(Baothanhhoa.vn) - Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là chỉ tiêu 15.1 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây được đánh giá là chỉ tiêu khó và có sự biến động lớn, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong quá trình thực hiện và càng khó khăn hơn trong việc duy trì và nâng cao tiêu chí này sau khi đã đạt chuẩn NTM.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó khăn trong duy trì, nâng cao chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các xã sau đạt chuẩn nông thôn mới

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là chỉ tiêu 15.1 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây được đánh giá là chỉ tiêu khó và có sự biến động lớn, nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong quá trình thực hiện và càng khó khăn hơn trong việc duy trì và nâng cao tiêu chí này sau khi đã đạt chuẩn NTM.

Cán bộ xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa) trao đổi với người dân về phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM được ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức BHYT đạt từ 70% trở lên. Đến năm 2016, bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 được ban hành. Theo đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại các xã đạt chuẩn NTM tăng lên đạt từ 85% trở lên. Việc nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT trong bộ tiêu chí mới khiến cho các xã đã đạt chuẩn từ tháng 10-2016 trở về trước nếu muốn giữ chuẩn thì buộc phải nâng cao tỷ lệ này lên 85% trở lên (tức cao hơn 15% so với mức đạt chuẩn giai đoạn trước). Đối với các xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí mới thì sau đạt chuẩn phải luôn duy trì và nâng cao tiêu chí này. Song, thực tế tại nhiều xã đã đạt chuẩn NTM, để duy trì được chỉ tiêu này lại không hề đơn giản.

Niềm vui về đích NTM vào cuối năm 2013 không làm cho cán bộ và nhân dân xã Xuân Giang (Thọ Xuân) lơ là trong việc giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, trong đó có tiêu chí tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Để duy trì tiêu chí này, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa khi có trong tay thẻ BHYT; đồng thời, vận động người dân tiếp tục tham gia BHYT. Mặc dù vậy, kết quả của việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân là do nhiều lao động địa phương đi làm ăn xa, nên công tác vận động đối với những đối tượng này gặp khó khăn. Mặt khác một số hộ dân là đối tượng vừa thoát nghèo, kinh tế chưa ổn định, trong khi không còn cơ chế hỗ trợ, nên còn e dè, ngần ngại chưa quyết định tham gia mua BHYT. Bên cạnh đó, một số người dân tuy đã được tuyên truyền, vận động, song, do tâm lý chủ quan đối với sức khỏe và không lường trước được những biến cố có thể xảy ra, nên không mặn mà với việc tham gia BHYT.

Về đích NTM năm 2016, với tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 70%, nhưng đến nay, tỷ lệ này tại xã Vạn Thiện (Nông Cống) chỉ còn 62%, thấp hơn 23% so với chỉ tiêu mức độ đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các nguyên nhân về thu nhập, nhận thức của người dân, thì nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã bị tụt giảm là do trước kia để đạt được chỉ tiêu 15.1 xã đã có cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Nhưng, sau khi cán đích NTM, xã không còn có cơ chế hỗ trợ, nên nhiều người dân không tham gia nữa.

Là xã bãi ngang, trước thời điểm đạt chuẩn NTM, người dân xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) đều được Nhà nước hỗ trợ 100% thẻ BHYT, nên chính quyền và người dân trong xã không phải lo lắng kinh phí để tham gia BHYT. Đến năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Sau khi đạt chuẩn NTM, người dân trong xã không còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tham gia BHYT nữa, thì tỷ lệ này sụt giảm nhanh. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã chỉ còn 54,42%. Được biết, hiện nay, ngoại trừ các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ, như: Học sinh, gia đình chính sách, hộ nghèo, thì có rất ít lao động tự nguyện tham gia BHYT.

Không chỉ các xã nói trên khó duy trì, nâng cao được chỉ tiêu 15.1 về tỷ lệ người dân tham gia BHYT mà còn nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp khó về vấn đề này. Theo kết quả đánh giá mới nhất của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh về duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới, trong giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh có 180 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó, có 2 xã đã lên phường, 1 xã sáp nhập vào thị trấn, còn 177 xã tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM. Tuy nhiên, xét về chỉ tiêu 15.1, trên địa bàn tỉnh chỉ có 26/177 xã đạt chỉ tiêu này. Hiện, tỷ lệ người dân tham gia BHYT bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 74,7%/xã, bình quân tăng 3,4%/xã so với thời điểm được công nhận, thấp hơn 10,3%/xã so với yêu cầu theo bộ tiêu chí mới. Theo phân tích của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, nguyên nhân chính khiến nhiều xã chưa duy trì, nâng cao được chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo bộ tiêu chí mới là do người dân chưa thấy hết được lợi ích mà chính sách BHYT đem lại, một số địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM không còn trích ngân sách, hay huy động sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí để người dân mua bảo hiểm, nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT bị tụt giảm.

Theo ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh: Để duy trì, nâng cao chỉ tiêu người dân tham gia BHYT ở các xã sau đạt chuẩn NTM, các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của việc tham gia BHYT; đổi mới phương thức tuyên truyền thông qua hình ảnh và minh chứng cụ thể. Cần gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong việc thực hiện duy trì và nâng cao chỉ tiêu. Cùng với đó, tạo điều kiện sinh kế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từ đó tạo nền tảng để người dân tham gia đóng BHYT.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]