(Baothanhhoa.vn) - Tủ sách pháp luật (TSPL) cấp xã là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách báo, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác của cán bộ, công chức chính quyền và Nhân dân nhằm giúp tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đối với TSPL cấp xã hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề đặt ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi tủ sách pháp luật chỉ mang tính hình thức...

Tủ sách pháp luật (TSPL) cấp xã là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách báo, tài liệu pháp luật để phục vụ công tác của cán bộ, công chức chính quyền và Nhân dân nhằm giúp tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đối với TSPL cấp xã hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề đặt ra.

Khi tủ sách pháp luật chỉ mang tính hình thức...Tủ sách pháp luật xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa), nơi hiếm hoi có cuốn sổ đăng ký mượn sách pháp luật.

“Ngậm ngùi” những TSPL cấp xã

3 năm về làm cán bộ tư pháp xã Quảng Ninh (Quảng Xương), anh Lê Trung Thành đồng thời cũng là người quản lý TSPL của xã thấy băn khoăn nhất đấy là trong thời gian trên không có ai đến mượn sách pháp luật để về đọc, nghiên cứu mặc dù hàng năm TSPL của xã vẫn được cấp từ 15 đến 20 đầu sách. Hiện nay, TSPL ở Quảng Ninh có trên 200 đầu sách và được bố trí, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, nhưng không có ai đến đọc. Tương tự, TSPL ở xã Quảng Bình (Quảng Xương) trong 3 năm trở lại đây cũng vắng người dân đến đọc và mượn sách. Hơn 300 đầu sách pháp luật - một con số không nhỏ, nhưng TSPL ở đây thì vẫn “nằm im bất động”. Chị Lê Thị Hiền, cán bộ tư pháp xã Quảng Bình, cho biết: Mấy năm về trước còn có lác đác vài người đến mượn nhưng khoảng 3 năm gần đây không còn thấy ai đến hỏi mượn sách nữa.

Không riêng ở Quảng Xương mà đây là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác. Ngay tại thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn), cán bộ tư pháp Nguyễn Tài Khương cho hay: Trong vài trăm cuốn sách đang hiện hữu tại TSPL của thị trấn thì cũng có những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực nhưng do không có thời gian nên cũng chưa rà soát, sắp xếp lại. Dù TSPL được đặt ngay phòng một cửa, rất thuận lợi cho người dân đến tìm hiểu, tham khảo về sách pháp luật nhưng thi thoảng mới có một vài người đến xem tại chỗ còn mượn về nhà thì hầu như không có.

Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế, lấy thông tin cho bài viết, thật vui khi chúng tôi được tận mắt thấy cuốn sổ đăng ký mượn sách pháp luật ở xã Thiệu Giang (Thiệu Hóa). Cuốn sổ này đã được cán bộ tư pháp nơi đây ghi đầy đủ, cụ thể thông tin về tên sách, người mượn... Dù mỗi năm, người mượn sách không nhiều nhưng cũng để minh chứng một điều, TSPL cấp xã ở Thiệu Giang vẫn còn được người dân quan tâm, chia sẻ. Từ năm 2018 đến nay, trong cuốn sổ này cho thấy cứ mỗi năm có hơn 20 người đến mượn sách. Được biết, hàng năm UBND xã Thiệu Giang vẫn dành một nguồn ngân sách với số tiền 2 triệu đồng/năm để mua sách pháp luật. So với nhiều đơn vị khác thì điều này cũng thật đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ vì nhiều nơi không thể có kinh phí để bổ sung đầu sách cho TSPL. Và để tủ sách được dày dặn thêm thì chỉ có thể chờ nguồn sách được cấp mà thôi. Tuy nhiên, nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh TSPL. Bởi trên thực tế, hầu như TSPL chỉ để cho có hình thức, vì vậy, nếu có được bổ sung bao nhiêu đầu sách đi nữa nhưng thưa vắng người đọc thì việc mua sách sẽ vô cùng lãng phí. Hơn nữa, ngay đến cán bộ tư pháp cũng rất ít khi “nhìn” tới TSPL để tham khảo tài liệu, nếu cần, họ có thể tra ngay trên mạng Internet và in ra hoặc họ sẽ vào trang Dữ liệu điện tử quốc gia để lấy thông tin... Từ đây cũng nhìn rõ một vấn đề đó là công nghệ thông tin đã khiến cho TSPL cấp xã không còn được phát huy tác dụng, hiệu quả...

Chuyển TSPL cấp xã về bưu điện văn hóa xã

Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đã và đang đặt ra cho nhiều địa phương sự “ứng xử” phù hợp hơn với TSPL. Trong đó, nêu rõ: Nếu tiếp tục duy trì TSPL cấp xã thì chỉ đạo, bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước cho hoạt động của TSPL đến hết năm 2020. Từ năm 2021, thực hiện xã hội hóa việc quản lý, khai thác TSPL theo hướng tự quản cộng đồng. Nếu không tiếp tục duy trì TSPL cấp xã thì sáp nhập TSPL thành bộ phận sách, tài liệu pháp luật của thư viện hoặc điểm bưu điện văn hóa... Tại huyện Quảng Xương, huyện cũng đã đưa ra phương án 2 đó là chuyển TSPL cấp xã về bưu điện văn hóa xã. Cũng theo ông Lê Hồng Thanh, Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Nghi Sơn: Tôi thấy sẽ phù hợp hơn khi đưa TSPL ở xã về điểm bưu điện văn hóa xã. Vì tại bưu điện là nơi giao dịch với người dân nhiều hơn và đó cũng là điều kiện thuận lợi để người dân đến gần hơn với TSPL. Ông Lê Đăng Cường, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thiệu Hóa cũng cho rằng: Sự phát triển của Internet đã làm thay đổi đến việc đọc sách ở TSPL cấp xã. Đưa TSPL về bưu điện văn hóa xã sẽ phát huy tác dụng hơn là đặt ở UBND xã và chắc chắn cũng sẽ đỡ lãng phí hơn... Đây cũng chính là phương án được nhiều địa phương lựa chọn, quan tâm đối với TSPL. Điều này mở ra nhiều hy vọng hơn để TSPL không còn là hình thức...

Bài và ảnh: Vân Sơn


Bài Và Ảnh: Vân Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]