực và tâm huyết của tập thể nhà trường trong việc hình thành, xây dựng và vận hành thư viện. Ban giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn thay đổi hoàn toàn mô hình truyền thống sang mô hình thư viện mở, thân thiện, phù hợp với nhu cầu, tâm lý học sinh. Thông qua những giờ đọc, tiết học tại thư viện, học sinh không chỉ tiếp cận được nhiều đầu sách hay mà còn được khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Nhờ vậy, học sinh chủ động trong việc tìm đọc sách, phát triển vốn từ. Đồng thời, góp phần giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

Nhờ làm tốt vai trò, “sứ mệnh” của mình, thư viện thân thiện đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong trường học, tỷ lệ học sinh tham gia đọc sách đã tăng lên, với 100% học sinh trong trường tham gia đọc sách. Khoảng 300 em học sinh làm thẻ mượn sách về nhà để đọc. Văn hóa đọc của học sinh cũng từng bước nâng cao hơn, các em đã hiểu được những lợi ích khi đọc sách, biết trân trọng, bảo quản, giữ gìn sách cẩn thận. Nhiều em đã biết chọn những quyển sách hay, bổ ích. Nhờ đó, kết quả học tập của các em cũng được nâng cao. Năm học 2019-2020, trường có 89,5% học sinh đạt mức độ tốt về năng lực tự phục vụ, tự quản; 74,4% học sinh đạt tốt năng lực tự học và giải quyết vấn đề; 85,2% học sinh đạt mức độ tốt về phẩm chất tự tin, trách nhiệm; 77,4% học sinh đạt tốt phẩm chất chăm học, chăm làm.

Thùy Linh


Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]